CÓ HAY KHÔNG CÓ QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ


                     HB
  Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, quân đội với nhiều thủ đoạn, trong đó tập trung vào xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội; nhằm thực hiện mục tiêu này, chúng ra sức tuyên truyền đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 của nước ta, xác định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và lực lượng vũ trang, quân đội. Vậy thì, có hay không có “lực lượng vũ trang, quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”?
Trước hết, trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nghiên cứu nguồn gốc, bản chất chiến tranh và quân đội, chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định quân đội là một hiện tượng lịch sử ra đời trong giai đoạn phát triển nhất định của loài người khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự đối kháng giai cấp trong xã hội; bản chất của giai cấp quân đội phụ thuộc vào bản chất giai cấp giai cấp của nhà nước đã tổ chức ra quân đội đó. Trong xã hội có giai cấp, quân đội chưa bao giờ và không bao giờ đứng ngoài đời sống chính trị của xã hội. Xét đến cùng, bản chất chính trị - xã hội của quân đội được quyết định bởi quân đội đó do giai cấp nào tổ chức ra, nằm trong tay ai và phục vụ trước hết cho lợi ích của giai cấp nào trong xã hội. Quân đội do giai cấp áp bức, bóc lột tổ chức bao giờ cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, trên cơ sở chà đạp lên quyền lợi của nhân dân lao động. Ngược lại, quân đội do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức ra luôn vì lợi ích của nhân dân. Đặt trong mối quan hệ với nhà nước, quân đội là một bộ phận cấu thành và là lực lượng đặc biệt quan trọng của nhà nước, luôn tham gia vào mọi hoạt động chính trị của nhà nước.
Hai là, lịch sử chiến tranh và quân đội đã chứng minh rất rõ vấn đề này: Không có quân đội nào không do một giai cấp tổ chức ra, không do một đảng phái chính trị lãnh đạo; không có quân đội nào không gắn với chính đảng cầm quyền. Chính đảng lãnh đạo quân đội là biểu hiện tập trung cao nhất, đại diện cho lợi ích giai cấp cầm quyền - cũng là lực lượng chính trị đã tổ chức ra quân đội. Dù có thừa nhận hay không, quân đội vẫn chịu sự chi phối bởi quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp đã tổ chức ra nó.
Ba là, hiện nay luận điệu “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” cũng thường được đề cập ở các nước thực hiện đa nguyên, đa đảng khi xẩy ra sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái. Dù các đảng phái ở các nước đó tìm mọi cách che đậy, nhưng rõ ràng dưới hình thức này hay hình thức khác, quân đội ở các nước đó vẫn thường xuyên can dự vào đời sống chính trị của đất nước. Quân đội Thái Lan đứng đằng sau các vụ đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự hợp hiến, hợp pháp cũng không chỉ là vì lợi ích của nhân dân Thái Lan, của quốc gia dân tộc mà thực chất là phục vụ lợi ích của các đảng phái chính trị,  v.v..
Bốn là, lịch sử cách mạng thế giới đã cho chúng ta những bài học sâu sắc về vấn đề “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”. Bài học về sự tan rã và sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, Quân đội và Hải quân Liên Xô đã từng đánh bại cả hàng chục triệu quân phát xít; từng là trụ cột vững chắc của Chính quyền Xô-viết và phong trào cách mạng tiến bộ thế giới, đã bị vô hiệu sau khi tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Với việc xoá bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, chính những nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó đã tự làm vô hiệu hoá Quân đội của họ. Mặc dù lúc đó, Quân đội Liên Xô có tới 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, nhưng do bị “biến chất” về chính trị nên mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN.
Năm là, đối với nước ta, thực tiễn lịch sử đã khẳng định một vấn đề mang tính quy luật: sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Tuy cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội có những điều chỉnh, thay đổi nhất định gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, song, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội luôn được nhất quán thực hiện. Nhờ đó, Quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Như vậy, rõ ràng là cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy không có “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị”. Vậy thì, những người đưa ra luận điệu này nhằm mục đích gì ? Đó chỉ là sự biến tướng của âm mưu nhằm “phi chính trị hóa” quân đội ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp của quân đội, tiến tới làm biến chất quân đội, trên cơ sở đó tạo tiền đề cho việc xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thủ tiêu chế độ XHCN ở nước ta.


Nhận xét