KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI VỚI TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG, AN NINH THEO QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XII

Đ.T
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, anh ninh là một quan điểm cơ bản, một chủ trương nhất quán trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là quy luật, truyền thống của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Điều đó được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước trước đây và trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc, ổn định chính trị. Củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội”1. Quan điểm trên được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”2. Không chỉ kế thừa nội dung về sự kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh mà tại Đại hội Đảng lần thứ XII đã có bước phát triển mở rộng sự kết hợp với  kinh tế mà cả văn hóa và xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại: “kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”3.
 Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là hai nội dung phải tiến hành đồng thời và giữa chúng có mối quan hệ tác động qua lại rất mật thiết. Đất nước chỉ có thể phát triển bền vững trong điều kiện hoà bình, ổn định song môi trường hoà bình, ổn định lại chỉ có thể được duy trì nếu khả năng quốc phòng, an ninh không ngừng được bồi đắp và tăng cường. Chi phí cho quốc phòng, an ninh được đảm bảo và tăng cường hay không lại phụ thuộc rất lớn vào ngân sách quốc gia, tiềm lực và cơ cấu kinh tế của đất nước. Một nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện cho một nền quốc phòng vững chắc và tự chủ. Ngược lại, một nền kinh tế khó khăn sẽ đặt nền quốc phòng trước những khó khăn vô cùng to lớn và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nước ngoài.
Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế trí thức, vai trò của tri thức nói riêng, của văn hóa nói chung ngày càng được nhấn mạnh và nhận thức đầy đủ hơn. Văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ là động lực, là điều kiện mà còn là hệ điều tiết của sự phát triển. Điều đó có nghĩa rằng kinh tế - xã hội có thể phát triển bền vững khi dựa trên môi trường văn hóa mà ở đó các giá trị truyền thống tốt đẹp được phát huy, các giá trị tiến bộ của nhân loại được tiếp nhận. Đó chính là nền tảng tinh thần xã hội mở ra điều kiện và cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Do vậy kinh tế - xã hội phải gắn kết hài hòa với văn hóa, cũng như với quốc phòng, an ninh.
Như vậy sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội là cần thiết, có cơ sở khách quan. Đây là sự kết hợp biện chứng, phù hợp với bản chất gắn bó, liên hệ phổ biến của các sự vật và hiện tượng. Các mặt này gắn bó chặt chẽ, tác động, ràng buộc lẫn nhau trong tiến trình phát triển.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Việc quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tố quốc, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh của một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để; còn thiếu những giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể. Cơ chế, chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh chưa hoàn thiện.
Để thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong toàn Đảng, toàn dân ở mọi cấp, ngành, địa phương.
Để bảo đảm cho nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển với nhịp độ cao theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa và không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã giành được, cần đặc biệt coi trọng kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đây là vấn đề mang tính quan điểm đã được Đảng ta khẳng định trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế và kinh tế tri thức tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; cuộc đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt; tuy ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng. Nước ta vẫn là một trong những trọng điểm của chiến lược "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác. Vì thế, trước những nguy cơ xâm lược, can thiệp vũ trang, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao cảnh giác để luôn sẵn sàng đánh tan mọi âm mưu, đánh thắng mọi hành động chống phá, xâm phạm lợi ích quốc gia của kẻ thù.
Vấn đề văn hóa, xã hội đã, đang có tác động không nhỏ tới quốc phòng, an ninh trên bình diện tích cực, tiêu cực và thực tiễn cũng cho thấy, ngày càng có nhiều tình huống về quốc phòng, an ninh được phát sinh từ yếu tố văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và trong một bộ phận giới trẻ, ... Do đó, việc xác định kết hợp chặt chẽ văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh thể hiện sự phát triển sáng tạo trong tư duy nhận thức về bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nhằm hướng vào giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng khi khẳng định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sự hợp thành của nhiều nhân tố, cả lực lượng và thế trận, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cả sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, ...
Việc coi nặng kinh tế, coi nhẹ quốc phòng, an ninh hoặc ngược lại có thể xảy ra đối với những con người cụ thể trong một số công việc nhất định từng lúc từng nơi do nhận thức của cán bộ còn chưa đầy đủ. Để khắc phục tình trạng đó, cần tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức kinh tế, an ninh quốc phòng và kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Đối tượng bồi dưỡng là toàn dân, trong đó trọng điểm là cán bộ lãnh đạo các cấp và sinh viên, học sinh.
Hình thức và phương pháp bồi dưỡng kiến thức, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh cần có sự vận dụng linh hoạt. Kết hợp bồi dưỡng tại trường và tại chức, gắn lý luận với thực tiễn, nhất là thông qua các cuộc diễn tập ở địa phương, cơ sở.
Hai là, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong đổi mới, nâng cao hoạt động quản lý vĩ mô của Nhà nước.
