GIÁ TRỊ HIỆN THỰC CỦA ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943

Phạm Trung

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) là dịp để khẳng định giá trị hiện thực to lớn của văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị hiện thực của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 thể hiện trên một số nội dung cụ thể sau:

Một là, ba nguyên tắc vận động văn hóa Việt Nam định hướng cho phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Hiện nay, những phản giá trị từ những nền văn hóa nước ngoài đang xâm nhập vào, có nguy cơ làm mất tính dân tộc (bản sắc dân tộc) của văn hóa nước ta, thậm chí còn làm cho văn hóa nghệ thuật phai nhạt dần tính đại chúng, tính khoa học. Tình hình mới này làm cho những định hướng “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị.

Hai là, mục tiêu của phát triển văn hóa Việt Nam là văn hóa xã hội chủ nghĩa được xác định trong Đề cương về văn hóa Việt Nam cần tiếp tục được thực hiện trong tình hình mới. Mục tiêu đó hiện nay vẫn chưa thực hiện được một cách đầy đủ. Sự nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn đang tiếp tục, từng bước vươn tới thực hiện mục tiêu cuối cùng đó.

Ba là, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa được khẳng định trong bản đề cương vẫn giữ nguyên giá trị đối với xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, cách mạng văn hóa nói riêng cả trong lịch sử và hiện nay. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng nói chung và các mạng văn hóa nói riêng. Vì thế, Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn là cơ sở cho quan điểm khẳng định vai trò sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay.

Bốn là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở khoa học cho xác định mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị hiện nay. Các thế lực thù địch hiện nay vẫn tìm cách tách rời văn hóa với chính trị và lôi kéo giới văn nghệ sĩ, lôi kéo các chủ thể thưởng thức văn hóa nghệ thuật đi chệch hướng với định hướng chính trị. Nếu không giải quyết mối quan hệ này theo đúng tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam thì khó có thể khắc phục, đẩy lùi những chống phá của các thế lực thù địch trong diễn biến và tự diễn biến hiện nay.

Qua 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn là một cương lĩnh chỉ đạo tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay. Cần phải có sự cụ thể hóa, sự vận dụng sát hợp với tình hình, điều kiện mới. Nghiên cứu, khai thác, khẳng định giá trị hiện thực của Đề cương văn hóa Việt Nam có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhận xét