LÝ LUẬN PHẢI GẮN CHẶT VỚI THỰC TIỄN TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Nam Lý
1. Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là một bộ phận của công tác lý luận của Đảng, có vai trò to lớn và đóng góp quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới
Lý luận chính trị là một hệ thống những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những tinh hoa tư tưởng chính trị của dân tộc và nhân loại. Giảng dạy lý luận chính trị là một bộ phận của công tác tuyên giáo của Đảng nhằm thống nhất nhận thức, chỉ đạo hành động đối với toàn xã hội góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững đất nước. Phương châm “Lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước”1 là tiếp tục khẳng định và hiện thực hóa nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn đối với công tác lý luận ở nước ta hiện nay. Chỉ như vậy, lý luận mới có sức sống, tỏ rõ vai trò dẫn dắt đối với thực tiễn và thực tiễn mới đạt được mục đích và hiệu quả.
Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân góp phần xây dựng và phát triển thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan đúng đắn cho con người mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta - chủ thể quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Việc làm cho lý luận thật sự gắn chặt với thực tiễn vừa là yêu cầu vừa là nguyên tắc cơ bản đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục ở nước ta hiện nay. Thực hiện đầy đủ yêu cầu này sẽ góp phần quan trọng vào làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; đồng thời phát huy nguồn lực, trí tuệ đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận ở tất cả các cơ sở đào tạo hiện nay.
2. Khái quát một số vấn đề về tình hình nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị ở nước ta hiện nay
Quán triệt và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị những năm qua đã có những đổi mới và đem lại hiệu quả nhất định, đã thật sự góp phần “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”1. Trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị đã cơ bản quán triệt và vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình dạy học ở các cấp học, bậc học. Nội dung giảng dạy lý luận chính trị đã góp phần quan trọng để hình thành thế giới quan, phương pháp luận và nhân sinh quan cho người học. Nội dung truyền đạt lý luận chính trị cũng đã tạo được tính hấp dẫn, từ đó, người học có thể tự tìm kiếm, bổ sung tri thức lý luận trong quá trình học tập, nghiên cứu. Những chuyên đề bài giảng lý luận chính trị cơ bản đã xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phát huy tính độc lập, sáng tạo trong liên hệ với chức trách, nhiệm vụ của từng đối tượng học tập, nghiên cứu môn học lý luận chính trị.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay vẫn còn bộc lộ những yếu kém, bất cập như: chưa thật sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương pháp, còn có biểu hiện thiếu tính sáng tạo, đi theo khuôn mẫu định sẵn (mô tuýp) của giáo khoa, giáo trình; khả năng tự thiết kế, khái quát những luận điểm lý luận của đội ngũ chưa thật sự rõ nét; vẫn còn không ít lối truyền thụ một chiều, lý thuyết suông, không cập nhật những vấn đề từ thực tiễn đổi mới, thực tiễn cuộc sống; còn có biểu hiện “đẽo gọt” đã làm cho lý luận xa rời thực tiễn, thiếu sức sống, hiệu quả tuyên truyền thấp, vị thế của môn học chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu chưa xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, do nhu cầu thực tiễn, thậm chí còn có biểu hiện “nghiên cứu để có công trình” đã gây tốn kém tài lực, vật lực mà không đem lại hiệu quả. Đánh giá về vấn đề này, Đảng ta chỉ rõ “Lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”1. Trong khi đó, nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra những câu hỏi lại chưa được quan tâm nghiên cứu và giải quyết thỏa đáng về mặt khoa học; đặc biệt, những vấn đề mới nảy sinh cần phải có sự đầu tư nghiên cứu, khái quát từ thực tiễn phục vụ trực tiếp cho giảng dạy lý luận chính trị chưa được đầu tư đúng mức. Về vấn đề này, Đảng ta khẳng định “Công tác tổng kết, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra… lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”2.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản về công tác nghiên cứu lý luận đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm và đề ra phương hướng về công tác nghiên cứu lý luận, khẳng định công tác lý luận là một nhiệm vụ chính trị trọng yếu của cả hệ thống chính trị, một bộ phận quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Vì thế, các chủ thể cần có sự đầu tư nghiên cứu để làm cho lý luận thật sự gắn chặt với thực tiễn và phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Phương châm của Đảng ta về nghiên cứu lý luận trong Văn kiện Đại hội XII sẽ làm cho đội ngũ những nhà khoa học, những nhà giáo đang làm công tác giảng dạy lý luận chính trị phải quan tâm thật sự, hướng mạnh hơn nữa vào thực tiễn, coi trọng thực tiễn với những gì đang diễn ra của thời kỳ đổi mới để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần quan trọng tạo động lực tinh thần cho xã hội để cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Để thực hiện phương châm lý luận phải gắn chặt với thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, phải gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, hướng mạnh vào luận giải những vấn đề của thực tiễn là tiêu chí quan trọng hàng đầu của nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.
