Đẩy lùi giặc nội xâm


(HNM) - Cùng với quan liêu và lãng phí, tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với quyền lực nhà nước và mang tính toàn cầu. Những hành vi của bất kỳ người nào có (hoặc được giao) chức vụ, quyền hạn nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi đều có chung nguyên nhân là do thói tham lam, ích kỷ đã vượt quá sự kiểm soát của bản thân, vượt quá các chuẩn mực pháp lý và đạo đức. Bởi thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gọi tham nhũng là "một thứ giặc ở trong lòng". Với đất nước, đó chính là loại giặc nội xâm...

Giặc nội xâm này có nguy hiểm không?

Nó rất nguy hiểm. Bởi người tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Muốn có chức vụ quyền hạn - đương nhiên phải là người được đào tạo bài bản, có trình độ nhất định, thậm chí là những chuyên gia trong ngành nghề của mình. Có chức vụ, đồng nghĩa là đã trải qua quá trình công tác và cống hiến lâu năm nên cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Có "danh phận", thì quan hệ cũng rộng hơn, điều kiện kinh tế cũng khá giả hơn nhiều người bình thường. Bởi thế, khi bị giặc nội xâm tấn công và làm biến chất, tha hóa, đồng nghĩa Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị mất đi những cán bộ tốt, trụ cột ở những khâu quan trọng trong bộ máy. Một cán bộ tham nhũng làm cho cơ quan, đơn vị rối loạn.

Một số cán bộ có chức, có quyền cấu kết nhau thành nhóm thì cơ quan, đơn vị không thể duy trì được sự phát triển. Khi chức vụ quyền hạn bị sự ích kỷ, lòng tham đè lấp, cán cân công lý bị bẻ cong; chủ trương, chính sách bị biến dạng... sẽ làm cho hàng trăm con người, thậm chí hàng nghìn con người phải gánh chịu hệ lụy buồn. Khi phạm tội tham ô, tham nhũng nặng, ngoài việc phải chịu kỷ luật, mất chức vụ, quyền hạn, còn có thể phải ngồi tù. Lúc đó gia đình, họ hàng, bạn bè cũng không tránh khỏi bị tổn thương, tiếc nuối...

Tham nhũng là một loại giặc tấn công trực diện vào cá nhân, tập thể; làm hư hỏng cá nhân, tập thể, suy giảm đạo đức xã hội; ngăn cản sự phát triển và làm tổn thương các tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người. Chống giặc nội xâm vì thế không hề dễ dàng.

Đất nước ta đã nhận diện và quyết tâm chống tham nhũng ra sao?

Có thể nói, không chỉ nhận diện rõ, mà Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng việc chống loại giặc nội xâm này. Chỉ nửa tháng sau ngày chính quyền cách mạng được thành lập, trong bức thư gửi cán bộ tỉnh Nghệ An ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức lưu ý về sự tha hóa của con người trước chức quyền: "Có những người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng hoặc độc hành độc đoán, hoặc "dĩ công vi tư" (làm tất cả để vụ lợi cá nhân) thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể".

Những năm sau đó, Bác rất nhiều lần chỉ rõ những "căn bệnh" làm tha hóa cán bộ, làm biến dạng tổ chức, tạo mảnh đất cho tham ô, tham nhũng sinh sôi. Đặc biệt, Người đã dày công phân tích và chỉ rõ những biện pháp nhằm ngăn chặn thói ích kỷ, tham lam, đề cao thực hành "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" nâng cao đạo đức cách mạng. Với cương vị đứng đầu Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết thi hành kỷ luật đối với những cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp vì tội tham nhũng.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, có những giai đoạn nạn tham nhũng ở nước ta đã lắng xuống, nhường chỗ cho sức sống mạnh mẽ của đất nước tạo dựng nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của đất nước những năm gần đây bên cạnh niềm vui to lớn trước những thành tựu đầy tự hào, vẫn còn canh cánh không ít trăn trở.

Trong 10 năm (từ 2006 đến 2016) các ngành chức năng thông qua hoạt động của mình đều đã phát hiện những "tên giặc" nội xâm ẩn nấp với nhiều vỏ bọc khác nhau: Công tác thanh tra đã phát hiện 670 vụ/1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng...

Xử lý của các cơ quan chức năng cũng khá kịp thời và nghiêm khắc: Cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ án/7.789 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 2.770 vụ/6.480 bị can; Tòa án nhân dân đã xét xử 2.536 vụ án/ 5.749 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Đặc biệt gần 2 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, hàng loạt vụ án lớn liên quan tới hàng chục cán bộ có chức vụ cao đã được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng người, đúng tội. Nhiều trường hợp cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước cố ý làm sai quy định, dù đã nghỉ hưu, hoặc thời điểm xảy ra sự việc cách đây 5-6 năm vẫn bị xem xét trách nhiệm và đã phải chịu kỷ luật tương ứng với sai phạm. Điều đó càng khẳng định một niềm tin son sắt: Chống giặc nội xâm luôn là quyết tâm cao và không khoan nhượng, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1-2016) nêu rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi".

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (ngày 30-10-2016) lưu ý thêm: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Giặc nội xâm chưa bị đẩy lùi, mà còn biến tướng, hình thành nhiều "lô cốt" phức tạp, tinh vi hơn. Không chỉ cố ý làm trái quy định, bẻ cong chính sách, giả mạo hồ sơ, mà tham nhũng đã len lỏi tìm cách lọt vào việc tham mưu đề xuất nhằm mang về "lợi ích nhóm". Không chỉ "ăn" ở hoạt động kinh doanh, sản xuất, mà tham nhũng gặm nhấm cả vào những lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thi đua, khen thưởng, tổ chức cán bộ, thậm chí bảo vệ pháp luật. Không chỉ đơn độc một số ít cá nhân, mà đã có lúc, có nơi, tham nhũng hiện hình đen đúa qua "cả dây" cán bộ dắt díu nhau bằng những quan hệ thân quen, "mua chức, mua quyền".

Theo năm tháng, hậu quả của giặc nội xâm gây ra cũng lớn dần hơn...

Bởi thế, trong số 6 nhóm vấn đề mà cử tri cả nước kiến nghị với kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV khai mạc hôm nay (22-5-2017) "đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ" tiếp tục là một nội dung quan trọng.

Đẩy lùi giặc nội xâm - để lòng mỗi người trong sáng, cho đất nước phồn thịnh, văn minh!
Long Hà
Nguồn:http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/869383/day-lui-giac-noi-xam

Nhận xét