GIÁ TRỊ CỦA HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

TH

Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội (HTKT - XH) ra đời từ giữa thế kỷ XIX đến nay gần hai thế kỷ, đã trải qua sự kiểm nghiệm của thực tiễn vẫn chứng tỏ giá trị và sức sống bền vững. Trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), cũng đã có nhiều quan điểm đưa ra hòng phủ nhận giá trị của học thuyết này. Do vậy, việc tìm ra bản chất và liên hệ tất yếu giữa CMCN 4.0 với Học thuyết HTKT - XH là cần thiết để chứng minh cho giá trị sức sống trường tồn của Học thuyết HTKT - XH. Điều đó được luận giải trên những vấn đề cơ bản sau:

Một là, bản chất của CMCN 4.0 là tiếp tục sự phát triển của lực lượng sản xuất 

Lịch sử đã trải qua 4 cuộc CMCN với tính cách là những nấc thang trong sự phát triển của lực lượng sản xuất nhân loại. Mỗi cuộc cách mạng tạo ra sự phát triển nhảy vọt trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, do đó kéo theo sự phát triển xã hội. Cuộc CMCN lần thứ nhất từ năm 1784, sử dụng máy hơi nước trong quá trình sản xuất; CMCN lần thứ hai từ năm 1870 sử dụng điện năng phục vụ sản xuất hàng loạt; CMCN lần thứ ba từ năm 1969 liên quan tới công nghệ điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin phục vụ việc tự động hóa quá trình sản xuất. CMCN 4.0 là sự chuyển dịch từ cuộc CMCN lần thứ ba, dựa trên cuộc cách mạng số diễn ra từ cuối thế kỷ XX.

  Bản chất của CMCN 4.0 là sự hợp nhất của những công nghệ, tạo sự liên kết giữa không gian vật lý, số và sinh học; là khả năng hàng tỷ người kết nối với nhau thông qua các thiết bị di động với năng lực tính toán, khả năng lưu trữ dữ liệu cực lớn và việc truy cập không giới hạn với tri thức nhân loại. Các công nghệ nền tảng, cốt lõi của cuộc cách mạng CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, rôbốt, internet vạn vật, xe tự hành, công nghệ in 3D, công nghệ nanô, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật lưu trữ, bảo tồn năng lượng, công nghệ tính toán lượng tử,… Trái với những cuộc cách mạng trước đây, CMCN 4.0 tiến triển với một tốc độ theo cấp số lũy thừa chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Đây là kết quả của một thế giới đa diện, kết nối sâu sắc mà công nghệ mới luôn sinh ra những công nghệ mới hơn và tân tiến hơn.

  Như vậy, xét về bản chất, CMCN 4.0 là sự phát triển của lực lượng sản xuất mang tính chất nhảy vọt về trình độ công nghệ ở phạm vi toàn cầu, dẫn tới những bước đột phá trong áp dụng vào thực tiễn sản xuất. CMCN 4.0 xuất phát từ mâu thuẫn giữa giảm thời gian, cường độ lao động với tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nó buộc người sản xuất phải không ngừng cách mạng hóa lực lượng sản xuất, trực tiếp là công cụ lao động, từ đó tất yếu thúc đẩy sản xuất phát triển. Mâu thuẫn này được ẩn giấu trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà C.Mác chính là người đã bóc trần nó trong tác phẩm Tư bản và xây dựng lý thuyết khoa học về quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản: Quy luật giá trị thặng dư. Đó là lý do tại sao các học giả tư sản lại ra sức cổ vũ cho lý thuyết về văn minh để che đậy bản chất thực sự đằng sau sự phát triển của CMCN 4.0. Do đó, xem xét dưới góc độ triết học, CMCN 4.0 không nằm ngoài Học thuyết HTKT - XH của triết học mácxít. Thực chất đó là sự tiếp tục phát triển của lực lượng sản xuất nhân loại đạt được trong thời đại ngày nay.

   Hai là, CMCN 4.0 chứng minh cho tính tất yếu của quy luật xã hội

   Trong những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa duy vật lịch sử thì Học thuyết HTKT - XH là một nội dung quan trọng, nó làm sáng tỏ những quy luật cơ bản của sự tồn tại, vận động, phát triển của xã hội, luận giải sự vận động, phát triển của xã hội như một tiến trình “lịch sử - tự nhiên”.

   Xuất phát từ thực tiễn lịch sử, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra rằng, lịch sử loài người là lịch sử phát sinh, phát triển, thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội thông qua hai quy luật cơ bản, trong đó quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật bao trùm, chi phối mọi hình thái kinh tế - xã hội.

