Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ đảng viên phải thân dân, gần dân, trọng dân còn vẹn nguyên giá trị

                                      TH

Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người, bởi vì: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Thân dân, gần dân, trọng dân là một tư tưởng lớn, mang tính nhân văn cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cán bộ đảng viên phải  thân dân, gần dân, trọng dân

Tư tưởng thân dân, gần dân, trọng dân của Người có nội dung toàn diện, không chỉ là sự kính trọng nhân dân, mà còn ở việc thấy rõ vai trò và sức mạnh của quần chúng đối với lịch sử, biết dựa vào dân, huy động sức mạnh của nhân dân, luôn quan tâm tới lợi ích thiết thực của nhân dân. Không chỉ dừng lại ở lời nói, hay những bài viết, những bài phát biểu, tư tưởng thân dân, gần dân, trọng dân thấm đẫm trong mọi hành động, trong tác phong của Người. Đây là bài học vô giá cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Một là, thân dân

Hồ Chí Minh giải thích: dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú nhất. Lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do dân. Nhân dân là người xây dựng, đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Dân như nước, cán bộ như cá. Cá không thể sinh tồn và phát triển được nếu như không có nước. Nhân dân là lực lượng biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Do vậy, nếu không có dân, sự tồn tại của Đảng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với Chính phủ và các tổ chức quần chúng cũng vậy.

Thân dân thì trước hết phải hiểu dân, lắng nghe được dân nói, nói được cho dân nghe, làm được cho dân tin, là nhận biết được những nhu cầu của họ, biết được họ đang suy nghĩ gì, trăn trở cái gì? Họ mong muốn những gì? Và họ đang mong đợi gì ở chính quyền, nhất là ở người lãnh đạo, quản lý; phải biết phát hiện và đáp ứng kịp thời những nhu cầu và lợi ích thiết thực của dân; là nhìn thấy cả cái thực tại và vạch ra được viễn cảnh (tương lai) đúng đắn cho dân phát triển; là biết chia sẻ, đồng cảm và gần gũi với cuộc sống của dân, mọi quyết sách đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của dân, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân.

Thân dân phải quán triệt tinh thần cán bộ là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Người chỉ rõ chúng ta có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Người yêu cầu cán bộ từ Chủ tịch nước trở xuống đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân. Là công bộc, là đầy tớ của dân, thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hai là, gần dân

Hồ Chí Minh chỉ rõ, cách mạng phải biết dựa vào dân. Trong mọi hoàn cảnh, lúc cam go, thử thách khắc nghiệt của kháng chiến hay những thời điểm thuận lợi nhất, không một giây, một phút nào Người xa rời nhân dân, xem việc biết dựa vào dân là cội nguồn của mọi sức mạnh. Người thường xuyên dạy cán bộ ta lúc nào cũng phải dựa chắc vào nhân dân, vì có dựa chắc vào nhân dân thì việc khó mấy cũng thành. Người nhấn mạnh: "lực lượng của dân rất to, khả năng của dân thật phi thường"; "Dân trí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống nổi", "Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại". Hồ Chủ tịch thường căn dặn Đảng ta: "Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được".

Đối lập với thân dân là xa dân. Bệnh xa dân thể hiện ở lối làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch gây phiền hà, khó dễ; thói quan liêu, tham ô, tham nhũng đục khoét của dân; các chủ trương, chính sách ban hành không phản ánh đúng lợi ích, thậm chí đi ngược lại quyền lợi nhân dân. Nguyên nhân của bệnh xa dân là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài... tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi.

Cách làm việc xa dân dẫn tới hậu quả không thấy được vai trò, sứ mệnh, sức mạnh quần chúng đối với lịch sử, không phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Bệnh xa dân làm nguy hại thêm tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, là “đồng minh tự nhiên” của các âm mưu, hành động chống phá của các thế lực phản động. Xa dân, lối làm việc quan liêu, bệnh tham quyền lực trở thành mắt xích yếu nhất để kẻ thù lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm cán bộ, đảng viên sa ngã, làm suy yếu chính quyền, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.

Ba là, trọng dân

Khi cách mạng giành được chính quyền, sớm dự liệu được bệnh quan cách, công thần, xa dời nhân dân trong một bộ phận cán bộ của đảng và chính quyền, ngay từ những ngày đầu lập nước, Người đã đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ của Đảng, trong đó, lấy sự tin yêu, kính trọng nhân dân làm hàng đầu. Người dạy, cách mạng là do nhân dân, nhưng cũng vì nhân dân. Cho nên giành chính quyền rồi thì phải mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, và chính quyền ấy cũng chính do nhân dân bầu lên, cán bộ các cấp do nhân dân bầu ra, để chăm lo quyền lợi cho nhân dân.

Người khẳng định, cán bộ là người đầy tớ, là công bộc trung thành, tận tụy của nhân dân. Người kịch liệt phê phán bệnh quan liêu, xa dời quần chúng, bệnh “làm quan cách mạng”, “quan nhân dân”, không thấy mình là đày tớ, người học trò của nhân dân, không thấy được sức mạnh của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Và chính Người là hiện thân sáng ngời cho tình cảm thương yêu kính trọng nhân dân, sự thủy chung son sắt trong tình cảm ấy làm nên một nhân cách vĩ đại mà vô cùng giản dị, gần gũi - nhân cách Hồ Chí Minh.

