TƯ DUY MỚI VỀ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TRONG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Ban Mai
Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên các mặt, tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp dạy và học, thực hiện “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”21. Việc xác định sứ mệnh của giáo dục như trên là sự quán triệt tư tưởng giáo dục đại chúng, kế thừa, vận dụng tinh hoa giáo dục của thế giới, và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của đất nước. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa trong giáo dục góp phần thực hiện chủ trương: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”2. Theo đó, trong giảng dạy cần triển khai nghiên cứu phát triển về mặt lý luận, giải đáp những vấn đề thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Tăng cường dạy học thực hành, gắn lý luận với thực tiễn trong trang bị tri thức cho người học.
Đại hội XII của Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh việc cần chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, hướng đến phát triển toàn diện con người Việt Nam. Chúng ta tiếp tục quán triệt tư tưởng “phát huy tinh thần độc lập, suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề”3. Giáo dục hiện nay cần hướng đến sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo cho người học, tránh hiện tượng dạy học chỉ mang tính truyền thụ một chiều, áp đặt tư duy, nhận thức cho người học. Yêu cầu đó, đặt ra đối với hoạt động dạy và hoạt động học cần phải có sự đổi mới một cách toàn diện cả về nội dung và phương pháp.
Tư tưởng “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”1. Là một đòi hỏi xuất phát từ yêu cầu thực tế của giáo dục nước nhà hiện nay. Trong giáo dục cần nhấn mạnh đến học thực chất, thi thực chất, đánh giá khách quan, sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Do đó, các nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện học vấn và tay nghề, để người học khi tốt nghiệp ra trường có thể đảm đương tốt công việc theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Lý thuyết đã chỉ ra trong sản xuất muốn có sản phẩm tốt phải có nguồn nguyên liệu tốt; trong đào tạo muốn tạo ra được đội ngũ cán bộ có chất lượng phải làm tốt công tác tuyền chọn đầu vào thật kỹ lưỡng để chọn được những người có phẩm chất, năng lực tốt; đồng thời, trong quá trình đào tạo ngoài việc làm tốt công tác xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, trong đó nhấn mạnh đến phương pháp thi và kiểm tra. Nhằm đánh giá thực chất năng lực của người học và hướng mạnh đến “phát triển phẩm chất, năng lực của người học”2.
Quan điểm của Đại hội XII là sự tiếp nối quan điểm của Nghị quyết Trung ương 8, khoá XI về thực hiện Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo “là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”3.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục của nền giáo dục quốc dân, là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong quá trình đổi mới giáo dục phải chú trọng đến tính hệ thống, đồng bộ, và phải kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái. Trong quá trình đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay cần phải có trọng tâm, trọng điểm và nhận thức đúng những thế mạnh và hạn chế của nền giáo dục nước nhà. Quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục đào tạo là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất                  người học.
Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ”1. Đây là một cách tiếp cận mới về nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, lần đầu tiên Đảng ta nêu ra quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo phải gắn với phát triển nguồn nhân lực. Vì nếu không có nguồn nhân lực chất lượng tốt thì không thể đẩy mạnh, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển nền kinh tế, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Theo đó, trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay tiếp tục phát triển quan điểm đổi mới chương trình nhằm phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Trong giáo dục đặc biệt chú trọng hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống, và ý thức pháp luật đối với công dân. Trong nội dung đào tạo cần truyền đạt cho được những giá trị cốt lõi của truyền thống dân tộc và tinh hóa văn hóa nhân loại, giá trị tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng phát triển toàn diện con người cả trí tuệ và thể chất của người học; đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của toàn xã hội hiện nay.
Đối với phương pháp dạy học cần đa dạng hóa các hình thức dạy học, trong đó cần chú trọng các phương pháp dạy học hiện đại, hướng mạnh đến sự độc lập tư duy, sáng tạo của người học, khuyến khích người học độc lập trong tư duy và cách tiếp cận vấn đề, giúp người học phát triển toàn diện năng lực của mình. Trong giảng dạy cần lựa chọn những phương pháp phù hợp gắn với chức trách nhiệm vụ trong tương lai người học đảm nhiệm, quán triệt phương châm “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”. Đặc biệt chú trọng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các nhà trường hiện nay.
Giáo dục đào tạo cần gắn với tuyển dụng, hướng đến nhu cầu, đòi hỏi của xã hội; trong đó, chú trọng đến năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế, không quá nặng đến bằng cấp; chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo được kiểm nghiệm qua sự chấp nhận của thị trường lao động. Trong đào tạo hiện nay cần đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo qua thực tiễn, nâng cao tay nghề của người lao động; tham gia xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sử dụng lao động điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học.
Phát huy sức mạnh của khoa học công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, thực hiện cơ chế, kiểm tra và đánh giá chéo trong giáo dục đào tạo. Cách làm này tận dụng được ưu thế của khoa học công nghệ hiện đại và kịp thời phát hiện được những vướng mắc trong quá trình giáo dục, đào tạo, nhằm kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chương trình, nội dung và phương pháp. Nhằm hiện thực hóa nội dung, chương trình giáo dục đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; một trong những biện pháp quan trọng đó là cần tổ chức đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Luôn chú ý đến các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục. Làm tốt công tác liên kết giữa các nhà trường, các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của quốc dân.
Đi kèm nhưng không thể thiếu trong quá trình giáo dục đào tạo đó là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình giáo dục, đào tạo; cần quan tâm đầu tư thỏa đáng ngân sách cho quá trình giáo dục đào tạo. Đảng ta khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”1. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cần chú trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo với nghiên cứu, giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất kinh doanh; tập trung nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn. Có cơ chế phù hợp khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo quốc dân không thể không giao lưu, hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo, nhưng quá trình đó cần giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại”1.
Quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vận dụng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo hiện nay. Đặc biệt là những người làm công tác hoạch định chính sách và những người trực tiếp làm công tác giáo dục và đào tạo cần nhận thức và vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn công tác của mình. Nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ trong tình hình mới./.



1, Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr.  114.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 111.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 115 - 116.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 115.
3 Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 27 - 28.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 116.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 117.
1 Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cổng sản Việt Nam Khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 38.

Nhận xét