QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Chân Lý
Xây dựng đất nước phải gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”1. Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; đồng thời phải đặc biệt chú trọng xử lý tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ “giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”2. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hai nhiệm vụ đó đã và đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quán triệt và tổ chức thực hiện.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tạo thành một thể thống nhất, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Quan điểm đó không chỉ thể hiện sự kiên định về đường lối, quan điểm; mà còn phản ánh sâu sắc sự phát triển trong tư duy, nhận thức của Đảng ta trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có những biến động mới rất phức tạp, khó lường, tác động cả tích cực và tiêu cực đối với nước ta hiện nay. Bản chất của mối quan hệ này là sự gắn bó mật thiết giữa xây dựng và bảo vệ, trong xây dựng có bảo vệ, trong bảo vệ có xây dựng. Trong khi khẳng định “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần xã hội”1, Đảng ta cũng khẳng định “… bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trong yếu, thường xuyên”2. Do vậy, cùng với nhiệm vụ “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại3, cần phải “… giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội,… giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”4. Quan điểm của Đảng cho thấy, kinh tế - xã hội là gốc của quốc phòng - an ninh; xây dựng kinh tế - xã hội là một phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. “Gốc” có vững chắc thì quốc phòng - an ninh mới vững mạnh. Biểu hiện của vững chắc là ổn định và phát triển; nhưng muốn ổn định và phát triển cần phải bảo vệ. Mặt hoạt động này là điều kiện của hoạt động kia và ngược lại. Bởi vì, xây dựng và bảo vệ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Bảo vệ không chỉ là phòng ngừa hay chống lại, đánh trả, mà vấn đề quan trọng là phải xây dựng. Chúng ta xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cũng chính là để phòng ngừa, để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nếu các thế lực thù địch có dã tâm muốn thôn tính nước ta.
Điều quan trọng hiện nay là phải chăm lo xây dựng mọi mặt của đất nước ngày càng mạnh; đồng thời phải ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục các nguy cơ về chính trị, kinh tế, nhất là các vấn đề xã hội bức xúc, tạo môi trường hòa bình và ổn định. Đặc biệt, nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa sống còn hiện nay là phải “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”5 ngang tầm nhiệm vụ. Bởi vì, Đảng ta là một đảng cầm quyền, sự vững mạnh hay yếu kém của Đảng liên quan đến vận mệnh của đất nước. Do vậy, cần phải khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “…kiên quyết phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức;… đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”1. Phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chính là nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cái tốt, phòng, chống và đẩy lùi cái xấu là điều kiện vững chắc cho bảo vệ. Càng xây dựng tốt bao nhiêu, càng có điều kiện bảo vệ tốt bấy nhiêu. Mỗi nấc thang của xây dựng gắn chặt với mỗi nấc thang của bảo vệ; mỗi nấc thang của bảo vệ lại tạo ra một thành quả của xây dựng, vì bảo vệ trong tiến trình xây dựng.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ còn được thể hiện ở lực lượng xây dựng cũng là lực lượng bảo vệ và lực lượng bảo vệ cũng là lực lượng xây dựng, tức là “sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị”2. Xây dựng không chỉ là việc riêng của kinh tế - xã hội, của dân sự mà còn là của quốc phòng - an ninh. Củng cố quốc phòng - an ninh không phải chỉ là việc riêng của quốc phòng, của bảo vệ mà còn nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của tình hình và trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới được Đảng ta xác định trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”3. Đây là tư duy hết sức khoa học, thể hiện tính nhất quán chặt chẽ vừa xuyên suốt, vừa cụ thể trên cả hai mặt thời gian và không gian. Từ quan điểm trên cần “Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”1, chỉ thấy chiến lược mà không thấy cụ thể từng kế hoạch, từng quy hoạch, từng chính sách; chỉ thấy kinh tế mà không thấy quốc phòng - an ninh; chỉ thấy địa bàn này là ưu tiên kinh tế, địa bàn khác ưu tiên quốc phòng mà không thấy địa bàn nào cũng có cả kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh,v.v...
Do vậy, cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc một cách khoa học và cách mạng rằng, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ có thể thắng lợi khi và chỉ khi quốc phòng - an ninh được giữ vững, môi trường hòa bình được bảo đảm, tình hình chính trị - xã hội ổn định. Vì vậy, phải quan tâm đúng mức và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù. Chỉ có như vậy chúng ta mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, phải thấy rằng, chỉ khi kinh tế phát triển nhanh, bền vững, các lĩnh vực xã hội được bảo đảm thì nền độc lập của chúng ta mới được giữ vững. Những quan điểm chỉ muốn làm giàu về kinh tế bằng mọi giá, không quan tâm đến quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc, cần phải được khắc phục và lên án mạnh mẽ.
Trong những năm tới, “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn”2. Vì vậy, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ trong giai đoạn hiện nay, cần phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp tục đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn./.




1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 114.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 80.
1, 2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 64.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 76.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 148.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 181.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 63.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 147.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 149.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 149.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 75.

Nhận xét