   Trên cơ sở phát hiện ra quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã vạch ra mối quan hệ hữu cơ của cơ sở kinh tế với các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng giải thích một cách khoa học theo quan điểm duy vật biện chứng về tất cả những hiện tượng xã hội diễn ra trên kiến trúc thượng tầng, như quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật..., cùng với những thiết chế xã hội tương ứng là nhà nước, đảng phái, các đoàn thể xã hội, giáo hội... Các ông đã chỉ rõ rằng, “toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó"[1]. Đây là cách giải thích hết sức khoa học về sự ra đời, phát triển của mỗi hình thái kinh tế - xã hội và về mối quan hệ của những cơ sở kinh tế của nó với những quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở kinh tế ấy.

   Phân tích những yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, C.Mác chỉ ra rằng, công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất, cách mạng nhất quy định bản chất của quan hệ sản xuất. Với ý nghĩa đó, công cụ lao động là cái quan trọng nhất, quy định chất của phương thức sản xuất hay một HTKT - XH xác định trong lịch sử. Từ sự thay thế nhau của các trình độ khác nhau về chất của lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội khác nhau về cơ cấu giai cấp, bản chất của chế độ xã hội. Với lập luận như vậy, C.Mác đã phân tích và chỉ rõ lịch sử sự phát triển tự nhiên của xã hội loài người: “Những quan hệ xã hội đều gắn mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp"[2].

    Hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã và đang đạt được những thành tựu vượt trội trên mọi phương diện, nó làm dấy lên nghi ngờ đối với những người hoặc là cố tình hoặc là không hiểu thực chất lý luận HTKT - XH của C. Mác. Chủ nghĩa tư bản “còn sống” chính vì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa còn khả năng biến đổi và thích nghi. Như C. Mác từng chỉ rõ: Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Nhưng xu thế tất yếu sẽ dẫn tới diệt vong các quan hệ kinh tế dựa trên chế độ tư hữu mà sự phát triển của CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy tiến trình ấy.

Sự thích nghi thể hiện rõ nhất ở việc giai cấp tư sản thông qua cách mạng hóa không ngừng lực lượng sản xuất, trong đó có thông qua CMCN 4.0, đồng thời cũng tiến hành điều chỉnh các quan hệ sản xuất để khắc phục các khủng hoảng do mặt trái của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra. Điều đó được thực chứng khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bắt đầu từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, nhiều nhà tư bản ở Châu Âu đổ xô đi tìm mua bộ “Tư bản” của C. Mác nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Rõ ràng, khi bước vào CMCN 4.0 thì cái bộ mặt thật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng được phơi bày, nó chứng minh C. Mác là đúng và buộc giai cấp tư sản phải điều chỉnh để tồn tại. Từ đó có thể khẳng định, CMCN 4.0 là minh chứng để chúng ta thêm khẳng định sự đúng đắn của lý luận về HTKT - XH. Đó là minh chứng để đập tan các luận điệu cho rằng CMCN 4.0 đang thúc đẩy thể gới phẳng, phủ định Học thuyết HTKT - XH của C. Mác. Trái lại, CMCN 4.0 càng chứng minh cho quan điểm mácxít về quy luật phát triển xã hội mang tính tất yếu, sâu xa từ tính tất yếu kinh tế. Sở dĩ như vậy bởi CMCN 4.0 về bản chất là chỉ sự phát triển về chất của lực lượng sản xuất. Nó dẫn tới năng suất lao động nhảy vọt, tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao. Trong khi đó, tính chất sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất càng được củng cố bởi các nhà tư bản làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa ngày càng cao với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ngày càng gay gắt. Đây chính là cơ sở để các mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản càng trở nên gay gắt, trực tiếp là mâu thuẫn giai cấp tư sản và giai cấp công nhân trong quan hệ sở hữu.

      Hiện nay, CMCN 4.0 với tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, quy mô tác động của các công nghệ mới thời hiện đại đã và sẽ làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mọi hệ thống sản xuất, quản lý và điều hành làm phân hóa giàu nghèo ngàng càng sâu sắc; xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề toàn cầu; xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp. Điều đó cho thấy một chủ nghĩa tư bản đầy rẫy mâu thuẫn tự sinh do chính hạn chế của khuôn khổ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà sâu xa do sự phát triển của lực lượng sản xuất gây ra. Những mâu thuẫn, xung đột ấy không thể giải quyết trong nội bộ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và nó diễn biến ngày càng sâu sắc. Do đó, CMCN 4.0 tạo ra năng suất lao động cao, kéo theo đó là hệ lụy xã hội làm tích lũy mầm mống và những nhân tố cho cách mạng xã hội. Đó chính là thực trạng phát triển khách quan của nhân loại do sự phát triển của lực lượng sản xuất mà CMCN 4.0 đang là trung tâm của thời đại.

