PH.ĂNGGHEN ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC SAU KHI C.MÁC QUA ĐỜI (1883)
ĐH
Sau khi viết xong quyển I, bộ Tư bản thì C.Mác qua đời (1883), sự nghiệp còn lại Ph.Ăngghen đảm nhiệm. Trên thực tế, Ph.Ăngghen đã thực hiện di huấn của C.Mác viết và cho xuất bản quyển II, III bộ Tư bản và qua đó cũng là tiếp tục sự nghiệp đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái.
Với bộ Tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thể hiện tấm gương sáng ngời về hoàn thiện lý luận cách mạng khoa học và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái. Thành công vĩ đại nhất của tác phẩm bộ Tư bản là đã khái quát bản chất cấp cao nhất chủ nghĩa tư bản; chỉ ra, luận chứng quy luật hình thành, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản có sức thuyết phục. Sự ra đời của bộ Tư bản đã làm chấn động cả thế giới tư bản châu Âu, đặc biệt là sự run sợ của giai cấp tư sản. Trong đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đấu tranh, phê phán toàn bộ các quan điểm phản ánh sai lầm tiến trình phát triển của lịch sử (cả duy tâm, siêu hình) và những lý luận biện hộ cho sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Tính chất đấu tranh phê phán quan điểm sai trái trong tác phẩm không chỉ về mặt khoa học và cả về mặt chính trị. Đánh giá về bộ Tư bản, V.I.Lênin khẳng định: “Kết quả của lao động đó thì về phần Mác, là bộ “Tư bản”, một tác phẩm chính trị kinh tế học vĩ đại nhất của thế kỷ chúng ta”[1].
Trong tác phẩm “Lút vích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, tính chất đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái được Ph.Ăngghen trình bày một cách sinh động và rõ nét. Trong đó, nổi bật nhất là đấu tranh với những quan điểm triết học duy tâm, siêu hình của L.Phoiơbắc trong giải quyết vấn đề cơ bản của triết học; trình bày hoàn chỉnh những nguyên lý triết học mácxít; chỉ ra nguồn gốc triết học của thế giới quan vô sản; nhấn mạnh sự khác nhau về nguyên tắc giữa thế giới quan vô sản và các học thuyết triết học khác; phân tích tính lịch sử và hạn chế triết học G.V.Hêghen và triết học L.Phoiơbắc trong tiến trình phát triển triết học nhân loại. Trong khi đó, ở tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, Ph.Ăngghen đã thể hiện sâu sắc thế giới quan duy vật trong tiếp các hiện tượng xã hội từ góc độ kinh tế, đồng thời kế thừa những thành tựu của khoa học tự nhiên hiện đại trong phát triển thế giới quan duy vật. Ở đó, ông đã đấu tranh, phê phán quan điểm coi sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản là vĩnh hằng.
Tuy nhiên, tiêu biểu và mẫu mực trong đấu tranh trực tiếp, kiên quyết và triệt để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác phải kể đến tác phẩm “Chống Đuyrinh”. Thực tế là, Đuyrinh - giáo sư cơ học trường Đại học Béclin, nhà tư tưởng đại diện cho chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản phản động, đã công kích gay gắt chủ nghĩa Mác, cho rằng chủ nghĩa Mác là “cũ rích”, là “phi khoa học”, là “sự nhắc lại chủ nghĩa Hêghen và làm mới chủ nghĩa Phoiơbắc”; đồng thời, Đuyrinh còn ngạo mạn tự nhận mình là một “người cộng sản” và nhấn mạnh chỉ có ông ta mới là người trung thành với chủ nghĩa xã hội. Tệ hại hơn, Đuyrinh còn tuyên bố ầm ĩ rằng, chỉ có tin và đi theo con đường mà ông ta vạch ra thì phong trào công nhân mới “có hy vọng”, mới rũ bỏ được “cuộc đời đau khổ” của họ. Đặc biệt, từ đầu năm 1875, chủ nghĩa Đuyrinh được truyền bá trên quy mô rộng lớn và trở nên cực kỳ nguy hiểm. Sự kiện này đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho cách mạng vì nó đã trực tiếp góp phần làm “tiêm nhiễm những tư tưởng độc hại” vào Đảng Dân chủ xã hội Đức (thậm chí là một số đảng viên chủ chốt như: E.Bécstanh, A.Bêben,...) và phong trào công nhân. Trong khi đó C.Mác lại đang bận với Bộ Tư bản. Vì thế, Ph.Ăngghen đã dừng “một số công việc quan trọng”, trong đó có việc tạm ngừng viết tác phẩm nổi tiếng “Biện chứng của tự nhiên” để viết “Chống Đuyrinh”.
