QUÁN TRIỆT TINH THẦN TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH CỦA ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY MÔN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN

Đ.C
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân ta làm nên nhiều kỳ tích vĩ đại của dân tộc ở thế kỷ XX, vững bước tiến vào thế kỷ XXI dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kỳ tích đó là công lao, mồ hôi xương máu của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, của nhân dân ta vun đắp nên.
Mỗi bước phát triển của Đảng cũng như thành quả cách mạng giành được đã khẳng định cán bộ, đảng viên luôn phát huy tốt được vai trò, trách nhiệm và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc. Sự tiến bộ của mỗi cá nhân góp phần vào sự trưởng thành lớn mạnh của Đảng, thể hiện rõ ở các giai đoạn phức tạp nhất của cách mạng thế giới cũng như cách mạng nước ta, Đảng đã đưa dân tộc ta vượt qua những thử thách cam go của lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn phức tạp của điều kiện khách quan và những nhân tố chủ quan, đó là trước sự sụp đổ một loạt nước xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tập trung xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, cùng với mặt trái cơ chế thị trường đã thường xuyên tác động vào một bộ phận cán bộ, đảng viên làm nảy sinh tư tưởng chủ nghĩa cá nhân.
Với tinh thần cách mạng, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để tự phê bình và phê bình, kịp thời ngăn chặn khắc phục thiếu sót của cán bộ, đảng viên, nếu không sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, tinh thần đó được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiệm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”[1]. Với những tình trạng yếu kém của cán bộ, tính chất sai phạm biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, quy mô rộng hơn, không chỉ sai phạm về quản lý kinh tế mà còn sai phạm cả về suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một phận cán bộ, đảng viên: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi ”[2].     
Với yêu cầu nhiệm vụ mới cũng như quy luật phát triển của Đảng thì cán bộ, đảng viên phải là những con người tiền phong, gương mẫu, thực sự mẫu mực cho quần chúng noi theo, thế nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên lại đi ngược lại quy luật phát triển đó, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của Đảng đối với nhân dân. Vì thế, hơn lúc nào hết, trong văn kiện Đại hội của Đảng tiếp tục khẳng định phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng: Đảng ta không phải trên trời sa xuống… Đảng là người nên cũng có lúc sai lầm… Vì vậy, Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: cán bộ, đảng viên không phải là thiên thần cho nên có lúc mắc phải sai phạm, song điều quan trọng là biết nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa với là người tiến bộ cách mạng. Vì vậy, Đảng ta đã xác định:
Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình nhằm tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Trong hoạt động thực tiễn đa dạng, phức tạp và phong phú của thời kỳ quá độ, cho nên trong xã hội còn đan xen nhiều hình thái ý thức xã hội. Vì thế, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên cũng bị tác động nhiều chiều, nhiều mặt của đời sống xã hội cũ và mới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân[3]. Muốn chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả cao thì phải tự phê bình và phê bình. Trung thành với những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đảng ta thường xuyên nêu cao tinh thần tự phê và phê bình của cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, kết quả thực hiện nghị quyết này trong Văn kiện Đại hội XII Đảng ta đã đánh giá: “Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình... và việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tạo được chuyển biến tích cực bước đầu trong việc ngăn chặn trên một số mặt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng”[4]. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đánh giá thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 mới đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, bên cạnh những việc làm được thì Đảng cũng chỉ ra một số việc chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra “trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến"[5].
Để khắc phục những hạn chế yếu kém, Đảng chỉ ra phải tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đạo đức cách mạng không phải là bẩm sinh, vốn có mà cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, tu dưỡng một cách kiên trì, bền bỉ, đấu tranh, rèn luyện và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Chủ nghĩa cá nhân mà tồn tại nó hoành hành xã hội như cỏ dại thì đạo đức cách mạng không thể tương dung.
Vì vậy, muốn phát triển đạo đức cách mạng thì phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, như trong Văn kiện đã khẳng định: “Nâng cao bản lĩnh chính chị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp”[6]. Cán bộ chủ chốt phải làm gương, nói phải đi đôi với làm.
Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình thể hiện hiệu xuất, hiệu quả công việc nói đi đôi với làm của mỗi cán bộ đảng viên. Chúng ta thấy rằng người cán bộ, đảng viên nếu chỉ có phẩm chất, đạo đức tốt thì chưa đủ “Như Ông Bụt ngồi trong chùa” mà phải có trình độ năng lực để làm việc và tổ chức quần chúng, phải thực sự nói đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và chính ngay cuộc đời của Người đã thường xuyên thực hành theo nguyên tắc đó: “Việc gì có lợi cho dân, cho nước phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì hết sức tránh”. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương, kiểu mẫu về đạo đức và công việc: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”[7]. Với tinh thần ấy, Đảng ta kiên quyết đấu tranh với những sai trái nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội thực dụng, bè phái, “Lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”[8].
