Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị hiện nay - thực trạng và quan điểm của Đảng ta



Tư tưởng chính trị là sự phản ánh trực tiếp các quan hệ chính trị của đời sống xã hội. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng vì nó liên quan đến nền tảng tư tưởng của Đảng, đến lý tưởng chính trị, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ, đến sự đoàn kết trong Đảng và đồng thuận xã hội. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị là một nội dung quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp, một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới đất nước. Vì vậy, cần tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị hiện nay nhằm chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc.
1. Trong những năm đổi mới, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn, lật đổ nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn tinh vi, thâm độc thông qua hàng trăm cơ quan báo chí, xuất bản ở nước ngoài, móc nối với các phần tử cơ hội chính trị ở trong nước; thông qua con đường ngoại giao, hợp tác kinh tế, đầu tư… hòng chuyển hóa nước ta theo quỹ đạo của Mỹ, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, hòng làm mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ và điều kiện can thiệp sâu hơn chống phá cách mạng Việt Nam.
Các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót, yếu kém trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên để gây ra những dao động về tư tưởng, mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, lập các tổ chức phản động trong nước.
Chúng dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng tiếp tục xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với nền văn minh công nghiệp, còn thế kỷ XXI là thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa nên đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua; hoặc cho rằng chủ nghĩa Mác -Lênin chỉ phù hợp với các nước Tây Âu, không thích hợp với các nước lạc hậu như Việt Nam, rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là sản phẩm của thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”, “đã kìm hãm sự phát triển của đất nước”. Hoặc cho rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu chứng tỏ “chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm, sai lầm từ trong bản chất chứ không phải do nhận thức và vận dụng sai”.
Các thế lực thù địch còn đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chúng cho rằng chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội cuối cùng của lịch sử loài người, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là một xã hội áp bức, bóc lột nữa. Đồng thời, chúng coi con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn là “mù mờ”, “thiên đường mù”, “không tưởng”, “không rõ chủ nghĩa xã hội là gì mà dám lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa”; hoặc cho rằng “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn dân giàu, nước mạnh”; họ tách rời và đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, thậm chí cho rằng “xưa kia trong chế độ phong kiến làm gì có chủ nghĩa xã hội đâu mà cha ông ta vẫn giữ vững được độc lập dân tộc”, v.v..
Đồng thời chúng còn xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, tác phong, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng viết sách, báo, sản xuất băng hình nhằm “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”. Họ đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, coi Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản.
Chúng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có Báo cáo tình hình nhân quyền, trong đó họ tự dành cho mình cái quyền phán xét tình hình nhân quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam, cố tình lờ đi tình trạng vi phạm nhân quyền đầy rẫy trên đất Mỹ. Thậm chí, họ còn đe dọa đưa nước ta trở lại danh sách CPC (danh sách “Các quốc gia đáng quan ngại về vấn đề tôn giáo”); can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, đòi chúng ta phải thả những tên phạm tội phản quốc, khủng bố, chống Nhà nước ta mà họ gọi là “những tù nhân lương tâm”. Họ còn tài trợ cho các lực lượng chống đối trong tôn giáo và người đi khiếu kiện; tổ chức đình công, bãi công, kích động biểu tình trong giáo dân, người dân tộc thiểu số, sinh viên, học sinh.
Các thế lực thù địch muốn truyền bá lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy, khuếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ ta, hòng bôi đen chế độ.
Ý đồ lâu dài không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ ta. Thông qua việc truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên, dần dần từng bước tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ và cuối cùng thực hiện mục tiêu như cựu Tổng thống Mỹ R. Nixơn đã mong muốn là “chiến thắng không cần chiến tranh”.
Những tác động của âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, trong đó có những tư tưởng, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước mà bên cạnh mặt thuận lợi đang có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Chủ nghĩa tư bản còn tồn tại lâu dài và hiện tại còn tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế; các cường quốc tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ đang chi phối trật tự thế giới. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào thoái trào đã tác động mạnh đến niềm tin, lý tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên. Tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều xu thế và đặc điểm mới, nhiều vấn đề mới nảy sinh.
Ở trong nước, chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nó kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng phát triển, coi tiền là tất cả mà coi thường đạo lý, coi nhẹ lý tưởng, tình đồng chí, làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, làm tăng phân hóa giàu nghèo, khuyến khích lối sống hưởng thụ ích kỷ, không có tình nghĩa. Trong bối cảnh đó, nếu cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì rất dễ dao động về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, dễ sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Hiện nay, tình trạng nhạt Đảng, nhạt chính trị, nhạt chủ nghĩa đang diễn ra và có xu hướng tăng lên. Ngay từ năm 1927 (khi Đảng còn chưa ra đời), trong cuốn Đường cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn “phải ít lòng tham muốn về vật chất” và “phải giữ chủ nghĩa cho vững”. Thiết nghĩ, những lời căn dặn đó như Người đang nói với chúng ta ngày hôm nay.
2. Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong các văn kiện đại hội thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ[1]. Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”[2], “uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng”3. Đại hội lần thứ IX của Đảng khẳng định phải “đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”4. Với tinh thần đó, Đại hội lần thứ X của Đảng đã yêu cầu “kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ”5. Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”6. Như vậy, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một chủ trương kiên quyết và nhất quán của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.
