VẤN ĐỀ AN NINH CON NGƯỜI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG

C.B
An ninh con người là vấn đề đang được cộng đồng thế giới hết sức quan tâm. Nội hàm khái niệm an ninh con người phản ánh nhu cầu bảo vệ các cá nhân và các cộng đồng cụ thể trước các mối đe dọa chủ yếu xuất phát từ chính môi trường sống xung quanh họ như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hàng ngày. Ở Việt Nam, vấn đề con người được Đảng, Nhà nước ta chỉ rõ là “… trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”1 và “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”2. Để hiện thực hóa điều đó, con người Việt Nam cần bồi dưỡng, phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời cần được bảo vệ một cách toàn diện; nói cách khác, vấn đề an ninh con người trong thời kỳ mới phải được coi trọng một cách đúng mức, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với ý nghĩa như vậy, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “… tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”3.
Thực tiễn, trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kết quả bảo đảm an ninh con người chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trước những biến đổi nhanh chóng của cục diện thế giới trong thời gian hiện tại và xu hướng của tương lai, Đảng ta nhận định: “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”1 và “… tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại…”2. Tất cả những vấn đề đó đang tác động tổng hợp, nhiều chiều và trực tiếp tới mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành mối đe dọa đến bảo vệ an ninh con người ở nước ta. Chính vì lẽ đó, đối với vấn đề an ninh con người, quan điểm trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã có nhiều bổ sung, phát triển, thể hiện ở quan điểm, chủ trương xây dựng, bảo vệ và phát triển con người Việt Nam trong tình hình mới. Điều đó được cụ thể ở những nội dung sau:
Một là, bảo đảm an ninh con người có quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình xây dựng xã hội mới. Lợi ích của con người luôn gắn liền với lợi ích của cộng đồng, xã hội, gắn liền với sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc mà họ sinh sống. Thực tiễn cho thấy, khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì an ninh con người cũng không thể bảo đảm. Chính vì vậy, giữ vững độc lập dân tộc, an ninh quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm an ninh con người được thực hiện và ngược lại an ninh con người được thực hiện chính là nhân tố tạo nên sức mạnh trong bảo vệ độc lập dân tộc và an ninh quốc gia. Đảng ta xác định: “… bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”3, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Thành tố “bảo vệ vững chắc Tổ quốc” bao gồm trong nó lĩnh vực quốc phòng và an ninh, bởi dù là hai mảng công tác khác nhau song quốc phòng và an ninh đều hướng vào mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của               nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XII xác định phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ tới trở thành cơ sở, nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện tốt việc bảo đảm quốc phòng và an ninh; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu những nhân tố gây bất ổn định, hoặc các nhân tố gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong nội bộ ta hoặc những nhân tố phát sinh đột biến, bất lợi gây phương hại đến thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, an toàn xã hội và an ninh con người.
Hai là, xây dựng con người “thấm nhuần tinh thần dân tộc” là điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện tốt vấn đề an ninh con người ở Việt Nam.
Con người “thấm nhuần tinh thần dân tộc” tức là mọi ý nghĩ, thái độ và hoạt động của con người đều có tính dân tộc, mang bản sắc dân tộc. Mục tiêu xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc là để con người Việt Nam biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, là bao hàm trong đó cả tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Thấm nhuần tinh thần dân tộc là thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc và đất nước; là tinh thần tự tôn dân tộc trong quan hệ quốc tế.
Trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, một số giá trị truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một. Trong một vài thập kỷ gần đây, những lối sống xa lạ, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc đã xuất hiện trong đời sống xã hội, từ thành phố cho đến những vùng nông thôn. Biểu hiện cụ thể chính là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp”1. Thực trạng đó đang đe dọa bảo vệ an ninh con người ở Việt Nam. Với ý nghĩa như vậy, bảo vệ an ninh con người không thể thực hiện được một cách hiệu quả, toàn diện khi những tinh hoa giá trị tinh thần dân tộc không được tỏa sáng, trở thành hạt nhân nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách bảo đảm cho con người Việt Nam được phát triển một cách toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Theo đó, xây dựng con người “thấm nhuần tinh thần dân tộc” là điều kiện quan trọng đảm bảo vấn đề an ninh con người được thực hiện tốt trong thực tiễn.
