Phán quyết của công lý và triển vọng về giải pháp hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông

Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài thành lập theo quy định của Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã ra phán quyết cuối cùng, kết thúc quá trình gần ba năm xem xét vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về một số khía cạnh của tranh chấp trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài không chỉ mang lại thắng lợi pháp lý to lớn cho Phi-líp-pin trước Trung Quốc mà còn có ý nghĩa đóng góp vào quá trình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và sự phát triển của luật pháp quốc tế nói chung.
Các vấn đề khởi kiện của Phi-líp-pin
Tranh chấp Biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp nhất về chủ quyền và vùng biển hiện nay trên thế giới.
Ở khía cạnh chủ quyền, Việt Nam đã tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) cũng yêu sách chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và thực tế đang chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo này. Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây cũng yêu sách chủ quyền với toàn bộ hoặc một số các đảo tại quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Phi-líp-pin và Trung Quốc cũng có tranh chấp về chủ quyền với bãi cạn Sca-bơ-ru (Scarborough)/Hoàng Nham. Để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền này, Tòa Trọng tài có thể được sử dụng nếu như các bên trong tranh chấp cùng chấp thuận đệ trình tranh chấp ra các cơ quan tài phán này(1). Do Trung Quốc không chấp thuận thẩm quyền giải quyết tranh chấp về chủ quyền của bất kỳ tòa án và trọng tài nào với tranh chấp về chủ quyền, nên các tòa án và trọng tài không thể xét xử tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông. Phi-líp-pin do vậy đã không khởi kiện các tranh chấp về chủ quyền tại Trọng tài theo Phụ lục VII.
Ở khía cạnh vùng biển, các quốc gia ven Biển Đông đều xác định các vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Theo đó, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với hai vùng biển là nội thủy và lãnh hải, có quyền chủ quyền và quyền tài phán với ba vùng biển là vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa(2). Phi-líp-pin cho rằng, UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia yêu sách các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cho quốc gia mình. Tuy nhiên, Trung Quốc ngoài việc dựa trên các quy định của UNCLOS, lại muốn yêu sách các “quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là luật pháp quốc tế nói chung và tập quán quốc tế, nằm bên ngoài các quy định của UNCLOS. Từ đó, Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” trên vùng biển nằm bên trong cái gọi là “đường chín đoạn”, được thể hiện trên một bản đồ nội bộ của chính quyền Đài Loan vào năm 1947(3). Từ sự khác biệt này, Phi-líp-pin đưa ra các yêu cầu khởi kiện với vấn đề thứ nhất là tính bất hợp pháp của yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Theo đó, Phi-líp-pin đề nghị Tòa Trọng tài kết luận, rằng Trung Quốc cũng như Phi-líp-pin chỉ có thể đưa ra các yêu sách về vùng biển dựa trên UNCLOS, rằng các yêu sách của Trung Quốc về các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các “quyền lịch sử” đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS(4).
Bên cạnh đó, do yêu sách chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc khẳng định nước này có chủ quyền với vùng biển tiếp liền và quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng nước có liên quan đối với hai quần đảo này(5). Trong khi đó, Phi-líp-pin cho rằng các cấu trúc địa lý tại quần đảo Trường Sa phải được phân loại theo quy định của UNCLOS và theo sự phân loại này, các cấu trúc địa lý tối đa chỉ là các bãi đá, không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Từ sự khác biệt trong việc giải thích và áp dụng quy định của UNCLOS về vùng biển và địa vị pháp lý của các cấu trúc, Phi-líp-pin khởi kiện vấn đề thứ hai về quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý tại quần đảo Trường Sa. Theo đó, Phi-líp-pin lựa chọn 9 cấu trúc địa lý và yêu cầu Tòa Trọng tài kết luận bãi Sca-bơ-ru, Chữ Thập, Châu Viên là các bãi đá, chỉ được hưởng vùng biển 12 hải lý; Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Su-bi, Ken-nan và Ga-ven là bãi nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để Trung Quốc yêu sách chủ quyền và chiếm đóng. Trong đó, bãi Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Phi-líp-pin(6).