Quán triệt và tổ chức thực hiện phương châm của Đảng ta về công tác lý luận là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các lực lượng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Giảng dạy lý luận chính trị đặt ra nhiều tiêu chí: về tính đảng, tính khoa học, tính chính trị, tính thực tiễn; trong đó, tính thực tiễn là một tiêu chí hướng đích của lý luận, làm cho lý luận và thực tiễn là “đôi bạn song hành” không thể thiếu nhau. Trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị nếu buông lỏng, xa rời phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn thì lý luận đó chỉ là lý luận suông, lý luận kinh viện. Như vậy, lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, khái quát từ thực tiễn, tổng kết thực tiễn bằng tư duy sáng tạo; và đến lượt nó, lý luận phải chỉ đường, dẫn lối cho thực tiễn, có “tác dụng thật sự đối với thực tiễn”  - tức thực tiễn được trang bị lý luận khoa học để làm cho thực tiễn đúng hướng, đạt được mục đích, có chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Thuộc tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin là xuất phát từ thực tiễn, gắn liền với thực tiễn. Vì thế, nó đặt ra trong giảng dạy phải đặc biệt coi trọng thực tiễn, quan tâm đến tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tránh xa rời thực tiễn, đúng như C.Mác đã khẳng định: “phải lấy sinh khí của mình và tự tạo ra sinh khí đó từ thực tiễn và như vậy, vai trò xã hội của nó, vị trí không thể thay thế của nó trong hệ thống tri thức khoa học”1 và V.I.Lênin cũng nhấn mạnh: “Thực tiễn cao hơn nhận thức (lý luận), vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp”2. Theo đó, luận giải những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng đều phải xác lập luận cứ, luận chứng bằng cơ sở lý luận và thực tiễn, cập nhật từ đời sống thực tiễn để làm sáng tỏ lý luận; phải gắn lý luận với thực tiễn công tác, liên hệ với nhiệm vụ, chức trách của từng đối tượng và hướng đến giải quyết những nhiệm vụ có ý nghĩa về chính trị - xã hội thì lý luận mới có giá trị thật sự, với nội dung này, Đảng ta chỉ rõ “Chú trọng nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự mạnh dạn khám phá, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận”1.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thụ tri thức lý luận khoa học với đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận để vận dụng trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.
Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phải xuất phát từ hiện thực, từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới để giải đáp những vấn đề từ thực tiễn với những luận cứ, luận chứng khoa học. Vì thế, đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy phải nắm chắc hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, hiện nay do những biến đổi nhanh chóng từ thực tiễn, do vậy, việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị đang đứng trước những vấn đề thực tiễn như: vấn đề con người; văn hóa, giao thoa văn hóa trong mở cửa, hội nhập quốc tế; sự phát triển của khoa học và phương tiện truyền thông; kinh tế tri thức; các vấn đề về chính trị - xã hội, mục tiêu, mô hình, con đường, các mối quan hệ lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước... Đảng ta nhấn mạnh “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận”2. Do vậy, trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay không thể dừng lại ở những tri thức, lý luận có sẵn mà phải tiếp tục khái quát từ thực tiễn, tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận góp phần cung cấp thêm những luận cứ, luận chứng cho quan điểm, đường lối của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị cần hướng mạnh vào thực tiễn, cập nhật những luận điểm khoa học được khái quát từ thực tiễn cho giảng dạy lý luận chính trị. Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy cần có “tư duy mở” giám đương đầu với những vấn đề mới, khó nhưng thực tiễn đang cần phải nghiên cứu, làm rõ như: động lực phát triển đất nước để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới hiện nay; vấn đề phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; vấn đề giữ vững và tăng cường thể chế chính trị với thực hiện nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay... Có vậy, lý luận mới phản ánh đúng tình hình thực tiễn, đề xuất những chủ trương, giải pháp thật sự thiết thực bảo đảm đúng hướng và thật hiệu quả. Do vậy, nó đặt ra yêu cầu cao về ý chí quyết tâm, sự dũng cảm về mặt khoa học của các chủ thể nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị; trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận cần mạnh dạn đổi mới phương pháp tiếp cận vấn đề và sự hợp tác toàn diện của các lực lượng để cùng khái quát bổ sung, phát triển lý luận.
