Việc Đảng - “Việc họ”(!)






Từ “Đảng ủy... họ” (!)
Trước thềm Đại hội Đảng bộ xã tôi, vô hồi cuộc họp nhóm, họp tổ, tụm năm túm ba, vô hồi con thoi, ngược xóm Bắc xuôi thôn Nam, hệt như hội họ, hội làng... nhưng dù là hội chính, xem ra còn kém thế. Gặp rồi tan, tan lại gặp, lúc đến vồn vã, âm thầm, lúc về ai cũng hỉ hả, tuồng như trúng mánh (!). Để làm gì? Để xin phiếu bầu, nhờ người giới thiệu hộ... Tất tật chỉ thấy nhẹ nhàng, mơn trớn khác hẳn ngày thường. Người đương chức thì xin người thường. Ấy là trò nịnh... ngược (!), hứa hẹn, giao giá... như lời hứa trẻ con cho nhau quả táo, như giao kèo anh cho tôi, tôi lại cho anh. Một, hai, ba... như đôi ta cùng “ù” trên chiếu… bầu cử (!).
Họ Phạm tôi to trong bốn dòng họ hàng xã. Đảng viên của họ chiếm 40% số đảng viên đảng bộ. Lại thông gia với họ Tạ, to nhì làng bên, nên không ít đảng viên nói: - Đại hội trước cũng như lần này là của hai dòng họ Phạm, Tạ mà thôi(!).
Quả chẳng đơn sai. Họ tôi họp tức thì! Mời họ thông gia làng bên sang liên kết, bàn chuyện. Hai họ đấu vào, bày mưu tính kế! Tôi thấy mà buồn cho việc Đảng đang biến thành việc họ! Ông bác tôi phân công từng chi bộ của họ tôi, giới thiệu ai, gạt bỏ dòng họ khác thế nào. Ông chú đảm nhận vận động hành lang(!). Họ Tạ làng bên, cũng thế. Tính tính toán toán! Cứ thế! Cứ thế! Hai họ cam kết xong, rồi lăn vào mâm rượu dọn chờ sẵn. Hỉ hả. Hít hà. Mấy anh cãi lại, bị mắng, thậm chí bị dọa: - Không nghe chú bác, là hư; không xứng đáng là người họ ta; phải khai trừ ra khỏi... họ(!)
Hỡi ôi!
Thế là Đảng ủy xã đúng ý hai họ. Hai phần ba số ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, rồi Bí thư, Chủ tịch đều là người hai họ. Chắc lắm đảng viên, lắm người hai họ hài lòng lắm lắm(?!).
... tới “Đảng ủy... đồng hương”(!)
Người xưa bảo chẳng sai: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”! Ấy là lẽ ở trên đời cố kết người với người, vì mục tiêu chung của nhóm nhỏ hay cộng đồng, một cách tốt đẹp.
Ấy thế mà nay, không ít người, ở chẳng ít nơi, theo đó, kéo bè kéo cánh trong việc Đảng, việc nước. Không dừng lại ở đồng hương, họ mở ra cả đồng tâm... mâm nhậu, đồng lòng... rút ruột Nhà nước, đồng mưu... lũng đoạn việc công (!). Cùng quê, cùng sở năng rượu bia, cùng âm mưu tham nhũng... tới mức loạn “cùng”, thế là họ... đồng (!).
Phe này, cánh kia mọc lên như nấm sau mưa. Cơ quan, đơn vị ba bè bảy bối, rối hơn canh hẹ. Ai không theo phe này, nhóm nọ, lập tức bị tẩy chay. Còn ai phe này với người phe kia y như đối thủ (!). Cơ quan lúc nào cũng âm âm u u như là nhà có đám, như là ai cũng giữ thế thủ, trừ những lúc những thứ đồng ấy tao ngộ để mưu tính việc nọ việc kia. Không khí trầm uất bao trùm. Đảng ủy phải ra tay, nhưng như gà mắc tóc, bởi được hình thành những thứ đồng ấy, chả dám cả gan “quân ta đánh quân mình”, nên càng rối rắm, kỷ luật đảng bị họ buông tay. Được thể, mấy anh thuộc đồng ấy càng vênh vác, hoắng lên (!). Khắp đơn vị, ai cũng xao xuyến, buồn rầu, chán nản!
Hỡi ơi!
Nhân nào... quả ấy!
Cho đến một ngày, chỉ hai năm sau đó! 
Họ tôi và họ Tạ, cả tới tám đảng ủy viên của “Đảng ủy ... họ” ra tòa, vì tội gạt người họ khác, “cánh” khác ra khỏi Đảng; vì “đồng tâm” biển thủ, gian lận tiền đền bù giải phóng mặt bằng...! Toàn Ban Thường vụ “Đảng ủy... họ” bị kỷ luật. Ban Chấp hành Đảng bộ, theo đó, không cần đụng tới cũng tự nó rã rời!
Rồi, mấy kiểu đồng hương, đồng tộc, đồng lòng, đồng mưu ấy, Nghĩa là “Đảng ủy... tam tứ đồng...” (!), khi bị thanh tra, phát giác đủ thứ tội: cục bộ, kéo bè kéo cánh, trù dập, tham nhũng,.. số phận, không nói cũng biết, chẳng khác “Đảng ủy... họ” quê tôi là bao! 
Mọ mẫm về quê, thấy ai cũng than thân trách phận! Chỉ biết lặng im, vì biết nói gì hơn, vì những điều cần nói tôi đã nói cả rồi, lại còn bị mắng: -Anh có tí chữ đã định ti toe khoe tài, dạy khôn! Vài bốn tuổi đảng định lên mặt “lạt non đòi buộc tre già”. Mấy chục năm tuổi đảng như ta làm sao mà sai, không có quyền sai (!). Tôi từng bị Bác tôi “chan canh, đổ mẻ” vào mặt như thế, khi khuyên bác không nên làm chuyện họ, việc Đảng nhập nhằng như thế!
Anh tôi bị kỷ luật nhẹ nhất, tìm tôi, khẽ nói trong ầng ậng nước mắt: - Ừ, chú nói đúng! Việc Đảng chứ đâu phải chuyện họ! Và, anh tôi bưng mặt khóc hu hu. Tôi thầm thĩ vỗ về: - Sai thì sửa. Em sợ nhất không ngộ ra cái sai thôi! Và, anh tôi choàng lên ôm tôi đến nghẹt thở! Lúc ấy, may mà mặt trời chưa đổ sang chiều! 
Nhị Bảo Lê
 (Trích nguồn Tạp chí Cộng sản online 27/3/2017














Nhận xét