Để thực hiện chủ trương đó, nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhiều chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương đã được ban hành.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới đã nêu lên sáu nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận, trong đó nhiệm vụ thứ tư là “chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”7.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước... Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội. Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng8. Trên cơ sở nhận định đó, Nghị quyết đã yêu cầu “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ tự diễn biến ở cả trung ương và các ngành, các cấp”9.
Để thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW Về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Để phục vụ cho nhiệm vụ này, Ban Bí thư và Chính phủ đã lập ra một số ban chỉ đạo như: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương 94, Ban Chỉ đạo 609, Ban Chỉ đạo 213 trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Các ban chỉ đạo này trở thành đầu mối chỉ đạo cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trong từng thời kỳ, đầu mối cung cấp thông tin, phối hợp các lực lượng từ các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận, các cơ quan tuyên giáo đến các cơ quan quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các cấp ủy, các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản (cả báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng). Thông qua cuộc đấu tranh đó góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ta cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu được tính đúng đắn, chính nghĩa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, phản bác kịp thời những luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch, làm rõ đúng - sai, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các hoạt động chống phá của chúng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thành tựu của công cuộc đổi mới, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị nhằm chống những quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể là:
- Còn không ít cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, của những quan điểm sai trái, thù địch đi ngược lại đường lối của Đảng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt chưa nhận thức rõ tác hại của “tự diễn biến” trong nội bộ đang có xu hướng tăng lên, nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta. Nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên không thấy rõ trách nhiệm phải tham gia vào cuộc đấu tranh này, như người đứng ngoài cuộc, thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái.
- Chất lượng và hiệu quả đấu tranh còn thấp. Tính chiến đấu chưa cao, tính khoa học, tính sắc bén, tính lôgíc chặt chẽ trong lập luận còn thiếu, nhiều khi phê phán theo kiểu áp đặt hoặc “nói lấy được”, do đó tính thuyết phục còn hạn chế. Tác động làm thay đổi nhận thức, củng cố niềm tin, lý tưởng trong cán bộ, đảng viên chưa rộng và chưa sâu. Thiếu những hình thức, biện pháp cụ thể, có sức thuyết phục để xây dựng, củng cố niềm tin, phản bác những quan điểm sai trái, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp và những mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình đổi mới. Công tác lý luận còn yếu kém, bất cập nên chưa tạo được cơ sở khoa học vững chắc cho đấu tranh tư tưởng, lý luận có hiệu quả. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng còn chung chung, sáo mòn, kém hiệu quả, trong khi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang có chiều hướng tăng lên càng làm cho sức đề kháng về tư tưởng chính trị của Đảng giảm sút, dễ bị tiêm nhiễm bởi những quan điểm sai trái, thù địch và là môi trường cho lực lượng cơ hội chính trị lợi dụng khoét sâu để đả kích Đảng, chế độ.
- Do chưa dự báo được những vấn đề mới nảy sinh, kể cả sự xuất hiện những quan điểm sai trái nên chúng ta còn thiếu chủ động, thiếu chuẩn bị trong đấu tranh phê phán. Chúng ta có chính nghĩa, có cả một hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, có đầy đủ các binh chủng công tác tư tưởng, truyền thông, báo chí, có đủ cơ sở vật chất nhưng thường phản ứng chậm, “vuốt đuôi”, không kịp thời trước các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh.
3. Trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lượng và tác động đến nước ta; tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông tiếp tục diễn ra; công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu sẽ càng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp; những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế do điểm xuất phát thấp cộng với lạm phát, suy giảm kinh tế không thể khắc phục được một sớm một chiều; sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị nhằm chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chắc chắn sẽ còn diễn ra quyết liệt.
Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mọi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, coi nhiệm vụ đấu tranh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người.
Phản bác kịp thời, có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh chống các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước ta trong công tác xây dựng Đảng, trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, trong cuộc đấu tranh này phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không dao động trong bất cứ tình huống nào; kiên định đường lối đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc.
Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; không để xảy ra những thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý kinh tế - xã hội mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng (như vụ đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), vụ Vinashin, Vinalines…).
Nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính chủ động, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công cuộc đấu tranh. Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong các giải pháp đấu tranh, tạo ra sức tự đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các binh chủng trên mặt trận tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống hoạt động “diễn biến hòa bình”.
Đồng thời phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận mới có thể làm tốt nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng - lý luận, nâng cao được chiều sâu, tính sắc bén, tính thuyết phục của sự phê phán. Cần nghiên cứu một cách có hệ thống những luận điểm sai trái, thù địch để luận chứng bác bỏ có sức thuyết phục từng luận điểm. Phải coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận, các chuyên gia về lý luận như là đội quân tinh nhuệ của hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, bảo đảm an ninh trên mạng internet… Chủ động, kịp thời cung cấp định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự đối thoại, tiếp xúc trực tiếp của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên với nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền miệng, phát huy dân chủ. Kiện toàn và phát huy vai trò của các ban chỉ đạo.
GS.TS.LÊ HỮU NGHĨA
Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương
Trích trong sách: Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong công tác cán bộ đảng viên hiện nay,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.
1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 53, tr. 198.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 141.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 86.  
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 109.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 257.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 137.
8,9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2005 - 2010, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 117, 125.


Nhận xét