TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM: SỰ THẬT KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC

Hồng Hạc

Ngày 02/12/2022, trên trang Blog Đài Châu á tự do (RFA) phát tán bài: “Báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu nêu Việt Nam trong nhóm toàn trị không có dấu hiệu thay đổi”, ngày 03/12/2022, trên trang Blog BBC Tiếng Việt, tán phát bài: “Việt Nam thuộc nhóm các nước bị Hoa Kỳ giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo” có nội dung xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam; vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, đàn áp tôn giáo, phân biệt dân tộc; bôi nhọ, nói xấu đảng, nói xấu chế độ… Đây là những hành vi không mới của các thế lực thù địch, có tính nguy hại rất cao và cần được pháp luật nghiêm trị.

Thứ nhất, Việt Nam luôn thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Bên cạnh đó, chúng ta còn có Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích cũng như những hiểm họa từ mặt trái của internet và mạng xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển internet và mạng xã hội; đồng thời bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong đó phải kể đến Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư khóa XI, về “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ, về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-1-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018, đều quy định rõ những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... đều bị pháp luật xử lý.

Thứ hai, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Thực tế cũng cho thấy, chỉ tính trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng.  Năm 2003 cả nước có 06 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự…

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển…So sánh pháp luật của một số nước trong khu vực và thế giới cho thấy: Các hoạt động tôn giáo ở một số Quốc gia … khi tôn giáo tổ chức các hoạt động đông người tại cơ sở thờ tự, phải tự thuê bảo vệ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, kiểm nghiệm vệ an toàn thực phẩm. Nếu để xảy ra vi phạm, chính quyền sẽ căn cứ vào pháp luật và xử phạt tổ chức, cá nhân tôn giáo… nhưng ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo có đông đảo nhân dân tham gia, được chính quyền hỗ trợ với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn để nhân dân yên tâm thực hiện nghi lễ tôn giáo.

Những kết quả nêu trên trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã đáp ứng tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào có đạo. Để tiếp tục phát huy nguồn lực của tôn giáo, nghị quyết Đại hội Nghị quyết XIII của Đảng ta, tiếp tục khẳng định “phát huy những giá trị, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” để phát huy thế mạnh của các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề và công tác an sinh xã hội; nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật mà các tôn giáo hưởng ứng rất sớm các phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt “việc đạo, việc đời”.

Từ những dẫn chứng trên chúng ta có thể khẳng định rằng, những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc của Blog Đài Châu á tự do (RFA, Blog BBC Tiếng Việt là hết sức phi lý, với ý đồ mục đích xấu xa, chúng ta cần phê phán và cảnh giác cao độ với những luận điệu xuyên tạc của chúng./.


 

 

Nhận xét

Đăng nhận xét