GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943

 Phạm Trung

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) là dịp để khẳng định giá trị lịch sử của văn kiện quan trọng này.

Một là, Đề cương về văn hóa Việt Nam khái quát về những nguyên tắc vận động văn hóa trong giai đoạn này. Ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa  học hóa” có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với định hướng phát triển cho văn hóa Việt Nam với tính cách là tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Trước những xu hướng phát triển của những trào lưu văn hóa xa rời mục tiêu cách mạng lúc đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã kịp thời định hướng, chấn chỉnh lại theo hướng dân tộc, đại chúng, khoa học để phục vụ trực tiếp cho cách mạng. Tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam đã định hướng cho giới văn nghệ sĩ không bàn về những chuyện xa vời, thuần túy cá nhân “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mà đi vào “nghệ thuật vị nhân sinh”, vào phục vụ cho nhiệm vụ đưa đất nước ta ra khỏi nô lệ. Nó là vũ khí phê phán những xu hướng trái ngược, phản động ở lĩnh vực văn hóa có sức mạnh nhất lúc bấy giờ.

Hai là, Đề cương về văn hóa Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam khẳng định: “Cách mạng văn hoá muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”[1]Luận điểm này khẳng định tính quy luật, tính nguyên tắc bảo đảm cho cách mạng văn hóa đi đúng hướng, phù hợp với quy luật phát triển. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã loại bỏ các lý thuyết văn hóa của các lực lượng phản động khác ra khỏi đời sống tinh thần xã hội, đặc biệt là những học thuyết có xu hướng xa rời sự lãnh đạo của Đảng.

Ba là, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa. Trong quan hệ này, cách mạng chính trị quyết định cách mạng văn hóa với nghĩa, cách mạng chính trị xác lập tính chất, mục đích, nội dung, cách thức tiến hành cách mạng văn hóa. Tuy nhiên, cách mạng văn hóa cũng được khẳng định là có vai trò to lớn đối với cách mạng chính trị. Đề cương văn hóa chỉ rõ: Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cải tạo xã hội; cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (Cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cách mạng triệt để mai sau).

Bốn là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là đã xác định mục tiêu của cách mạng văn hóa Việt Nam là xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đề cương khẳng định: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”.

Năm là, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã dự báo xu hướng phát triển của văn hóa Việt Nam. Đề cương chỉ ra hai xu hướng của văn hóa Việt Nam có thể xảy ra và khẳng định xu hướng phát triển “tân dân chủ” là hợp quy luật.

Ở phương diện giá trị lịch sử, Đề cương văn hóa Việt Nam đã phản  ánh đúng quy luật phát triển văn hóa của dân tộc ta phù hợp với tiến trình phát triển văn hóa nhân loại nói chung và đặc điểm của cách mạng Việt Nam nói riêng ở thời điểm cách đây 80 năm. Đề cương Văn hóa Việt Nam đã giải đáp, đã đáp ứng một cách kịp thời những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ và đưa cách mạng văn hóa phát triển, phát huy vai trò của nó đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.318.

Nhận xét