MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC Ở CÁC HỌC VIỆN, NHÀ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

Lẽ Phải
Phương pháp nói chung và phương pháp trong nghiên cứu, giảng dạy triết học nói riêng có vị trí quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay, luận giải phương pháp nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào giảng dạy triết học là một phương diện có ý nghĩa to lớn. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là lý luận, là cương lĩnh chính trị, có giá trị định hướng trong nghiên cứu và giảng dạy nhiều môn khoa học, trong đó có nghiên cứu, giảng dạy triết học. 
Mỗi hoạt động đều có phương pháp cụ thể. Phương pháp khai thác nội dung phục vụ giảng dạy triết học vừa bao hàm cái chung, vừa có nét đặc thù. Đã là phương pháp đều phải thể hiện cách thức, bước đi qua các khâu được hình thành trong tư duy trước khi bước vào hoạt động. Phương pháp gắn liền với mục đích. Cùng một mục đích có thể phải dùng nhiều phương pháp. Tuy nhiên trong các phương pháp có phương pháp giữ vai trò chủ đạo, đặc trưng cơ bản. Phương pháp nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào giảng dạy triết học cũng phải phải tuân theo cái chung ấy, đồng thời phải vượt lên khai thác tư duy triết học của Đảng được thể hiện trong các luận điểm lý luận chính trị.
          Thứ nhất, phương pháp tiếp cận hệ thống - cấu trúc trong khai thác tinh thần triết học ở Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
          Tiếp cận hệ thống - cấu trúc là đặc trưng của phương pháp nghiên cứu triết học. Với tính cách là một cương lĩnh chính trị của Đảng trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội XII là một hệ thống lý luận gồm các nội dung cơ bản ở từng lĩnh vực cụ thể. Hệ thống lý luận ấy phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam với những đặc điểm; với các mâu  thuẫn, các quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Hiện thực xã hội Việt Nam hiện nay được khái quát tập trung nhất trong dự báo tình hình thế giới và đất nước (từ trang 70 đến trang 75). Qua tiếp cận hệ thống - cấu trúc để thấy Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là sản phẩm của các luận điểm, quan điểm khác nhau trong tính chỉnh thể, thống nhất, đồng thời là sản phẩm của tư duy khái quát tầm triết học, thể hiện tính lôgíc và lịch sử của 30 năm đổi mới. Vận dụng phương pháp lôgíc và lịch sử để tiếp cận và luận giải những bước tiến, sự bổ sung, hoàn thiện các quan điểm ở từng lĩnh vực và trên tổng thể toàn bộ hệ thống. Đến nay, những vấn đề cơ bản ở từng lĩnh vực về con đường cách mạng Việt Nam đã khá sáng rõ, mà cốt lõi là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phương pháp tiếp cận và luận giải theo hướng ấy sẽ cho thấy một tinh thần triết học duy vật chứng sâu sắc; một tư duy biện chứng duy vật của Đảng ở trình độ cao.
Phương pháp tiếp cận từ những vấn đề lớn (15 vấn đề lớn của Nghị quyết) trong tính hệ thống thể hiện ở hệ thống các mâu thuẫn biện chứng. Trên cơ sở ấy tiến đến khai thác tư duy về các mâu thuẫn ở mỗi vấn đề lớn và đến từng quan điểm, luận điểm cụ thể và thực hiện phương pháp hệ thống hóa lại.  Chỉ có dùng phương pháp tiếp cận, khai thác, khái quát này mới cho những sản phẩm triết học và phục vụ cho giảng dạy mới thấy hết thế giới quan, phương pháp luận triết học cũng như tư duy triết học có tính đặc thù và sức thuyết       phục cao.
Thứ hai, phương pháp khai thác tư duy biện chứng duy vật của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XII vào giảng dạy triết học.
Phương pháp tiếp cận và khai thác nội dung ở góc độ này là qua các thao tác tư duy “bóc, tách” tinh thần, nội dung, giá trị triết học ra khỏi những luận điểm, quan điểm thuộc lý luận chính trị và sau đó hệ thống hóa lại để thấy tính lôgic, hệ thống và phục vụ cho giảng dạy. Những luận điểm trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng biểu hiện ở ngôn ngữ lý luận chính trị và phải hiểu tầng sâu của nó là tư duy biện chứng duy vật trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Ở khái quát kinh nghiệm thứ hai: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, bám sát thực tiễn của đất nước và thế giới; đồng thời, nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp…”[1]. Tinh thần triết học của tư tưởng trên thể hiện rõ thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng và rất rõ một tư duy vượt trước, dự báo khoa học. Khai thác tinh thần ấy thể hiện sắc thái, đặc trưng, đồng thời có thể phục vụ trực tiếp cho giảng dạy triết học ở bất cứ nội dung cụ  thể nào.
Từ tiền đề ấy tiến đến những khai thác từng luận điểm cụ thể để thấy nội dung, giá trị triết học về tính khách quan trong phản ánh, khái quát của Đảng. Quá trình vận dụng vào giảng dạy là dùng tư duy triết học duy vật biện chứng của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XII được bóc, tách ra. Điều đó cho thấy, tư duy triết học của Đảng đã vượt lên, lọc bỏ những dấu ấn của duy tâm, siêu hình như Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chỉ ra. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: “Chúng ta mắc phải chủ quan duy ý chí”. Qua đó để chứng minh cho tư duy của Đảng đã thể hiện thế giới quan, phương pháp luận khoa học một cách triệt để.
Từ những tiền đề trên tiến đến tiếp cận tư duy triết học của Đảng về các nguyên lý của triết học Mác - Lênin. Góc độ tiếp cận này thể hiện rõ là những vấn đề về mối liên hệ phổ biến và phát triển. Qua các quan hệ lớn, cũng như qua các luận điểm đánh giá tình hình thế giới và trong nước có thể khai thác được những nội dung phục vụ cho giảng dạy các nguyên lý của triết học. Tinh thần về hội nhập quốc tế cũng như quan hệ giữa các lĩnh vực ở 15 vấn đề lớn cho thấy tinh thần của tư duy về mối liên hệ phổ biến rất sâu sắc. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay gắn bó chặt chẽ với tình hình diễn biến của thế giới; giữa các lĩnh vực của đất nước cũng trong quan hệ thống nhất với nhau có tính lôgic bao trùm ở tất cả các luận điểm trong Nghị quyết Đại hội XII. Các luận điểm trong đó đã khắc phục tư duy có tính “khép kín, siêu hình” của những năm trước đổi mới. Tinh thần về phát triển “bền vững” vừa thể hiện tinh thần của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, vừa thể hiện sự bổ sung mới về tính biểu hiện phong phú của phát triển. Phát triển không đơn thuần là sự xuất hiện cái mới, mà sự xuất hiện ấy còn được nhận thức và vận dụng để tạo ra tính đồng bộ, đồng thời, giữa các lĩnh vực. Những quan điểm về phát triển kinh tế “bằng mọi giá” bất chấp những tổn thất ở mặt xã hội đã được tư duy biện chứng duy vật của Đảng vượt qua. Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: “ …giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[2]. Khai thác vấn đề này có thể hiểu nó là nội hàm của khái niệm phát triển bền vững. Nội dung này có giá trị về phương pháp là các chủ thể vận dụng vào nghiên cứu các vấn đề khác có tinh thần tương đồng và khái quát hóa lại thành hệ thống phục vụ cho giảng dạy                      triết học.
Phương pháp tiếp cận, khai thác tinh thần triết học qua các luận điểm về tính quanh co, phức tạp của phát triển được biểu hiện trong tương quan giữa thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức, đặc biệt là quan điểm về những diễn biến“ khó lường” trong bối cảnh hiện nay. Những luận điểm thể hiện ở mặt này ở từng nội dung lớn và nhỏ đã thể hiện tư duy triết học về tính quanh co của phát triển rất cụ thể. Nhóm những nội dung có tính chất tương tự như quan điểm: “Trên thế giới, trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng hoàn bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn”[3]; “Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường”[4]; “Tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định”[5].
Tiếp cận, khai thác nội dung về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những bước, giai đoạn cụ thể tiến đến thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”,… để thấy rõ tư duy triết học của Đảng về quy luật lượng - chất. Tiếp cận tinh thần triết học này qua quan điểm: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[6]. Qua phương pháp khai thác tinh thần triết học này, định hướng cho khai thác các luận điểm khác có nét tương tự và hệ thống hóa lại thành các luận cứ cho luận chứng các luận điểm triết học trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Tiếp cận, khai thác những quan điểm có tính chất chung về tinh thần của mâu thuẫn biện chứng duy vật phục vụ cho giảng dạy. Tiếp cận và luận giải tư duy biện chứng duy vật ở mặt mâu thuẫn biện chứng của Đảng. Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về  kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới,...”[7]. Cùng với nó là khai thác những quan hệ lớn: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;  giữa tuân theo các quy luật của thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và  phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc  xã hội chủ nghĩa  giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…”[8]. Đây là nội dung định hướng cho phương pháp khai thác các quan điểm khác trong Nghị quyết Đại hội XII và sau đó tiếp tục dùng phương pháp hệ thống hóa lại. Qua hệ thống hóa lại để vừa thấy tính hệ thống, tinh lô gích và làm giàu thông tin phục vụ cho giảng dạy triết học. Mấu chốt của phương pháp này là bóc, tách tinh thần tư duy biện chứng duy vật trong các luận điểm thể hiện quan hệ giữa hai mặt đối lập trong sự thống nhất.


