TĂNG CƯỜNG KẾT HỢP GIỮA QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Đan Tâm
Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh là nhu cầu khách quan của mọi quốc gia dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Khi xã hội có giai cấp, tổ quốc với tính cách là tổ quốc luôn là sự thống nhất giữa mặt tự nhiên và mặt xã hội. Tổ quốc không chỉ là một lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển, một không gian sinh tồn của những cộng đồng người, mà tổ quốc còn gắn liền với một chế độ chính trị, một giai cấp thống trị đại diện cho quốc gia, dân tộc đó. Vì thế, chưa bao giờ có một tổ quốc chỉ thuần túy là một không gian sinh tồn, theo đó việc bảo vệ Tổ quốc không bao giờ chỉ là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, mà luôn có sự gắn bó chặt chẽ giữa bảo vệ tổ quốc trước nạn ngoại xâm với bảo vệ vững chắc chế độ chính trị, gắn bó giữa quốc phòng và an ninh, đảm bảo cho quốc gia dân tộc đó luôn ở trong trạng thái trong ấm, ngoài êm.
 Thực tiễn lịch sử khẳng định, nếu quốc gia dân tộc nào kết hợp chặt chẽ được quốc phòng và an ninh trong cả thời bình và thời chiến thì quốc gia dân tộc đó sẽ trường tồn, và ngược lại. Bài học, chỉ chú trọng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, coi nhẹ, hoặc làm không tốt việc chống các thế lực chống đối chế độ ở trong nước, giành chiến thắng vẻ vang trong chiến tranh chống xâm lược, nhưng lại thất bại trong việc bảo vệ chế độ chính trị để rồi cả cơ đồ của những người Cộng sản và nhân dân Nam Tư sau hơn nửa thế kỷ xây dựng đã tan thành mây khói, chỉ sau chiến thắng xâm lược chưa đầy một năm sau đó, của Tổng thống Nam Tư Milaxôvích năm                  1999 - 2000 đã minh chứng  điều đó.  
Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh là quy luật giành thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Ở bên một quốc gia rộng lớn, có dân số lớn nhất thế giới, cùng mưu đồ bành trướng, lại ở vị trí ngã ba Đông Nam châu Á nên đất nước ta phải thường xuyên tiến hành các cuộc chiến tranh chống xâm lược, khi chống thế lực bành trướng phương Bắc, khi chống các thế lực thực dân, đế quốc phương Tây. Những cuộc chiến tranh của các thế lực xâm lược không chỉ chúng dã tâm cướp nước và thống trị, mà còn chung thủ đoạn: nội công ngoại kích, kết hợp các đòn tiến công của các đội quân xâm lược với sự phản loạn của các thế lực thù địch ở trong nước, nhằm vừa cướp lấy non sông đất nước Việt Nam vừa lật đổ chế độ chính trị đại diện cho nguyện vọng ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam.
 Nhận rõ mưu đồ đen tối của kẻ thù, để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông cha ta đã đồng thời tiến hành tiêu diệt kẻ thù của chế độ chính trị ở trong nước và đánh bại kẻ thù xâm lược ở ngoài nước, thậm chí trong nhiều trường hợp chúng ta còn phải tiến hành tiêu diệt các mầm mống, các lực lượng phản động ở trong nước trước khi tiến hành tiêu diệt các đạo quân xâm lược nước ngoài. Việc nhanh chóng vạch mặt chỉ tên bè lũ phản bội Trần Ích Tắc, trước khi tiến hành thắng lợi ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần thế kỷ XIII; việc cô lập, vô hiệu hóa hoạt động chống phá, làm tay sai cho giặc của triều đình Lê Chiêu Thống, trước khi phá tan quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung thế kỷ XVIII đã minh chứng điều này.
 Nhưng nếu không biết kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh ngay trong từng khâu, từng bước của quá trình bảo vệ Tổ quốc thì hậu quả thật khó lường. Truyền thuyết về sự mất cảnh giác, không làm tốt công tác bảo vệ an ninh, để những gián điệp nước ngoài luồn sâu, leo cao, lấy hết mọi bí mật quốc gia, để rồi, khi có giặc ngoại xâm phải bỏ chạy, tự sát, đưa đất nước đắm chìm trong nô lệ của An Dương Vương; việc không làm tốt công tác an ninh, loại bỏ sớm những hang ổ gián điệp núp dưới bóng các giáo sĩ truyền đạo người Pháp của Triều đình nhà Nguyễn, theo đó cả một đội quân to lớn, cùng một hệ thống  thành quách hùng vĩ từ Bắc tới Nam của Nhà Nguyễn phải nhanh chóng đầu hàng trước những đạo quân nhỏ bé của thực dân Pháp vào giữa thế kỷ XIX là sản phẩm tất yếu của sự không biết kết hợp giữa quốc phòng, an ninh trong quá trình giữ nước.
Tình hình mới đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ hơn giữa quốc phòng và an ninh.
 Ngay trong ngày 19 tháng 8 năm 1945, dù bận muôn ngàn công việc khó khăn phức tạp của Cách mạng tháng Tám, nhưng Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã nhanh chóng quyết định  thành lập lực lượng Công an nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia. Từ đây, cũng mở đầu cho sự kết hợp giữa quốc phòng và an ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sự kết hợp chặt chẽ đó là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hơn 70 năm qua.
