KHÔNG ĐƯỢC XUYÊN TẠC DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

Phạm Trung

Dân chủ là một vấn đề nhạy cảm, là mục tiêu mà các thế lực thù địch tìm mọi cách để xuyên tạc, chống phá. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa từ đường lối, chủ trương cho đến hành động trên thực tế.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới là trách nhiệm của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta luôn quan tâm phát huy dân chủ, thực hành dân chủ. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong 12 định hướng lớn phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”[2].

Trên thực tế, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945) đến nay, nhân dân ta đã thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp, thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước thực sự đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chế độ dân chủ thực sự, không phải là dân chủ hình thức, cực đoan, vô chính phủ. Nó đối lập với chuyên quyền độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ thể hiện đầy đủ và sâu sắc tính pháp lý và tính nhân văn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”[3]. Luận điểm trên khái quát bản chất của nền dân chủ ở nước ta hiện nay. Dân chủ ở Việt Nam vừa phản ánh bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước. Cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch muốn xuyên tạc, hạ thấp giá trị của dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr.232.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.118.

[3] Nguyễn Phú Trọng (2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Quân đội nhân dân online, ngày 16/5/2021, 20:38.

Nhận xét