QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XIII VỀ CON NGƯỜI LÀ MỤC TIÊU CỦA SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

 TH

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã bổ sung, phát riển những luận điểm, nhận thức mới thể hiện nhất quán việc coi trọng con người, không chỉ coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu mà còn là mục tiêu của sự phát triển. Đảng ta nhấn mạnh phải: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”[1]Tất cả vì con người chính là điểm nổi bật, phản ánh bản chất cách mạng, tiến bộ trong đường lối lãnh đạo của Đảng, của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta lựa chọn.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp cận con người không dừng lại ở vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu, mà còn tiếp cận con người với tính cách là “trung tâm”, là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển kinh tếTrong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, bài học kinh nghiệm thứ tư Đảng ta rút ra, trong đó có nội dung là: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế…”[2]. Điều này cho thấy tính ưu việt, tính vượt trội của quan điểm phát triển con người của Đảng ta; phản ánh tính ưu trội của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhà nước, nhân dân ta đang xây dựng.

Hiện nay, nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chú trọng hơn chất lượng và tăng tính bền vững với các khâu đột phá là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường, tăng tính hiệu quả của định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm làm cho kinh tế thị trường đi đúng hướng. Đảng, Nhà nước ta không chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá, không đánh đổi sức khoẻ, tính mạng nhân dân lấy con số tăng trưởng kinh tế trước mắt - điều gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội do dịch bệnh ở hàng loạt các nước phát triển. Đảng ta luôn chủ trương gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó cho thấy rõ ràng mục tiêu vì con người trong nhận thức và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của Đảng ta.

Một trong những nội dung nội bật trong Văn kiện Đại hội XIII là quan điểm về đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển, nhận thức, giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích. Đảng ta nhấn mạnh “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”[3]. Đồng thời, cần chú ý đến “tính thực tiễn của chính sách xã hội [4] phải đem lại công bằng, đặc biệt đối với việc quan tâm đến các bộ phận yếu thế trong xã hội.

Quan điểm trên của Đảng là rất sâu sắc, là cơ sở để trong công tác quản lý nhà nước có các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm tốt nhất cho thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay. Các chính sách xã hội phải hướng đến bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội và mang tính bền vững; tập trung vào “giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các ri ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân[5]. Đây là những định hướng lớn, là sự tiếp tục các mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ đại hội trước cũng như phản ánh nhu cầu tất yếu của sự vận động xã hội đặt ra.

Kiểm soát “Phân tầng xã hội” là luận điểm mới trong văn kiện lần này. Nói đến phân tầng xã hội không chỉ dừng lại ở phân hoá giàu nghèo - thiên về nội hàm kinh tế, mà còn với ý nghĩa là khoảng cách xã hội doãng ra giữa các tầng lớp xã hội do hệ quả của phân hoá giàu nghèo, là căn nguyên dẫn tới bất bình đẳng, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đây là một thực tế đã được Đảng ta nhận thức rất rõ ràng. Cho nên, đưa vào Văn kiện lần này nội hàm về kiểm soát “phân tầng xã hội” thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta đối với vấn đề bình đẳng trong cơ hội phát triển và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giải quyết vấn đề “phân tầng xã hội” đi từ kinh tế sẽ giải quyết tận gốc của những vấn đề xã hội, đây chính là chiều sâu tư duy lý luận cũng như tầm nhìn xa của Đảng ta trong nhận thức và giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.

Công bằng nhưng không cào bằng là nguyên tắc tối thượng trong điều kiện hiện nay, thể hiện ở việc lợi ích mà mỗi cá nhân được hưởng tương xứng với công lao, sự đóng góp của họ. Để bảo đảm công bằng, Đảng ta cũng chỉ rõ cần tôn trọng và bảo đảm cho sự phát triển của các loại lợi ích chính đáng của con người. Chú trọng: “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp trong xã hội; đây cũng là điều kiện để đảm bảo tất cả các chính sách xã hội đều hướng tới mục tiêu vì con người, vì nhân dân. Quan điểm về con người là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta được chứng minh bởi những thành tựu to lớn của 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thực tiễn đã được kiểm chứng và không thể bác bỏ, phủ nhận.

 



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Tập 1, tr. 215 - 216.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 2, tr. 81.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 1tr.47.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 1tr.147-148.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 1, tr.148.

Nhận xét