Từ bản Hiến pháp lâu đời nhất châu Âu

      

                                  Đại nghị viện thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1791

08:32 | 07/05/2017
Ba Lan - một quốc gia trung bình ở châu Âu chứ không phải các nền dân chủ đại nghị nổi tiếng lại là một trong hai quốc gia ban hành bản Hiến pháp lâu đời nhất thế giới.

Nghị viện Ba Lan có lịch sử lâu đời, bắt đầu từ việc triệu tập Nghị viện toàn quốc (Sejm) bao gồm ba bên là Quốc vương, Viện Nguyên lão (Thượng viện) và Tiểu hội nghị (Hạ viện) vào năm 1493 dưới triều đại vương quốc Ba Lan. Nghị viện nước này từng có quyền hạn rộng lớn hơn so với nghị viện các nước châu Âu khác. Năm 1791, Đại nghị viện (Sejm Wielki) đã thông qua “Hiến pháp ngày 3 tháng 5” có nội dung khôi phục chế độ quân chủ cha truyền con nối với nền tảng là chính thể quân chủ lập hiến, quy định áp dụng chế độ nghị viện quyết định theo đa số, trao cho dân cư thành thị quyền bầu cử… Hai năm sau khi thông qua bản Hiến pháp, Ba Lan tan rã do bị phân chia bởi 3 quốc gia láng giềng là Nga, Phổ và Áo, do đó bản Hiến pháp chưa được thi hành một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, đây là bản Hiến pháp do Nghị viện ban hành có lịch sử lâu đời nhất châu Âu và thứ 2 thế giới sau Mỹ. 
Thế chiến thứ Nhất kết thúc, Ba Lan khôi phục nền độc lập từ Phổ, Áo và Nga. Thể chế Tổng thống được áp dụng theo Hiến pháp tháng 3.1921. Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, Ba Lan theo hình thức xã hội chủ nghĩa được lập ra với tư cách là cơ quan tối cao của quyền lực quốc gia. Ba Lan thuộc khối các nước Xã hội Chủ nghĩa. Tuy nhiên ngay dưới thời Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan nắm quyền, tại Ba Lan vẫn tồn tại rất nhiều lực lượng xã hội khác nhau. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1989, Thượng viện và chế độ Tổng thống được khôi phục, QH Ba Lan chuyển sang chế độ lưỡng viện như hiện nay.
Tuy nhiên, các lực lượng đã từng thống nhất với nhau lại chia năm xẻ bảy trong vấn đề tầm nhìn về việc làm thế nào để xây dựng một Ba Lan mới. Trong cuộc bầu cử tháng 10.1991, có khoảng 20 chính đảng giành được ghế nhưng không đảng nào vượt quá được 20% số ghế, khiến cho trong một thời gian dài Ba Lan nằm dưới sự điều hành của các Chính phủ liên minh đầy bất ổn. Trước tình hình đó, Ba Lan đề ra quy định loại trừ các đảng nhỏ nếu không giành được quá 5% số phiếu trong cuộc bầu cử QH tháng 9.1993, nhờ đó các đảng có ghế trong QH chỉ dừng lại ở con số 7, chấm dứt phần nào tình trạng loạn chính đảng.
Theo Bản Hiến pháp tháng 4.1997, Ba Lan theo chế độ cộng hòa và dân chủ nghị viện, quy định rộng rãi về quyền tự do của công dân. Tam quyền phân lập được quy định rõ, theo đó quyền lập pháp thuộc về Thượng viện và Hạ viện, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và Chính phủ (Hội đồng bộ trưởng), quyền tư pháp do Tòa án thực thi. Cơ quan lập pháp bao gồm Thượng viện (Senat) và Hạ viện (Sejm). Tuy nhiên trên thực tế, Thượng viện mang đậm tính chất của “nghị viện của lương tri”, quyền lực thực chất thuộc về Hạ viện. Ngoài quyền bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Hiến pháp, các chức danh quan trọng như Thống đốc Ngân hàng trung ương, Hạ viện với một số điều kiện nhất định còn có thể vô hiệu quá quyền phủ quyết của Tổng thống. 
Lê Anh
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId=389782

Nhận xét