    Ba là, Cách mạng công nghiệp 4.0 cần làm rõ tính chất phản động của cách tiếp cận văn minh

     Trong tiếp cận và luận giải về xã hội hiện nay nổi lên lý thuyết về tiếp cận văn minh, nó dường như rất phù hợp với xu thế phát triển của CMCN 4.0, được các học giả tư sản đưa ra, đón nhận và cổ súy mạnh mẽ. Các học giả tư sản đưa ra quan điểm tiếp cận thời đại theo nền văn minh cho rằng, xuất phát điểm của cách tiếp cận thời đại theo nền văn minh là dựa trên văn minh hậu công nghiệp, cao hơn cách tiếp cận theo hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, là cách tiếp cận chỉ dựa trên nền văn minh công nghiệp. Các học giả tư sản cho rằng, thời đại văn minh tin học vừa thu nhỏ trái đất lại, vừa gắn bó các dân tộc, các quốc gia, các giai cấp, các nền văn minh của nhân loại, vừa thay đổi bản chất các quan niệm cũ về không gian và thời gian, về hiện tại và tương lai, về giống nòi và đồng loại.

      Lợi dụng CMCN 4.0, các thế lực thù địch ra sức cổ súy cho phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh. Họ tập trung bài xích, công kích vào những luận điểm riêng lẻ của Học thuyết HTKT - XH, cho đây là một học thuyết “duy kinh tế”. Thậm chí, họ còn gán cho Học thuyết HTKT - XH chỉ xem xét thế giới một cách phiến diện, theo cách nhìn lưỡng phân, chỗ nào cũng thấy mâu thuẫn, xung đột, đối kháng nhằm xuyên tạc, cố tình đánh tráo khái niệm một cách trắng trợn, phản khoa học nhằm phủ nhận học thuyết HTKT - XH của C. Mác. Trong khi đó, họ ra sức khuếch trương quan điểm và phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh, coi đây là một phát kiến khoa học của nhân loại; rằng, nội dung và phương pháp tiếp cận này toàn diện hơn, lấy sự thống nhất, hòa hợp làm cơ sở cho đường hướng phát triển của nhân loại, tránh đưa nhân loại đến đối đầu, chiến tranh, đổ máu.v.v..

      Những người đề cao phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh đã phạm một sai lầm cơ bản khi coi trình độ phát triển của khoa học - công nghệ, của lực lượng sản xuất thông qua CMCN 4.0 là yếu tố quyết định duy nhất, mà không thấy được hoặc họ cố tình không thấy vai trò của các quan hệ kinh tế, quan hệ giai cấp, quan hệ chính trị - pháp lý, quan hệ dân tộc… Việc tiếp tục vạch trần bản chất phản khoa học và phản động về chính trị trong cách tiếp cận văn minh là vấn đề đã và đang đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu nhằm chứng minh cho sức sống của Học thuyết HTKT - XH trước tác động của CMCN 4.0.

     Bốn là, học thuyết HTKT - XH mang bản chất khoa học, cách mạng được thực tiễn thực tiễn đổi mới ở Việt Nam chứng minh

    Học thuyết HTKT - XH mang bản chất khoa học, cách mạng và thực tiễn. Vì vậy, quán triệt và vận dụng đúng phải phản ánh tính thời đại trong phát triển. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường hiện nay, chủ nghĩa Mác nói chung và Học thuyết HTKT - XH nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Học thuyết HTKT - XH của C. Mác vẫn luôn là cơ sở phương pháp luận khoa học và mang tính cách mạng sâu sắc, phản ánh khách quan quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội loài người mà một trong những minh chứng hùng hồn và đầy sức thuyết phục chính là thực tiễn hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam. Do đó, trước tác động của CMCN 4.0 thì những thành tựu đạt được của nước ta đang tiếp tục củng cố vị thế và giá trị thực tiễn to lớn của Học thuyết HTKT - XH.

Việc khai thác giá trị triết học của CMCN 4.0 là cơ sở để một mặt chứng minh tính đúng đắn của Học thuyết HTKT - XH, một mặt là cơ sở phương pháp luận mang tính định hướng trong nhận thức, tiếp cận và vận dụng những thành tựu của CMCN 4.0 trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được thể hiện rõ nét trong việc quán triệt, cụ thể hóa đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học và công nghệ… trong xây dựng, phát triển Đất nước.

      Tóm lại, cũng giống như bất cứ học thuyết nào, Học thuyết HTKT - XH không phải là chìa khóa vạn năng, bất biến, tất yếu cần được bổ sung, phát triển, cụ thể hóa. Trước tác động của CMCN 4.0 dẫn tới sự biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội không chỉ ở phạm vi từng quốc gia mà ở phạm vi toàn cầu, nó đặt ra và đòi hỏi nghiên cứu Học thuyết HTKT - XH cần có sự bổ sung, phát triển. Việc tìm ra bản chất và liên hệ tất yếu giữa CMCN 4.0 với Học thuyết HTKT - XH là cần thiết để chứng minh cho giá trị sức sống trường tồn của Học thuyết HTKT - XH. Điều đó đặt ra nhiều nhiệm vụ mới đòi hỏi công tác nghiên cứu triết học cần tiếp tục có những nghiên cứu, tìm tòi, khám phá./.

 



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 15.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 187.

Nhận xét