Thứ ba, tiếp cận, khai thác tinh thần triết học từ những luận điểm về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vào giảng dạy triết học.
Vấn đề này bắt đầu từ phương pháp khai thác luận điểm: “… đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra”[9]. Đây là một trong những bài học từ tổng kết 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhưng có giá trị của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Từ phương pháp tiếp cận, khai thác này tiếp tục mở rộng vào tìm hiểu và bóc tách tinh thần nguyên tắc thống nhất ấy để làm giàu thông tin phục vụ cho giảng dạy triết học phong phú, sinh động.
Khai thác và hệ thống hóa những quan điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XII luôn là hướng “mở” về phương pháp. Mỗi chủ thể có thể tự hình thành cho mình một phương pháp riêng, nhưng thống nhất ở phương pháp tiếp cận hệ thống từ cao xuống thấp; thống nhất ở sự bóc, tách tinh thần, giá trị triết học ra khỏi những quan điểm chính trị và hệ thống hóa lại có tính lôgíc để tiện phục vụ giảng dạy triết học. Tổng hợp lại là tiếp cận, khai thác các quan điểm trong Nghị quyết và tiến đến phát hiện tư duy triết học của Đảng trong xây dựng Nghị quyết thì sẽ có nhiều thông tin cho giảng dạy triết học./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 64.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,, 2016, tr. 87.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 70.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 71.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 75.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 90.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 74.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 80.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,, 2016, tr. 69.

Nhận xét