Để đẩy mạnh việc hiện thực hóa các yêu sách phi lý về chủ quyền và vùng biển, Trung Quốc ráo riết tiến hành nhiều hoạt động tại Biển Đông. Tiêu biểu trong số đó là các hành động, như đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, gây ra vụ đụng độ tại Sca-bơ-ru, từ đó chiếm quyền kiểm soát và ngăn cản hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Phi-líp-pin tại bãi cạn này; công bố mở 9 lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam; cắt cáp, quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Phi-líp-pin tại bãi Cỏ Rong và của Việt Nam đối với tàu Bình Minh 02, tàu Viking trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến hành xây dựng cải tạo với quy mô lớn trên một số cấu trúc tại quần đảo Trường Sa; đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bắt giữ ngư dân; cố tình đâm, va, ngăn cản hoạt động của tàu thuyền Việt Nam... Tất cả các hoạt động này được tiến hành nhằm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi và củng cố các yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Vì vậy, Phi-líp-pin tiến hành khởi kiện Trung Quốc về vấn đề thứ ba liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp mà Trung Quốc đã tiến hành tại Biển Đông. Cơ sở cho khởi kiện của Phi-líp-pin là các hành động của Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Phi-líp-pin tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này, không tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, xâm phạm các quy định về an toàn hàng hải và không thực hiện nghĩa vụ kiềm chế, làm trầm trọng thêm tranh chấp.
Ba vấn đề khởi kiện chính nêu trên được Phi-líp-pin trình bày cụ thể trong 15 yêu cầu khởi kiện vào ngày 22-1-2013 và sau đó tiếp tục được làm rõ qua gần 4.000 trang văn bản đệ trình chính thức và 3.000 trang văn bản đệ trình bổ sung gửi tới Tòa Trọng tài(7).
Nội dung cơ bản về phán quyết của Tòa Trọng tài
Trước các vấn đề được nêu trong đơn khởi kiện của Phi-líp-pin, Trung Quốc đã tuyên bố không tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Trước sự phản đối từ phía Trung Quốc về thẩm quyền của Tòa, Tòa Trọng tài quyết định tách riêng việc xem xét và kết luận về thẩm quyền của Tòa trong phán quyết đầu tiên(8).
Tòa công bố phán quyết đầu tiên về thẩm quyền và các vấn đề có thể thụ lý vào ngày 29-10-2015. Trong phán quyết này, Tòa Trọng tài khẳng định: 1- Giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc có tồn tại tranh chấp về chủ quyền, nhưng các vấn đề mà Phi-líp-pin khởi kiện không liên quan đến chủ quyền. Việc Tòa xem xét các yêu cầu khởi kiện của Phi-líp-pin không liên quan đến chủ quyền và việc kết luận các vấn đề theo yêu cầu của Phi-líp-pin cũng không hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông(9); 2- Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông là một thỏa thuận chính trị và không ràng buộc về pháp lý, không quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách ràng buộc, không loại trừ các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, và do đó không thể loại trừ thẩm quyền của Tòa. Tòa cũng xem xét các thỏa thuận song phương và các điều ước đa phương mà Trung Quốc và Phi-líp-pin là thành viên, như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước về đa dạng sinh học và một loạt tuyên bố chung của Phi-líp-pin và Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, và kết luận rằng những văn kiện này đều không cấu thành một thỏa thuận có tác dụng ngăn cản Phi-líp-pin khởi kiện ra trọng tài(10); 3- Bản chất về yêu cầu khởi kiện của Phi-líp-pin là việc xác định khả năng được hưởng các vùng biển của một quốc gia. Đây là một vấn đề có liên quan nhưng hoàn toàn khác biệt với phân định biển(11). Vì vậy, Tòa kết luận chưa thể mặc nhiên coi yêu cầu khởi kiện của Phi-líp-pin là phân định biển và do vậy, không thể bị loại trừ theo Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc(12).