Việc tự phê bình và phê bình để hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đảng viên. Nhân cách đó phải luôn hòa quyện, thống nhất biện chứng giữa phẩm chất và năng lực và luôn thể hiện bằng công việc cụ thể: “Lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ”[9]
 Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, trước hết  thể hiện ở việc sàng lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt phải đảm bảo hoàn thành tốt được chức trách, nhiệm vụ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”[10]. Tiếp theo đó là việc làm không thể thiếu được của một Đảng cách mạng chân chính: “Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý”[11]. Như vậy, với đáp ứng được yêu cầu của một Đảng kiểu mới, đã tôi luyện ra đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ mới của cách mạng, thể hiện sức mạnh và uy tín của đảng không chỉ có lý tưởng cách mạng, chân lý khoa học mà chủ yếu còn bởi hành vi, hành động cao đẹp thông qua kết quả hoạt động thực tiễn tạo nên sự hấp dẫn, chinh phục lòng người, làm cho quần chúng ngưỡng mộ, nguyện suốt đời noi theo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên chỉ được thực hiện khi phát huy tốt được vai trò của các tổ chức Đảng. Bởi vì, tổ chức đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị, là nơi rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức cao hơn nữa về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người, đồng thời cũng là nơi tạo ra các thiết chế phù hợp bảo đảm, phát huy được tự do, dân chủ thực sự của việc tự phê và phê bình. Các tổ chức có vai trò kiểm tra để kịp thời phát hiện những khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên khi mới manh nha, biểu hiện ở mức độ thấp để kịp thời khắc phục.                                                         
Thế nhưng, một thực tế hiện nay có một số nơi, một số tổ chức đảng chưa thực sự là một tổ chức mạnh, thậm chí còn yếu kém dẫn đến chưa phát huy tốt được tính đấu tranh trong tự phê bình và phê bình, chất lượng giáo dục đảng viên chưa tốt: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên chất lượng sinh hoạt đảng chưa cao và tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”[12].
Từ thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu cấp bách, phải khắc phục kịp thời những thiếu sót của các tổ chức đảng, nhằm tạo ra môi trường tốt để rèn luyện cán bộ đảng viên, và cũng chính môi trường đó cho mỗi người tự soi mình vào để tự uốn nắn, tự sữa chữa theo các chuẩn mực của các tổ chức đảng đề ra. Vì vậy, chất lượng tự phê bình và phê bình được đến mức độ nào là tùy thuộc một phần rất lớn vào các tổ chức, mà trực tiếp là chi bộ đảng. Xây dựng được chi bộ và các tổ chức của Đảng tốt, tạo ra môi trường dân chủ thực sự, duy trì các chế độ sinh hoạt thường xuyên, chặt chẽ, nhằm phát huy được tính đấu tranh trong đảng, tinh thần đó được Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình”[13]. Trong Văn kiện Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiền phong, gương mẫu”[14]. Vì vậy, việc xây dựng các tổ chức đảng là một việc làm hết sức cấp bách, để phát huy chất lượng tự phê bình và phê bình nhằm hoàn thiện nhân cách cho cán bộ đảng viên, khi đội ngũ cán bộ đảng viên tốt, lại góp phần xây dựng các tổ  chức đảng vững mạnh hơn, đây là mối quan hệ biện chứng không thể thiếu được trong quá trình phát triển của một đảng kiểu mới.
Qua việc quán triệt tinh thần tự phê bình và phê bình của Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chúng ta thấy rằng đây là sự sáng suốt và quyết liệt của Đảng ta, việc làm không thể thiếu được vừa đáp ứng tính cấp thiết đối với thực tiễn Đảng ta hiện nay, vừa là yêu cầu lâu dài đối với nhiệm vụ cách mạng.
Từ những nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình là người giảng triết học tôi thấy rằng trong quá trình đào tạo nếu chỉ truyền thụ tri thức chưa đủ mà cần phải có sự định hướng góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm của mọi người trong việc tự kiểm điểm,  tự rèn luyện bản thân, đồng thời có trách nhiệm đấu tranh, phê phán với các hiện tượng sai trái góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, cần quán triệt tinh thần của Đại hội lần thứ XII của Đảng “tự phê bình và phê bình” vào giảng dạy./.   




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 185.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2016, tr. 194.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 283.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 42.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 43.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 46.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 263.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 202.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 181.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 207.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2016, tr.  212.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 192.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2016, tr. 200.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 205.

Nhận xét