VẠCH TRẦN THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Văn Sơn

Vừa qua, trên “rfavietnam” có bài viết: “Tự do báo chí toàn cầu: Việt Nam tụt bốn bậc xuống nhóm ba quốc gia cuối tháng”, cho rằng, việc RSF một tổ chức phi chính phủ về phóng viên không biên giới xếp Việt Nam đứng thứ 178/180 quốc gia về tự do báo chí năm 2023 là vì ở Việt Nam báo chí bị đàn áp và các nhà báo tự do thường xuyên bị cầm tù. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn về tự do báo chí của Việt Nam. Bởi vì:

Tự do báo chí ở Việt Nam đã được thể hiện nhất quán trong cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng, được hiến định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật; trở thành nhân tố quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Song, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc sự thật này.

1. Điều 25 hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí của Việt Nam khẳng định: báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn: thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tất cả các hoạt động báo chí của cá nhân và tổ chức đi ngược với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên đây là vi phạm Luật báo chí và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, ở Việt nam không đàn áp báo chí, mà báo chí hoạt động theo quy định của hiến pháp, pháp luật.

2. Báo chí ở Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có gần 1.000 cơ quan báo in và báo điện tử, trên 90 kênh phát thanh và gần 200 kênh truyền hình cùng với sự tham gia của 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định: hoạt động báo chí đã và đang góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; là vũ khí sắc bén đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần làm sáng tỏ và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là phương tiện, là công cụ đắc lực giúp Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước; là lực lượng quan trọng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, định hướng đúng đắn dư luận xã hội; phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Báo chí là diễn đàn để nhân dân trao đổi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, góp phần tham gia vào giải quyết các vấn đề của đất nước. Báo chí nói chung, các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, tham gia tích cực vào việc phản ánh sâu rộng, toàn diện mọi khía cạnh đời sống của xã hội; được luật pháp bảo vệ. Một số blogger và cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do bị xử lý bằng pháp luật là do vi phạm Điều 117, Bộ luật Hình sự quy định về tội: “tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống, phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc Tổ chức phóng viên không biên giới xếp hạng tự do báo chí không dựa trên tình hình thực tiễn Việt Nam đã cho thấy mưu đồ đen tối, cố tình xuyên tạc, bịa đặt, vu khống của tổ chức này. Do đó, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kịp thời vạch trần và đấu tranh bác bỏ./.

 

Nhận xét