PHÁT TRIỂN “KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” LÀ SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO CỦA ĐẢNG TA

Gió biển

          Chống phá đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, các quan điểm thù địch, phản động đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, phản động, trong đó chúng cho rằng: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự gán ghép cơ học kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hay định hướng xã hội chủ nghĩa là “tấm áo khoác ngoài” của kinh tế thị trường; rằng kinh tế thị trường không đi cùng với chủ nghĩa xã hội, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học không “dung nạp” kinh tế thị trường. Hơn nữa, một nền kinh tế chịu sự tác động cùng một lúc hai quy luật trái chiều nhau thì khó có thể tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn tạo ra lực cản cho sự phát triển.

          Đứng vững trên lập trường mác xít, cần khẳng định rằng những lập luận trên là sự ngụy biện trơ trẽn, hòng tạo dư luận hoài nghi, dao động tiến tới phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việt Nam nhận thức và lựa chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự nắm bắt và vận dụng xu thế khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc rút kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường trên thế giới, Đảng ta đã đưa ra chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu” dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Lựa chọn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là ý chí chủ quan của Đảng ta mà là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhận xét