Tin tưởng vào vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với lịch sử, Người khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân. Do đó, cách mạng thành công rồi thì phải quan tâm đến lợi ích thiết thân của nhân dân, "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Lời dạy của Bác còn vẹn nguyên giá trị đối với rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên hiện nay

Hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, thời kỳ nào cũng vậy, dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đảng ta vẫn luôn trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo tư tưởng thân dân, gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Bước sang thời kỳ đổi mới, với sự đột phá trong tư duy, sự thay đổi nhận thức của Đảng ta về kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã làm sản xuất bung ra, khai phá sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân. Có thể khẳng định, chính việc quan tâm  tới nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, biết khơi dậy sức dân là căn nguyên cho thắng lợi của đường lối đổi mới.

Hiện nay, nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò và sức mạnh nhân dân, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Động lực thúc đẩy nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng mọi lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ công dân; huy động sức dân phải đi đôi với sức dân Tư tưởng trên là sự cụ thể hóa, vận dụng, phát triển sáng tạo và làm sâu sắc thêm tư tưởng thân dân, gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, kính dân, tin dân, gần dân, thân dân, biết dựa vào dân là cội nguồn của mọi thắng lợi của cách mạng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đó là một chân lí đã được thực tiễn kiểm chứng.

Thân dân, gần dân, trọng dân là tư tưởng xuyên suốt, là cơ sở để hình thành nên một hệ giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng mới: đạo đức của người cán bộ tin dân, gần dân, biết dựa vào dân, hết lòng hết sức vì nhân dân phục vụ. Và đạo đức mới ấy lại trở thành nền tảng cốt lõi trong xây dựng phong cách làm việc của cán bộ: phong cách quần chúng, thân dân, gần dân. Cho nên, cán bộ, đảng viên các cấp trước tiên phải thân dân, gần dân, trọng dân, thì mới sửa mình theo đó mà phục vụ dân cho tốt. Chính vì khinh dân, xa dân, không biết dựa vào dân, không biết làm dân vận,... mà cán bộ hủ hóa, làm giảm lòng tin trong nhân dân vào Đảng, nhà nước và chế độ chính trị.

Tư tưởng thân dân, gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đó có ý nghĩa to lớn trong giáo dục rèn luyện nhân cách cho cán bộ, đảng viên. Ngày nay, tư tưởng ấy còn vẹn nguyên sức sống, bởi vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang gây nhức nhối xã hội, làm giảm lòng tin trong nhân dân, là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Mặt khác, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, đòi hỏi phải không ngừng củng cố sự hiểu biết, kính trọng nhân dân trong cán bộ, đảng viên. Quán triệt, vận dụng tư tưởng thân dân, gần dân, trọng dân của Bác đối với cán bộ, đảng viên hiện nay là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, góp phần khôi phục địa vị của đạo đức đối với đời sống xã hội; là cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng phẩm chất của người cách mạng, để sửa mình theo đạo đức mới, để khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức mà Đảng ta đã chỉ ra.

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy có biểu hiện thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống. Những biểu hiện như quan liêu, cửa quyền, vô cảm với nhân dân, xa dân, sách nhiễu dân đang có nguy cơ phát triển, vẫn xảy ra ở nơi này nơi kia trong bộ máy chính quyền các cấp. Chính quyền cơ sở, trực tiếp lại xa dân, ít quan tâm đến đời sống của nhân dân, không chú ý tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng của dân, phong cách chỉ đạo, quản lý nặng về quan liêu, mệnh lệnh, vô cảm trước khó khăn, vất vả của dân.

Từ đó, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức các cấp, những “đày tớ”, “công bộc” của dân phải có bổn phận phục vụ nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của dân giao, chịu sự kiểm soát của dân và sẽ bị tước quyền nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Họ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có giác ngộ sâu sắc về mục đích sống, mục đích hành động và việc làm của mỗi người, thật sự là tấm gương sáng để quần chúng nhân dân noi gương. Tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân chỉ có được khi chính quyền các cấp có cán bộ, đảng viên thực sự thân dân, gần dân, trọng dân.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình vào địa vị của người dân mà mình đại diện để hiểu, suy xét, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất , mong muốn của người dân. Có lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của dân, có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Cán bộ, đảng phải hướng đến một nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, phục vụ vụ nhân dân; biết sử dụng quyền lực công minh chính trực; phải lắng nghe và dựa vào nhân dân; phải luôn đề cao trách nhiệm vì dân; không né tránh, đùn đẩy, gây phiền hà và khó khăn, tốn kém cho dân; cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, chủ động giải quyết kịp thời những nhu cầu và lợi ích chính đáng, thiết thực và cụ thể của quần chúng; phải từ trong dân, từ ý chí và tâm trạng của dân để phục vụ nhân dân./.

 

Nhận xét