CẦN ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

 Phạm Trung

Hằng năm, các thế lực thù địch thường xuyên đưa ra những đánh giá, nhận định thiếu khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trên  thực tế, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo pháp luật.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam diễn ra rất sôi động, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và không có tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo không chỉ thu hút sự tham gia của những người theo đạo mà còn có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Lễ Thượng ngươn của đạo Cao Đài… Các tôn giáo ở Việt Nam có sự hoà hợp, không phân biệt với nhau, không xảy ra việc xung đột. Nhiều tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôn giáo ở Việt Nam được coi là nhu cầu chính đáng của người dân, được pháp luật bảo vệ, “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”[1].

Ở Việt Nam, không ai có quyền ngăn cản việc tự do tôn giáo của người dân. Nếu có chứng cứ rõ ràng, người bị xâm phạm quyền tự do tôn giáo hoàn toàn có quyền tố cáo đến các cơ quan chức năng để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để khắc phục, ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự, thậm chí là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, an ninh quốc gia của Việt Nam,  pháp luật Việt Nam quy định rõ các tổ chức tôn giáo phải đăng ký hoạt động. Việc đăng ký hoạt động là để bảo đảm việc quản lý về mặt nhà nước được thống nhất, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tôn giáo trong quá trình hoạt động, tránh tình trạng các tổ chức xấu núp bóng tôn giáo để lừa bịp người dân, kích động tiến hành các hoạt động xấu, khắc phục những hiện tượng “tà đạo”, “đạo lạ” xuất hiện với những giáo lý, giáo luật, lễ nghi kỳ quái.

Cần nhận thức đúng và đánh giá khách quan tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 



[1] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa 14, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2018.

Nhận xét