Trên cơ sở các lập luận, phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện đã kết luận Tòa có thẩm quyền đối với 7 đệ trình của Phi-líp-pin về việc phân loại 9 cấu trúc tại quần đảo Trường Sa, việc Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ về bảo vệ môi trường biển, cũng như vi phạm các quy định về an toàn hàng hải và quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Phi-líp-pin tại bãi cạn Sca-bơ-ru. Bảy đệ trình còn lại về yêu sách “đường lưỡi bò”, các hành vi vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin sẽ tiếp tục được xem xét và kết luận cùng với phán quyết thứ hai về nội dung. Tòa yêu cầu Phi-líp-pin tiếp tục làm rõ nội dung của đệ trình cuối cùng về yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm và không tái phạm trong tương lai(13).
Sau phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý, ngày 12-7-2016, Tòa công bố phán quyết cuối cùng về nội dung vụ kiện. Tại phán quyết này, với vấn đề thứ nhất về “đường chín đoạn”, Tòa khẳng định việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển, chứ không phải thực thi “quyền lịch sử”, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy trong lịch sử, Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát một cách độc quyền các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác tài nguyên của mình. Yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với quy định của Công ước. Nếu Trung Quốc từng có “quyền lịch sử” đối với tài nguyên thuộc các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó bị xóa bỏ khi Công ước có hiệu lực do các quyền này không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước. Vì vậy, Tòa kết luận: không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại vùng nước nằm trong “đường chín đoạn”, Trung Quốc chỉ có các quyền theo quy định của UNCLOS(14).
Đối với vấn đề thứ hai về quy chế pháp lý của các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa và bãi cạn Sca-bơ-ru, Tòa đã thực hiện đánh giá kỹ thuật về điều kiện tự nhiên ban đầu (trước khi được cải tạo, xây dựng) để làm căn cứ phân loại các cấu trúc. Theo đó, Tòa xác định Sca-bơ-ru, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi; Xu-bi, Huy-gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên. Tòa cũng tiến hành giải thích Điều 121(3) dựa trên phân tích thuật ngữ của điều khoản, tổng hợp thực tiễn quốc gia, đối chiếu với bối cảnh đàm phán, soạn thảo và mục tiêu của UNCLOS để tìm ra lập luận chính xác nhất về cách xác định vùng biển cho các cấu trúc nổi tại quần đảo Trường Sa. Việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không phải là bằng chứng thể hiện các cấu trúc có khả năng duy trì cộng đồng cư dân ổn định trong điều kiện tự nhiên. Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, trong đó có hoạt động của một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật Bản vào những năm 1920 - 1930; việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định. Do đó, Tòa kết luận: tất cả các cấu trúc nổi tại quần đảo Trường Sa (kể cả Ba Bình do Đài Loan kiểm soát) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa(15). Đồng thời, Tòa cũng bác bỏ lập luận của Trung Quốc và khẳng định Trường Sa không thể được yêu sách là một quần đảo thống nhất, nghĩa là không thể vẽ đường cơ sở quần đảo và yêu sách các vùng biển từ đường cơ sở quần đảo đối với Trường Sa(16).
Đối với vấn đề thứ ba về các hành vi vi phạm của Trung Quốc, Tòa phân tích các hành vi vi phạm của Trung Quốc theo các cơ sở: 1- Vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi-líp-pin, 2- Vi phạm quyền đánh bắt cá truyền thống tại Sca-bơ-ru, 3- Vi phạm nghĩa vụ chung về bảo vệ môi trường, 4- Vi phạm nghĩa vụ chung về duy trì an toàn hàng hải, 5- Làm trầm trọng thêm tranh chấp. Với nhóm hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi-líp-pin, Tòa kết hợp với các kết luận ở vấn đề thứ nhất về “đường chín đoạn” và vấn đề thứ hai về quy chế pháp lý các cấu trúc của quần đảo Trường Sa để khẳng định Vành Khăn, Cỏ Mây và Cỏ Rong là cấu trúc chìm, tạo thành một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin, không chồng lấn với bất kỳ vùng biển nào mà Trung Quốc có thể được hưởng theo quy định của UNCLOS. Vì vậy, Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi-líp-pin tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin khi tiến hành các hoạt động can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin tại bãi Cỏ Rong, ngăn cản các tàu Phi-líp-pin đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, không ngăn chặn các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin ở bãi Vành Khăn và Cỏ Mây, xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Phi-líp-pin(17).
