Đằng sau âm mưu, thủ đoạn độc ác

Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, có những kẻ tự cho mình là người có “lương tâm, trách nhiệm” lại ầm ĩ bàn về “vấn đề nhân quyền” ở Việt Nam.
Với luận điệu tuyên truyền cho cái gọi là “ngày nhân quyền tại Việt Nam”, chúng tiếp tục nhai đi, nhai lại điệp khúc “Việt Nam hiện nay hầu như đã vi phạm tất cả các quyền về sự tự do, sự bình đẳng, cũng như được mưu cầu hạnh phúc – như một con người”; “Nhân quyền ở VN vẫn là món ăn xa lạ và rẻ tiền đối với nhà cầm quyền, bởi còn Đảng Cộng sản thì vẫn còn nắm giữ chặt cái ghế quyền lực cai trị; độc tài bắt buộc dẫn đến vi phạm quyền tự do con người”… Vậy thực chất của những luận điệu này là gì?
Những luận điệu trên hoàn toàn suy diễn, thiếu cơ sở khách quan, cực đoan. Đây là luận điệu của những kẻ đi ngược lại lợi ích của quốc gia – dân tộc, chống phá những thành tựu của công cuộc đổi ở Việt Nam
Từ khi thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những năm gần đây, cùng với tập trung phát triển kinh tế – xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền con người. Điều này được thể hiện đầy đủ, rõ nét trong các Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội, trong “Sách trắng” về nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt, trong Báo cáo định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II về nhân quyền của Việt Nam được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua ngày 08-02-2014, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua. Như vậy, “Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” hiện nay, thực chất là âm mưu chính trị đen tối của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam.
Những người lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam cần hiểu rằng: quyền con người được gắn chặt với các quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia dân tộc. Chương 2 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, ở điều 14 cho ta thấy: Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật. Điều 16 chỉ rõ: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, điều 15 Hiến pháp cũng qui định rất rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do vậy, không có mô hình thực hiện nhân quyền cho mọi quốc gia và không thể sao chép nguyên si mô hình bảo đảm nhân quyền của một nước ở châu Mỹ hay châu Âu vào Việt Nam. Mỗi nước có mô hình riêng, điều đó được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong các bản Tuyên ngôn, các Công ước quốc tế về nhân quyền. Thế nhưng, từ chỗ cho rằng, nội dung, tiêu chuẩn của nhân quyền là tuyệt đối, bất biến, là ý tưởng chính trị duy nhất, một số kẻ đã giải thích nhân quyền như là những tự do không bị cấm đoán, không bị giới hạn. Mục đích của họ là cổ suý cho một thứ “tự do hoang dã”, vô chính phủ; đó là thứ tự do phá hoại, không phải là tự do chân chính, tự do tạo ra khả năng cho phát triển nhân cách của tất cả mọi người và càng không phải là thứ tự do để thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn…
Như vậy, những nhận định, đánh giá theo các luân điệu trên là những quan điểm sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch, trong đó có một số tổ chức, cá nhân (ở Mỹ và phương Tây) mang nặng đầu óc chủ quan, định kiến. Họ không xuất phát từ thực tế mà bóp méo sự thật để chỉ trích, phê phán, xuyên tạc, phủ định những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam. Thông qua những “Nghị quyết”, “Báo cáo”, “Dự luật” về nhân quyền hằng năm, họ thường có những lời lẽ quy chụp Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là tồi tệ”, hoặc vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực cụ thể, như: tự do ngôn luận, tự do tôn giáo,… Do định kiến, ác cảm với chế độ XHCN, Đảng Cộng sản lãnh đạo, nên họ lợi dụng “nhân quyền” áp đặt quan điểm, giá trị nhân quyền của mình để can thiệp nội bộ Việt Nam, v.v.
Đôi điều nhắn nhủ cho những kẻ đang lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam, hãy nghiên cứu kỹ lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sẽ thấu hiểu như thế nào là nhân quyền, là đạo lý, là lẽ phải, từ đó sống đúng với lương tâm, trách nhiệm của một công dân chân chính; nhìn nhận đúng những thành tựu to lớn mà Đảng, nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay./.

Tác giả: Ngọc Minh Châu 
Nguồn: www.nhanvanviet.com

Nhận xét