KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI TRONG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Trung kiên
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, một trong những bài học lớn, đồng thời là vấn đề có tính quy luật trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ. Tại Đại hội XII, bài học kinh nghiệm này một lần nữa được Đảng ta tiếp tục nhất quán khẳng định: “Kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nhờ sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại mà chúng ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Cũng chính nhờ biết tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc và của thời đại mà Đảng và nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách về nhiều mặt trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới toàn diện đất nước.
Tuy nhiên, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại cũng như sự kết hợp của hai thành tố này luôn có sự vận động, phát triển, gắn liền với điều kiện lịch sử cụ thể trong từng giai đoạn cách mạng. Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện và đồng bộ; hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Trong quá trình đó, một mặt chúng ta đứng trước những cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với không ít những thách thức, đan xen nhau và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, để có thể tranh thủ vận hội, phát huy tối đa những thời cơ và điều kiện thuận lợi, đồng thời khắc phục và đẩy lùi những nguy cơ, thách thức; qua đó tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì việc kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết hiện nay.
Sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thực chất là sự gắn kết chặt chẽ, biện chứng giữa sức mạnh “nội lực” với sức mạnh “ngoại lực” để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong một chiến lược thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước hướng vào xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo quan điểm của Đảng ta, sức mạnh dân tộc trong điều kiện hiện nay là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là toàn bộ sức mạnh nội lực của đất nước, bao hàm trong đó sức mạnh của các nhân tố tích cực và giá trị tốt đẹp của dân tộc, cả sức mạnh vật chất và tinh thần, sức mạnh của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và lương tâm Việt Nam, sức mạnh của lý tưởng cách mạng, của chủ nghĩa yêu nước cũng như các giá trị văn hóa bền vững khác của dân tộc, sức mạnh của cả truyền thống và hiện đại,… Ngoài ra, đó còn là sự đóng góp ngày càng to lớn về vật chất, tài năng, khoa học công nghệ và tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Các yếu tố đó vừa có tính độc lập tương đối vừa phụ thuộc vào nhau trong một hệ thống đồng bộ, không tách rời, hỗ trợ và thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Sức mạnh thời đại trong điều kiện hiện nay là tổng hòa những nhân tố, những điều kiện quốc tế có lợi mà chúng ta có thể tận dụng và phát huy được, như là: hòa bình, hợp tác và phát triển, xu thế mở cửa, toàn cầu hóa kinh tế, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức, ... Những nhân tố đó liên quan mật thiết với nhau trong sự vận động, biến đổi của tình hình quốc tế và khu vực, được Đảng, Nhà nước ta nhận thức và xử lý khéo léo, linh hoạt, hiệu quả.


Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau. Đó là mối quan hệ giữa sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực, giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; trong đó, sức mạnh dân tộc luôn giữ vai trò quyết định, còn sức mạnh thời đại là yếu tố hết sức quan trọng và không thể thiếu. Mặc dù, mối quan hệ này là khách quan nhưng việc kết hợp ra sao lại phụ thuộc vào mỗi quốc gia, dân tộc - chủ thể trong quá trình nhận thức và xử lý mối quan hệ đó như thế nào. Trong điều kiện hiện nay, sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đòi hỏi phải có những nội dung, hình thức và phương pháp mới, với một hệ thống những định hướng, giải pháp mang tính đồng bộ, khoa học và khả thi. Theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII của Đảng, trước hết cần nắm vững và thực hiện nhất quán một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Theo đó, chúng ta cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng yếu tố, tránh tuyệt đối hóa bất kỳ yếu tố nào. Tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ mặt này hay mặt khác đều là những khuynh hướng sai lầm, gây tổn thất cho sự nghiệp cách mạng và là nguy cơ dẫn đến thất bại. Tuyệt đối hóa sức mạnh dân tộc mà xem nhẹ, bỏ qua các yếu tố quốc tế, không tận dụng sức mạnh thời đại là “tự giam hãm” mình và “tự cô lập” mình. Ngược lại, tuyệt đối hóa sức mạnh thời đại, xem nhẹ sức mạnh dân tộc sẽ dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm và phụ thuộc vào bên ngoài.
Mặt khác, trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta luôn quán triệt quan điểm dựa trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi. Hiện nay, chúng ta mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước tư bản, nhưng đó là sự hợp tác có đấu tranh; đấu tranh chống lại những thủ đoạn lợi dụng hợp tác để áp đặt, chống phá ta; đấu tranh là để hợp tác tốt hơn, để tận dụng nguồn lực bên ngoài hiệu quả hơn. Chúng ta hợp tác với các nước tư bản nhằm tranh thủ nguồn vốn, khoa học và công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm tổ chức quản lý,… nhằm khai thác những tiềm năng sẵn có để xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; nhưng chúng ta không để “hòa tan”, không để đánh mất mình. Chúng ta tham gia hội nhập quốc tế là sự tham gia một cách chủ động, có lựa chọn, có tính toán chặt chẽ đến lợi ích quốc gia và chủ quyền dân tộc; kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, hành động gây sức ép, áp đặt, cường quyền.
Thứ hai, thực hiện độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, nhưng cần tranh thủ tận dụng các nhân tố bên ngoài có lợi trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Đây là một quan điểm, phương châm chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, những thành tựu to lớn qua 30 năm đổi mới đất nước, trong điều kiện tình hình thế giới biến động hết sức phức tạp, càng khẳng định sự đúng đắn của đường lối độc lập, tự chủ, tự lực tự cường mà Đảng ta đã nhất quán. Vì thế, trong điều kiện hiện nay, trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ”1.
Bởi suy đến cùng, chỉ có trên cơ sở độc lập, tự chủ chúng ta mới có được sự sáng tạo trong hoạch định đường lối cách mạng, luôn chủ động và năng động trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Có nêu cao tinh thần tự lực, tự cường thì trong khi cách mạng gặp khó khăn, hoàn cảnh quốc tế bất lợi, chúng ta mới có thể đứng vững và xử lý các tình huống một cách tự tin, và do đó mới vượt qua được thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Đồng thời, chỉ có bằng sức mạnh nội lực chúng ta mới có thể chủ động tranh thủ được sự giúp đỡ từ bên ngoài, chủ động tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả sức mạnh của thời đại.
Mặc dù khẳng định độc lập, tự chủ, tự lực tự cường là cơ sở, nền tảng, tiền đề giữ vai trò quyết định, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Trong khi nêu cao tinh thần “dựa vào sức mình là chính”, không phải chúng ta coi nhẹ hoặc phủ nhận các yếu tố thời đại, nhất là sự giúp đỡ to lớn, quý báu từ bên ngoài. Như trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài”2.


Sức mạnh dân tộc nếu không được kết hợp với sức mạnh của thời đại thì không những không tạo được sức mạnh tổng hợp, mà chính bản thân sức mạnh của dân tộc cũng không thể phát huy được hiệu quả tối đa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, của bạn bè quốc tế, thì chúng ta khó có thể giành được thắng lợi vĩ đại như thế. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế mở cửa hội nhập hiện nay, việc tranh thủ tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực bên ngoài cũng như các nhân tố tạo nên sức mạnh thời đại càng có ý nghĩa to lớn và cấp thiết đối với cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, các lực lượng trong kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là một chủ trương lớn cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, các lực lượng trong toàn xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của sự kết hợp này. Trong diễn văn bế mạc Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, mở ra thời kỳ phát triển mới”1.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một bài học kinh nghiệm lịch sử vô cùng quý giá của cách mạng nước ta. Cho đến nay, Đảng ta vẫn tiếp tục đánh giá cao bài học này và nhấn mạnh rằng: Công cuộc đổi mới đất nước muốn thành công tất yếu phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều đó chứng tỏ rằng, sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại - hai nhân tố đó luôn luôn song hành và kết hợp chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào. Do vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu vấn đề này kỹ lưỡng hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, nhằm góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đưa dân tộc ta vững bước vào kỷ nguyên mới./.




1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 70.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 69.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 21.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,  tr. 444.

Nhận xét