Đối với quyền đánh cá truyền thống tại bãi Sca-bơ-ru, Tòa Trọng tài xem xét quyền đánh cá truyền thống tại Sca-bơ-ru và kết luận ngư dân Phi-líp-pin, cũng như ngư dân Trung Quốc và các nước khác, đã đánh cá tại bãi Sca-bơ-ru từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi Sca-bơ-ru là cấu trúc nổi, có quyền có lãnh hải nên quyền đánh cá truyền thống trong phạm vi lãnh hải phù hợp với quy định của Công ước. Do vậy, Tòa Trọng tài kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Phi-líp-pin khi ngăn chặn ngư dân Phi-líp-pin tiếp cận bãi Sca-bơ-ru sau tháng 5-2012. Tuy nhiên, Tòa cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Phi-líp-pin có hành động ngăn cản việc đánh cá của ngư dân Trung Quốc tại bãi Sca-bơ-ru(18).
Đối với nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, Tòa Trọng tài kết luận việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo tại 7 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô; do vậy, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 192 và 194 của UNCLOS. Đồng thời, Tòa Trọng tài cũng kết luận Trung Quốc đã nhận thức được nhưng không thực hiện nghĩa vụ cần thiết theo quy định của UNCLOS để ngăn chặn ngư dân của mình khai thác động vật đang bị tuyệt chủng, như rùa biển, san hô và trai khổng lồ với quy mô lớn tại Biển Đông và sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô(19).
Đối với nghĩa vụ duy trì an toàn hàng hải, Tòa Trọng tài kết luận Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo đảm an toàn hàng hải theo theo Công ước quốc tế về ngăn ngừa va chạm trên biển năm 1972 và Điều 94 của UNCLOS khi cho phép các tàu chấp pháp liên tiếp tiếp cận tàu Phi-líp-pin với tốc độ cao và cắt đầu các tàu này ở khoảng cách gần, tạo ra nguy cơ đâm, va cao và nguy hiểm cho tàu, cũng như người của Phi-líp-pin(20).
Cuối cùng, Tòa khẳng định các bên tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp có nghĩa vụ kiềm chế việc làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng một tranh chấp hoặc các tranh chấp về những vấn đề đang được thụ lý. Tòa kết luận Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên trong khi chờ quá trình xét xử khi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo lớn tại Vành Khăn, một cấu trúc lúc chìm lúc nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rạn san hô và phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này(21).
Tác động của vụ kiện với tranh chấp trên Biển Đông và Việt Nam
Phán quyết của Tòa Trọng tài được đánh giá là bước ngoặt tác động đến quá trình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Cựu Thẩm phán An-tô-ni-ô Ca-pi-ô (Antonio Carpio) của Phi-líp-pin đánh giá, phán quyết khẳng định niềm tin của nhân loại về nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, từ chối việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp và là một bước phát triển quan trọng giúp làm rõ các yêu sách của các bên tại Biển Đông(22). Quả thực, nhìn tổng thể, phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện này có thể có tác động lớn về chính trị và pháp lý để giúp làm rõ các yêu sách của các bên tại Biển Đông, qua đó tạo điều kiện cho các bên tìm kiếm được giải pháp lâu dài cho việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Thứ nhất, dưới góc độ pháp lý, phán quyết đã giúp thu hẹp phần lớn phạm vi tranh chấp về vùng biển giữa các bên tại Biển Đông. Trước đây, với yêu sách “đường chín đoạn” và cách giải thích Trường Sa là một quần đảo thống nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy chế quốc gia quần đảo, hơn 85% diện tích của Biển Đông có thể bị coi là có tranh chấp về vùng biển. Từ đó, dẫn tới một loạt hành động leo thang căng thẳng, hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc tại các vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a. Hiện nay, với kết luận rõ ràng của Tòa Trọng tài rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách “quyền lịch sử” tại vùng nước nằm phía trong “đường chín đoạn” và các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa chỉ có 12 hải lý, vùng biển có thể bị coi là vùng biển có tranh chấp chỉ còn là các vùng 12 hải lý quanh từng đảo của Trường Sa.