Ba là, nghiên cứu, giảng dạy lý luận phải thiết thực, xuất phát từ thực tiễn, do nhu cầu thực tiễn và có giá trị ứng dụng thật sự đối với thực tiễn; tránh hình thức, lãng phí.
Quán triệt và thực hiện tinh thần “trọng thực tiễn”, công tác giảng dạy lý luận chính trị phải tăng cường khảo sát thực tiễn để khái quát, bổ sung lý luận, đúng như V.I. Lênin đã khẳng định “...làm giàu trí óc bằng sự am hiểu mọi sự việc thực tế, không có sự am hiểu những sự việc thực tế đó thì không thể trở thành một người hiện đại có học thức được”1. Do vậy, cần khảo sát, nắm vững nhu cầu từ thực tiễn, những bức xúc từ thực tiễn đời sống chính trị - xã hội, các chủ thể cần chủ động, sáng tạo, phát hiện vấn đề nghiên cứu bảo đảm vừa thiết thực vừa hiệu quả, tạo ra những sản phẩm khoa học đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị và địa phương tạo khả năng mạnh mẽ để đem áp dụng lý luận vào thực tiễn một cách có hiệu quả, đây chính là mục tiêu của nghiên cứu, giảng dạy lý luận hiện nay.
Thiết nghĩ, mỗi nội dung môn học như triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng cần phải tiếp tục phân tích, làm rõ bằng cơ sở khoa học và thực tiễn. Trong đó, yêu cầu bám sát “tính thực tiễn” của giảng dạy lý luận chính trị cần đặc biệt quan tâm hiện nay. Đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị cần chú trọng phân tích, luận giải sâu sắc và vận dụng trong thực tiễn cho phù hợp. Chẳng hạn, khi khẳng định những thành tựu của sự nghiệp đổi mới phải có đủ luận cứ, luận chứng với những số liệu phong phú, chính xác, có sự so sánh, đối chiếu với thực tiễn; những ý tưởng, vấn đề nghiên cứu lý luận phải phục vụ thiết thực cho từng cấp, từng ngành để quán triệt và thực hiện những phương hướng, chủ trương của Đảng ta về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Kiên quyết khắc phục những biểu hiện giáo điều, xa rời thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị vừa gây lãng phí thời gian, kinh phí mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục. Trong giai đoạn hiện nay, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị cần tập trung làm cho người học thấy rõ vị trí, vai trò của từng môn học, giải đáp được những vấn đề thực tiễn đặt ra, như vậy, lý luận sẽ không xa rời thực tiễn.
Lý luận thật sự gắn bó với thực tiễn, đi vào hiện thực thì cần phải có sự chuyển biến đồng bộ của cả hệ thống mà trực tiếp là đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đang đảm nhiệm nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Cùng với việc nghiên cứu, bổ sung các luận cứ, luận chứng cho lý luận chính trị cần phải tập trung nghiên cứu những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy như đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Do vậy, đội ngũ những người nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong cả nước phải quán triệt và thực hiện triệt để phương châm “lý luận phải gắn chặt với thực tiễn” là việc làm thiết thực có ý nghĩa về khoa học và chính trị đối với công tác lý luận của Đảng ta hiện nay./.




1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Số 37-NQ/TW, Hà Nội, ngày 09/12/2014, tr. 2.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2016, tr. 114.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2016,  tr. 193.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2016, tr. 67.
1 C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.  9-10.
2 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 230.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 284.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2011, tr.  255 - 256.
1 V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 262.

Nhận xét