Tuy nhiên, tình hình mới về kinh tế, chính trị, văn hóa tư tưởng ở  trong nước và quốc tế… đặt ra nhiều vấn đề đối với kết hợp giữa quốc phòng và an ninh. Trên thế giới; “Trong vài thập kỷ tới thế giới về cơ bản vẫn phát triển trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản”1. Do bản chất của chủ nghĩa tư bản nên hiện trạng trên đồng nghĩa với nguy cơ phải đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược và sự phá hoại toàn diện chế độ xã hội chủ nghĩa, không chỉ hiện hữu mà còn ngày càng gia tăng đối với nước ta hiện nay. Hơn nữa, ngày nay, để chống phá phong trào cách mạng thế giới trong đó có Việt Nam, các thế lực thù địch chuyển sang sử dụng các biện pháp phi vũ trang là chính, lấy “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ là biện pháp chiến lược. Trong khi đó “Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”2. Để vượt qua thách thức và đánh thắng các thủ đoạn trên của các thế lực thù địch buộc chúng ta phải kết hợp chặt chẽ hơn quốc phòng và an ninh.
 Mặt khác, mục tiêu, yêu cầu mới cùng những thời cơ, thuận lợi và những thách thức khó khăn mới đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc buộc chúng ta phải tăng cường kết hợp giữa quốc phòng và an ninh. Mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới như Đảng ta xác định: “…bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa… giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”1. Rõ ràng để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu bảo vệ toàn vẹn độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta phải kết hợp chặt chẽ hơn nữa không chỉ quốc phòng với an ninh mà còn phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng và ngoại giao, của cả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 Điểm mới của Đại hội XII là đưa “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc của cả hệ thống chính trị…”2 trở thành mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Như vậy, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc không chỉ là động lực to lớn nhất, nguồn nội lực quyết định nhất đối với sự thành bại của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà  còn  đòi hỏi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng quân đội và công an là nòng cốt cũng phải hướng tới góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị. Muốn thực hiện mục tiêu này, các hoạt động quốc phòng phải kết hợp chặt chẽ hơn trong toàn bộ quá trình khơi dậy, huy động, qui tụ sử dụng sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải kịp thời đập tan những cuộc bạo loạn vũ trang cùng những âm mưu hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội,  làm “yên lòng dân” từ đó làm cơ sở xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” chỗ dựa vững chắc của thế trận quốc phòng toàn dân, và thế trận an ninh nhân dân. Do vậy, kết hợp chặt chẽ hơn nữa quốc phòng với an ninh còn chính do nhu cầu của hai lĩnh vực này trong thời kỳ mới.
Một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.
Trước hết cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn giữa quốc phòng và an ninh.
Đây vừa là nội dung, yêu cầu mang tính tiên quyết vừa là tiền đề để tăng cường kết hợp quốc phòng và an ninh trong tình hình mới. Tuy đều hướng tới mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đều dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, nhưng đây là hai lĩnh vực có đối tượng tác chiến, phương thức hoạt động, biên chế tổ chức khác nhau nên tất yếu sẽ có những chiến lược không giống nhau. Những năm qua chúng ta đã sớm xây dựng hai chiến lược này. Song do sự biến động của tình hình, nhu cầu tăng cường kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh trước hết cần được thể hiện ngay trong chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh, làm cơ sở cho việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch và thực hiện củng cố, phát triển lực lượng, hoàn chỉnh biên chế tổ chức, trang bị vũ khí, phương tiện… của cả quốc phòng và an ninh.     
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ hơn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ hơn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân trên phạm vi cả nước, ở mỗi tỉnh thành, quận huyện, thôn xã, trong từng lĩnh vực, trên từng tuyến, nhất là trong các khu vực phòng thủ. Đây là cơ sở để chúng ta xác định đúng vị trí đứng chân của các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, biên phòng, công an nhân dân, cảnh sát cơ động, các kho dự trữ hậu cần, hệ thống đường cơ động, hệ thống đảm bảo thông tin… trong điều kiện hòa bình, ổn định và trong các tình huống không ổn định, diễn ra bạo loạn, xảy ra chiến tranh.
Xây dựng bổ sung các phương án bảo vệ các mục tiêu, nhất là các mục tiêu quan trọng, then chốt của nền kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự của đất nước và trên từng địa phương, từng lĩnh vực khi xảy ra chiến tranh, xảy ra bạo loạn chính trị. Thực chất đây là việc bổ sung hoàn thiện phương thức tác chiến, bổ sung nhiệm vụ của các lực lượng công an, quân đội và cách thức hiệp đồng, giữ vững hiệp đồng giữa các lực lượng khi có các tình huống xấu xảy ra.     
Thứ ba, không ngừng hoàn thiện cơ chế kết hợp giữa lực lượng quân đội và lực lượng công an.
Chủ thể cao nhất, quyết định nhất lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc kết hợp giữa quốc phòng và an ninh trong tình hình mới là Đảng, Nhà nước nhưng chủ thể trực tiếp là các tổ chức, cơ quan đơn vị, cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an. Do vậy, để sự kết hợp này chặt chẽ, thực chất, có hiệu quả, đi vào cuộc sống cần không ngừng hoàn thiện cơ chế kết hợp giữa lực lượng quân đội và lực lượng công an từ trung ương đến cơ sở, trong các lĩnh vực, trong các mặt hoạt động, nhất là trong trao đổi thông tin về các đối tượng, tình hình địa bàn, vấn đề bức xúc trong từng lĩnh vực trong các thời điểm liên quan đến quốc phòng, an ninh; trong phối hợp hành động khi có tình huống xảy ra.
Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì và tổ chức đảng các cấp trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra của quá trình kết hợp giữa quốc phòng và an ninh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp quốc phòng và an ninh ở nước ta đã có lịch sử hơn 70 năm và đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, kết hợp quốc phòng và an ninh còn tiếp tục phát triển với những thách thức, khó khăn, phức tạp mới; rất mong được sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị để việc kết hợp quốc phòng và an ninh trong tình hình mới ngày càng đạt được kết quả tốt hơn./.



1 Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 598.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 72.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  tr .147 - 148.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 148.

Nhận xét