Chủ trương kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng muốn trở thành hiện thực và có hiệu quả thiết thực nhất thiết phải thông qua hoạt động quản lý, trong đó quản lý vĩ mô của Nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu. Thực tiễn cho thấy, cùng với các hoạt động kinh tế xã hội khác, kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở nước ta luôn được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ và thường xuyên của Nhà nước.
Trong hoạt động quản lý vĩ mô của Nhà nước hiện nay cần phải chú ý đến việc xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với chiến lược quốc phòng, an ninh để làm căn cứ khoa học cho việc xác định nội dung, phương hướng kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đổi mới và nâng cao kế hoạch hoá vĩ mô trong đó kế hoạch kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là một nội dung quan trọng, hình thành hệ thống cơ chế, chính sách và các giải pháp cụ thể để kết hợp chặt chẽ  hoạt động này. Theo đó, ngoài việc nâng cao năng lực, trách nhiệm và tổ chức thực hiện kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của bộ máy nhà nước, các bộ ban ngành, địa phương, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của sự kết hợp này. Nhà nước phải sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô của mình như tài chính, tín dụng, giá cả… để khuyến khích các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các thành phần kinh tế chủ động đáp ứng nhu cầu quốc phòng, hình thành dự trữ chiến lược của nhà nước về kinh tế cho quốc phòng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện luật quản lý nhà nước, thể chế hóa chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Ba là, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh theo địa bàn, vùng, song phải chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.
Việc kết hợp được thực hiện trên phạm vi tổng thể quốc gia, đồng thời trong mỗi địa bàn, vùng có những đặc thù về kinh tế - xã hội và tự nhiên, nên cần có sự sáng tạo trong phối kết hợp thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Mỗi vùng lãnh thổ có tiềm năng, thế mạnh riêng, dẫn đến hình thành cơ cấu kinh tế cụ thể phù hợp để phát huy thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, với những đặc thù lịch sử - văn hóa cũng cần hình thành kế hoạch, chính sách phù hợp để khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, tạo thế bố trí chiến lược quốc phòng, an ninh cũng phải trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội mới tạo được cơ sở bảo đảm nguồn lực tại chỗ cho từng khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển và đảo cần được chú trọng trong kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, bởi đây là những vùng còn kém phát triển, song lại có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh. Nếu không có sự kết hợp tốt sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh, nguy cơ bị xâm lấn, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy, đối với các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo cần chú ý kết hợp ngay trong đầu tư phát triển quốc phòng, an ninh theo hướng “lưỡng dụng”, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vừa tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn đóng quân.
Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân binh chủng, lực lượng.
Để thực hiện tốt việc kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân phù hợp với trình độ phát triển chung của đất nước và yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trước hết tập trung vào một số khâu trọng yếu như: xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh, đặc biệt là ở một số vùng kinh tế trọng điểm và những khu vực trọng yếu, chiến lược về quốc phòng và an ninh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng và khoa học kỹ thuật quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước hiện nay. Chú trọng đầu tư để hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, khuyến khích phát triển những ngành công nghiệp lưỡng dụng, khi thời bình tập trung sản xuất phục vụ dân sinh, khi thời chiến thì có thể chuyển nhanh sang sản xuất phục vụ nhu cầu quốc phòng. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân binh chủng, lực lượng, xây dựng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, rộng khắp, với tinh thần ở đâu có dân, có tổ chức đảng, ở đó có lực lượng dân quân tự vệ tinh gọn, đồng bộ, thống nhất, được huấn luyện tốt.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh.
Đây là nội dung rất quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh thành các văn bản luật, pháp lệnh, chỉ thị, nghị định… quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến mối quan hệ kết hợp này, làm cơ sở để giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ, giữa tự bảo vệ và được bảo vệ, phù hợp với thực tiễn đất nước và thông lệ quốc tế. Chú trọng xây dựng các biện pháp, chế tài cần thiết để răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng.
Trên cơ sở những văn bản vi phạm pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kết hợp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, các ngành các địa phương, đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Cần bảo đảm sự phối kết hợp này luôn ăn khớp nhịp nhàng với nhau. Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh phải cân đối, hài hòa, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội, lại vừa từng bước nâng cao khả năng quốc phòng, an ninh trên từng địa phương và trên phạm vi cả nước.
         Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là một trong những vấn đề cốt lõi vừa mang tính định hướng cho phát triển, vừa là nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo đảm cho việc củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Sức mạnh và lực lượng bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, của tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt./.


1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 227 - 228.
2  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 234.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 149.

Nhận xét