Nhận diện yếu kém

08:12 | 08/05/2017
Với tinh thần nhìn thẳng, chỉ thẳng của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi cần được phân tích mổ xẻ một cách thấu đáo, nhằm có giải pháp tháo gỡ.
Vì sao nhiều doanh nghiệp (DN) “quả đấm thép” của kinh tế quốc gia lại sản xuất, kinh doanh yếu kém, thậm chí thua lỗ? Kinh tế chưa bứt lên nhanh do thể chế, cơ chế chính sách chưa phù hợp, hay còn căn nguyên gì khác? Những trì trệ, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, vì sao chưa được khắc phục, thậm chí có mặt còn ỳ ạch hơn? Vẫn là quản trị DN yếu, quản trị nguồn lực, tài chính, công nghệ chưa theo kịp với thực tiễn, nhiều DNNN thua lỗ do SXKD không dự đoán, dự báo được biến động giá cả và thị trường. Một số DNNN tìm cách vượt ra, nhưng không đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài, các DN liên doanh.

Nguồn: ITN
Nhìn vào thị trường bán lẻ trong nước cũng đã thấy được sự chậm chân để các DN lớn “khoác áo ngoại”, có tiềm năng tài chính mạnh lấn át. Họ thâu tóm, mua lại chính các DN nội, thiết lập hệ thống phân phối bài bản hơn nên nhiều DN nội thua ngay trên “sân nhà”. Đã thế, chiến lược quản lý các DN trong nước (cả DNNN và các DN dân doanh) vẫn còn loay hoay. Thủ tục hành chính rườm rà,  nhiều sợi dây vô hình như trói buộc thêm đối với các DN. 

“Đầu vào” như thả nổi, nhiều chi phí tăng bất ngờ càng khiến sức cạnh tranh của DN giảm đi. Như sản phẩm của nhà nông, giá thu mua một, giá bán ngoài thị trường cao vút lên 2-3 lần! Người sản xuất thua thiệt, người tiêu dùng cũng bị móc túi, chỉ có khâu trung gian là hưởng lợi. Câu chuyện về giá lợn hơi tại chuồng giảm sâu, nhưng thịt lợn ngoài chợ sao vẫn cứ cao? Không chỉ riêng mặt hàng thịt lợn, mà cả rau, củ quả… đủ thứ cũng nằm trong nghịch lý ấy.

Nhìn rộng ra tổng thể quản lý các DNNN, thể chế, cơ chế vẫn  chưa mở được đường ra. Những quy định của luật không thiếu, nhưng vì sao nhiều DNNN vẫn cứ kêu khó cái này, khó cái kia. Tập đoàn TKV cứ than khó hoài trong khi than khai thác trong nước có giá thành đắt hơn cả nhập khẩu? Ngành điện cũng đòi thêm tiền để mở các nhà máy mới, đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế. Đồng ý là phải lo làm thêm điện, nhưng Bộ KH-ĐT, Công thương, Tài chính cần rà soát xem nhiều DN FDI vào sử dụng đất đai, tiêu thụ năng lượng điện rất lớn với nhiều ưu đãi nhưng đóng góp cho ngân sách quá nhỏ. Liệu chúng ta có nên cứ vô tư cung cấp điện rồi ôm theo một đống nợ?

Tư duy kinh tế vĩ mô phải đổi mới trong tầm nhìn tổng thể. Những gì DN trong nước làm được có cần vẫy gọi các DN nước ngoài vào đầu tư không? Ngay cả các DNNN lớn trong nước cũng không thể khư khư ôm mãi sự độc quyền. DN không thể dùng quyền được độc quyền để chi phối lại các DN dân doanh, các DN nhỏ.

Vậy sân chơi bình đẳng giữa các DN ở đâu? Kinh tế đất nước chưa vượt lên, chính là còn có  sự “o bế” của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước trong mối quan hệ ngang dọc. Từ chuyện giá “đầu vào”, “đầu ra”, DNNN thì chịu thua lỗ, còn DN bên ngoài vô tư hưởng lợi, người đứng đầu những đơn vị này có biết không? Nói thẳng: Họ biết hết, thậm chí biết đến tận “chân tơ, kẽ tóc”, nhưng ngó lơ.
Nhận diện những yếu kém của các DNNN hiện nay chính là câu chuyện người đứng đầu các DN. Quản trị DN yếu có trách nhiệm người đứng đầu không? Quản trị tài chính non, có phải vì các vị trí nắm giữ bạc tiền còn nể quan hệ “người nhà” nên khó ăn, khó  nói? Quản trị công nghệ yếu, có phải vì vụ lợi, “gửi giá” trong mua sắm thiết bị, vật tư, máy móc để hưởng hoa hồng? Quản trị nguồn lực chưa như ý, có chuyện kéo người nhà, thân hữu vào DNNN quá nhiều không?

Các bộ, ngành quản lý các DN, các cơ quan chức năng hãy nhìn thẳng với con mắt vô tư, khách quan, chắc sẽ không khó nhận ra!
Đăng Quang
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=389814

Nhận xét