Thứ hai, nhờ việc thu hẹp được phạm vi các vùng biển có thể coi là có tranh chấp, Tòa kết luận nhiều hành động mà Trung Quốc đã thực thi là các hành động bất hợp pháp, xâm phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi-líp-pin, xâm phạm đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng hành động của các bên trong tranh chấp trên Biển Đông trong tương lai theo hướng kiềm chế, không làm trầm trọng thêm tranh chấp, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình. Đây cũng chính là nỗ lực mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã cố gắng nhằm thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trong thời gian qua nhưng chưa đạt được hiệu quả cụ thể(23). Như vậy, có thể nói, phán quyết của Tòa cung cấp thêm cơ sở pháp lý để Trung Quốc và ASEAN tiếp tục thực thi các cam kết về ứng xử của các bên tại Biển Đông, từ đó, tiếp tục tiến tới quá trình đàm phán và ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Thứ ba, phán quyết của Tòa Trọng tài giúp thúc đẩy dư luận tiến bộ trên thế giới ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Trước đây, mỗi khi có vụ, việc xảy ra tại Biển Đông, mỗi bên đều đưa ra các lập luận pháp lý để bảo vệ cho hành động của mình. Cộng đồng quốc tế không dễ gì khẳng định ai sai, ai đúng. Tuy nhiên, khi có kết luận rõ ràng của Tòa Trọng tài quốc tế, việc đúng - sai đã được làm rõ. Từ đó, dư luận tiến bộ có cơ sở pháp lý để khẳng định lập trường của mình, đứng về luật pháp quốc tế và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo các quy định của luật pháp quốc tế(24). Đây là tiền đề quan trọng giúp thúc đẩy quá trình hòa bình giải quyết tranh chấp, hạn chế việc sử dụng vũ lực và dùng vũ lực, sức mạnh để đe dọa, cưỡng ép các nước nhỏ trong tranh chấp tại Biển Đông.
Không chỉ có tác động với tranh chấp tại Biển Đông nói chung, phán quyết cũng tạo ra những tác động và bài học cho Việt Nam.
Trước hết, do yêu sách “đường chín đoạn” chạy vòng bao quanh Biển Đông, trùm lên khoảng 60% diện tích vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, việc Tòa Trọng tài bác bỏ cơ sở pháp lý về khả năng Trung Quốc sử dụng “đường chín đoạn” để yêu sách vùng biển sẽ giúp Việt Nam có cơ sở pháp lý vững chắc trong đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tạo ra từ bờ biển đất liền của Việt Nam.
Hơn nữa, hiện nay theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012, Việt Nam đang lựa chọn một giải pháp an toàn, xác định vùng biển của các đảo theo quy định chung của Điều 121 của UNCLOS. Với việc Tòa Trọng tài làm rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam có thể lựa chọn tuân theo kết luận của Tòa để xác định cụ thể hơn vùng biển cho các đảo mà Việt Nam khẳng định có chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Đây sẽ là động thái giúp Việt Nam làm rõ yêu sách biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và nâng cao hình ảnh, uy tín của một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, nhiều hành vi vi phạm mà Trung Quốc thực hiện đối với Phi-líp-pin có những điểm tương đồng với các hành vi vi phạm mà Trung Quốc thực hiện với Việt Nam, như việc cản trở, quấy rối, xâm phạm hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên dầu mỏ, khí đốt trên thềm lục địa của Việt Nam; cản trở, ngăn cản ngư dân Việt Nam khai thác tài nguyên nghề cá trên vùng đặc quyền kinh tế và các ngư trường truyền thống của Việt Nam; xây dựng các công trình trái phép trên thềm lục địa Việt Nam; tiến hành các hoạt động đâm, va tàu thuyền của ngư dân và cảnh sát biển Việt Nam... Các hành vi này đã được Tòa Trọng tài kết luận là bất hợp pháp. Vì vậy, dựa trên phán quyết, Việt Nam có thêm các cơ sở pháp lý vững chắc để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm của Trung Quốc trong tương lai.