Theo Ph.Ăngghen, đối tượng cần đấu tranh lúc đó có nhiều, không chỉ là Đuyrinh và kẻ theo ông ta, mà còn là hàng loạt quan điểm khác như cách nói của Ph.Ăngghen “chúng mọc lên như nấm sau một trận mưa rào”. Để có thể thanh toán được tất cả, Ph.Ăngghen đã có một phương pháp hết sức khoa học là đánh gục Đuyrinh - kẻ sừng sỏ nhất, có ảnh hưởng lớn nhất thì sau đó những kẻ khác cũng tự tiêu diệt theo. Song, việc phê phán Đuyrinh là không đơn giản, bởi lý luận của ông ta khá đồ sộ, với một số lượng tác phẩm khá lớn. Và Đuyrinh đã tấn công chủ nghĩa Mác một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cơ bản từ triết học, kinh tế chính trị học đến chủ nghĩa xã hội khoa học. Do đó, Ph.Ăngghen đã phải bỏ ra nhiều thời gian, nhiều công sức nghiên cứu khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán cao cấp, phải lần theo từng bước chân của ông ta để phát hiện ra bản chất phản động, phản khoa học được che đậy, ngụy biện tinh vi, đồng thời phê phán từng luận điểm, từng bộ phận triết học, khoa học tự nhiên và lịch sử. Thông qua mỗi nội dung đấu tranh, phê phán Ph.Ăngghen còn đặt ra mục tiêu là phải khái quát, trình bày các quan điểm khoa học của mình. Vì vậy, bằng sự sáng tạo, linh hoạt của Ph.Ăngghen trong việc phê phán, đấu tranh với Đuyrinh mà chủ nghĩa Mác đã được trình bày có tính hệ thống trong một tác phẩm. Như ông đã chỉ rõ: “Thành thử..., cố gắng này nhằm trình bày một cách bách khoa quan điểm của chúng tôi về các vấn đề triết học, khoa học tự nhiên và lịch sử đã có tác dụng của nó”[2].
Với sự đấu tranh, phê phán Đuyrinh có hiệu quả, Ph.Ăngghen đã làm cho hệ thống lý luận của ông ta và tất các quan điểm khác không còn sức sống trong xã hội, góp phần bảo vệ chân lý khoa học và cách mạng của triết học Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác nói chung, xua đi “đám mây mờ” đang bao phủ phong trào công nhân Đức thời bấy giờ. Và thông qua đấu tranh, phê phán Đuyrinh đã nâng Ph.Ăngghen lên tầm cao mới về uy tín khoa học.
Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Các đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (của Pruđông, Latxan, Bacunin, v.v..) để thống nhất hàng ngũ quốc tế. Cùng với đó C.Mác và Ph.Ăngghen còn là người đỡ đầu của Đảng Dân chủ xã hội Đức, có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của Đảng. Những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp, Áo, Hunggari, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý, Nga, Rumani, Bungari, Hà Lan và nhiều nước khác đều nhận được sự giúp đỡ vô giá của C.Mác và Ph.Ăngghen.
Nhận xét
Đăng nhận xét