Ba là, bảo đảm an ninh con người luôn gắn kết với phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Thành quả của hơn 30 đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều đó đã tạo động lực cho nhân dân phát huy tinh thần tự chủ cũng như khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường trong mọi hoạt động, tự ý thức trong việc bảo vệ an ninh chính trị của đất nước, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng. Tuy nhiên, để con người Việt Nam phát huy tốt nhất ý thức tự chủ của mình thì mọi người dân phải được phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực. Phát triển phẩm chất và năng lực chính là yếu tố quan trọng để con người Việt Nam nâng cao sức “đề kháng” biết tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Tổ quốc. Với ý nghĩa như vậy, đảm bảo vấn đề an ninh con người luôn cần được gắn kết chặt chẽ với việc phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Phát triển toàn diện con người là phát triển và vận dụng được toàn bộ các năng khiếu thể lực và trí lực con người về mọi mặt, theo đó Đảng ta chủ trương: “… xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”1. Sự bổ sung chuẩn mực giá trị con người Việt Nam của Đảng thể hiện nhất quán mục tiêu chiến lược của thực tiễn về xây dựng con người mới đang đặt ra; tạo thêm cơ sở khoa học, pháp lý để mọi tổ chức, tập thể, cá nhân vận dụng vào xây dựng chuẩn mực giá trị con người Việt Nam thiết thực, hiệu quả.
Xây dựng - bảo vệ - phát triển là một chu trình thống nhất và quan hệ biện chứng không tách rời nhau, xây dựng phải bảo vệ, bảo vệ để phát triển. Nói cách khác, vấn đề an ninh con người là vấn đề xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Quá trình xây dựng, phát triển sẽ không thể mang lại thành công nếu không coi trọng đúng mức vấn đề an ninh con người. Do vậy, mọi sự coi nhẹ, tách rời trong tổ chức thực hiện những yếu tố đó đều dẫn đến bế tắc và rất có thể dẫn đến thất bại trong thực tiễn.
Để bảo vệ, xây dựng, phát triển toàn diện con người, cần phải hướng vào các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục vào việc xây dựng thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam”1 và “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo… Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” là những nhiệm vụ quan trọng, cần có sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Bốn là, bảo vệ an ninh con người luôn gắn kết chặt chẽ với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố làm tha hóa con người.
An ninh con người là hướng vào bảo vệ những giá trị cốt lõi, sống còn nhất của con người trước các nguy cơ, đe dọa như bạo lực, hay suy thoái kinh tế. Thực trạng đó đã đẩy con người đến với cái thấp hèn, lạc hậu, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; điều đó làm cho con người bị tha hóa trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Đây là những mối nguy hại ảnh hưởng đến “sự tồn vong cửa chế độ”2, đến sự phát triển bền vững của đất nước và trực tiếp đe dọa an ninh con người. An ninh con người bị đe dọa tất yếu cản trở sự phát triển toàn diện con người, cản trở sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh con người bên cạnh việc xây dựng và phát triển phẩm chất, năng lực con người, khẳng định cái đúng, tôn vinh cái đẹp, tích cực, cao thượng, cần phải luôn “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực… làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam”1.
Đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu là ngăn chặn, đẩy lùi sự hủ hóa, không để cho cái xấu xâm nhập, lấn át cái tốt, chủ nghĩa cá nhân chi phối bản thân. Chúng ta đang sống trong một thế giới hết sức năng động, đầy những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, những xáo động, bất trắc, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới của đất nước, đe dọa an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh con người. Việc nhận thức đúng, đánh giá đúng thực tiễn trong tính chỉnh thể của nó chính là vấn đề quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững đất nước hiện tại và cho tương lai.
Đối với lực lượng vũ trang, việc nhận thức đúng, đủ, toàn diện vấn đề an ninh con người một mặt góp phần quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội; mặt khác, góp phần nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, an ninh chính trị, xã hội trong tình hình mới. Bảo vệ an ninh con người chính là bảo đảm an ninh cộng đồng, an ninh xã hội, bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Theo đó, chúng ta sẽ không có phát triển nếu không có an ninh, chúng ta sẽ không có được an ninh nếu không có sự phát triển. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc nhất để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phát huy vai trò làm nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.



1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 76.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 126.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 53.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 72.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 74.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 11.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 70 - 74.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 29.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 29.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012 , tr. 22.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 127.

Nhận xét