Có thể nói, phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là một thành công, thể hiện sự thắng thế của luật pháp quốc tế, của những giá trị chung mà các quốc gia đã cùng nhau xây dựng và tôn trọng trong nhiều thập niên qua trong quan hệ quốc tế, rằng các quốc gia có thể sử dụng pháp luật quốc tế như một công cụ công bằng trong nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Kết luận của phán quyết có nhiều điểm tích cực không chỉ đối với Phi-líp-pin, mà còn đối với các quốc gia khác còn có tranh chấp trên Biển Đông, mở ra cơ hội cho các bên đi đến những giải pháp lâu dài và bền vững, dựa trên luật pháp quốc tế để quản lý và hợp tác tại Biển Đông./.
---------------------------------------------
(1) Điều 36 của Quy chế Tòa án công lý quốc tế khẳng định, Tòa chỉ có thẩm quyền với các tranh chấp mà các bên cùng chấp thuận đệ trình lên trước tòa theo các cơ sở, như cùng đưa ra thỏa thuận, tuyên bố chấp thuận đơn phương, hoặc quy định tại điều ước quốc tế mà các quốc gia trong tranh chấp là thành viên
(2) Theo quy định tại các Điều 2, 33, 56, 76 của UNCLOS
(3) Tuyên bố của Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 12-5-2016
(4) Đệ trình số 1 và 2 trong đơn khởi kiện của Phi-líp-pin
(5) Công hàm của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc về đệ trình thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Ma-lai-xi-a, No. CML/12/2009 (13 April 2009) và CML/8/2011 (14 April 2011)
(6) Đệ trình số 3 - 7 trong đơn khởi kiện của Phi-líp-pin
(7) Các văn bản này đã được công bố toàn văn tại trang: https://www.pcacases.com/web/view/7
(8) Thông cáo báo chí số 4 của Tòa Trọng tài, đăng tải tại: https://www.pcacases.com/web/sendAttach/1298
(9) Kết luận tại đoạn 153, Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc của Tòa Trọng tài ngày 29-10- 2015, toàn văn tại: https://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506 (sau đây gọi tắt là Phán quyết về thẩm quyền)
(10) Kết luận tại các đoạn 302, 310, 321, Phán quyết về thẩm quyền
(11) Phân định biển chỉ phát sinh sau khi xác định khả năng được hưởng các vùng biển mà tạo thành vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia
(12) Kết luận tại đoạn 153, Phán quyết về thẩm quyền
(13) Đoạn 412, Phán quyết về thẩm quyền
(14) Đoạn 278, Phán quyết về nội dung của vụ kiện Phi-líp-pin - Trung Quốc,http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf (sau đây gọi tắt là Phán quyết về nội dung)
(15) Kết luận của Tòa Trọng tài tại đoạn 646, Phán quyết về nội dung
(16) Kết luận của Tòa Trọng tài tại đoạn 575 và 576, Phán quyết về nội dung
(17) Kết luận của Tòa tại các đoạn 716, 757, 1043, Phán quyết về nội dung
(18) Kết luận của Tòa tại các đoạn 814, Phán quyết về nội dung
(19) Kết luận của Tòa tại đoạn 992 và 993, Phán quyết về nội dung
(20) Kết luận của Tòa tại đoạn 1109, Phán quyết về nội dung
(21) Kết luận của Tòa tại đoạn 1181, Phán quyết về nội dung
(22) Trả lời phỏng vấn của cựu thẩm phán An-tô-ni-ô Ca-pi-ô với trang tin abscbn, toàn văn tại: http://news.abs-cbn.com/focus/07/14/16/transcript-justice-antonio-carpio-on-south-china-sea-conflict
(23) Quy định tại Điều 4 và Điều 5 của DOC. ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa đạt được đồng thuận trong việc giải thích, quy định cụ thể Điều 4 và Điều 5 của DOC qua việc xây dựng một danh mục các hoạt động nên làm và không nên làm để thúc đẩy việc quản lý và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông
(24) Cho tới nay, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết có giá trị ràng buộc pháp lý với các bên trong vụ kiện và yêu cầu các bên tuân thủ phán quyết. Liên minh châu Âu (EU), Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma và nhiều quốc gia khác đã ra tuyên bố kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế 
Nguyễn Thị Lan Anh - PGS, TS, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Quan điểm thể hiện trong bài viết là quan điểm từ góc độ nghiên cứu cá nhân, không phải là quan điểm chính thức của Học viện Ngoại giao

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Nhận xét