KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VÀ SỰ CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ MỤC TIÊU, LÝ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN TA

ĐH

Mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhân dân và quân đội ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thiết tưởng điều đó hiện nay không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, vẫn có một số người muốn quay lại cái điều lịch sử đã giải đáp từ lâu, họ hướng vào chủ nghĩa tư bản, bày tỏ các quan điểm, lệch lạc, sai trái, hoặc công khai, hoặc che giấu kín đáo. Người ta đưa ra những câu hỏi đại loại là, giá như dân tộc Việt Nam không tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường khác, con đường tư bản chủ nghĩa thì đất nước sẽ bớt đi mấy chục năm binh đao, khói lửa, kinh tế sẽ phát triển hơn(!). Họ nhìn vào các nước tư bản chủ nghĩa ở xa, ở gần và bảo chúng ta hãy học tập, hãy đi theo con đường của các nước ấy.

Vì vậy, trong khi giáo dục giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho quân đội thì phải đồng thời kiên quyết đấu tranh vạch rõ tính chất phản khoa học và phản động về chính trị của những quan điểm thù địch, sai trái. Đấu tranh chống những quan điểm thù địch, sai trái về mục tiêu và con đường phát triển của dân tộc là một nội dung quan trọng trong cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị tư tưởng, đồng thời còn là một yêu cầu cơ bản của việc giác ngộ mục tiêu, lý tưởng cho quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng của cán bộ, chiến sĩ còn được biểu hiện ở sức "đề kháng" trước sự tác động của các quan điểm thù địch, sai trái; ở trình độ và khả năng đấu tranh làm thất bại mọi sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực chính trị tư tưởng. Vì thế, vấn đề rất quan trọng ở đây là, phải chỉ rõ tính chất phản động về chính trị và phản khoa học của các quan điểm thù địch, sai trái, tạo cơ sở nhận thức và thái độ đúng đắn, có phương pháp đấu tranh hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho mọi quân nhân.

Cần phải vạch rõ các quan điểm thù địch, sai trái trên là sự coi thường, phủ nhận những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc ở thế kỷ XX. Trải qua suốt mấy chục năm "binh đao, khói lửa", nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên kỳ tích, khiến cả thế giới kính phục và gọi Việt Nam là "lương tri của thời đại". Bất kỳ người nào có cái nhìn khách quan, không có định kiến xấu về xã hội Việt Nam đều thấy rằng, lịch sử Việt Nam nhất thiết phải đi vào quỹ đạo cách mạng vô sản, độc lập dân tộc nhất thiết phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cần khẳng định rằng, kẻ gây ra mấy chục năm "binh đao, khói lửa" đối với dân tộc Việt Nam không ai khác chính là thực dân, đế quốc. Nhân dân ta với ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do" đã đứng lên chiến đấu chấp nhận gian khổ hy sinh để bảo vệ quyền được sống trong tự do và độc lập. Nhân dân Việt Nam đã đứng vào hàng tiên phong trong cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ XX.

Chủ nghĩa tư bản, ngay từ đầu thế kỷ XX và cho đến bây giờ, vẫn không phải là sự lựa chọn và là lời giải cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Cần nhớ rằng, trên đường đi tìm đường cứu nước, chính Bác Hồ nghiên cứu rất kỹ chủ nghĩa tư bản và cách mạng vô sản. Nhưng Người cho rằng, các cuộc cách mạng tư sản là cách mạng "không đến nơi". Chỉ có làm cách mạng vô sản nhân dân ta mới có thể được độc lập, tự do thực sự, được làm chủ cuộc sống của mình và ngày càng hạnh phúc.

Không thể cho rằng, chỉ cần độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, cho mọi người, còn lựa chọn con đường nào, chủ nghĩa nào không quan trọng. Thử hỏi, nhân dân ta được làm chủ vận mệnh của mình, được xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một đất nước độc lập, tự do như ngày hôm nay, có phải là kết quả hy sinh, phấn đấu và cả xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam đi theo ngọn cờ độc lập dân tộc và gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam?! Không có chủ nghĩa xã hội thì làm sao có được độc lập dân tộc thực sự và triệt để, làm sao nhân dân được hạnh phúc, vị thế đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế như hôm nay. Thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường và chiến thắng các đế quốc to, mà còn vì chúng ta gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng không thể mượn danh "đổi mới tư duy lý luận", "khắc phục bệnh giáo điều", cố tỏ ra vẻ vẫn trung thành với con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, để cho rằng đường lối phát triển đất nước hiện nay là duy ý chí, đầy mâu thuẫn, sẽ làm cho đất nước chậm phát triển, làm cho Việt Nam sẽ mãi mãi ở trong "vòng luẩn quẩn" bởi lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là sự lập luận một cách vô căn cứ, thực chất muốn xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Cần nhấn mạnh rằng, người Việt Nam yêu nước hiện nay phải đồng thời là người yêu chủ nghĩa xã hội, là người phấn đấu không biết mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phải có tình cảm yêu nước, yêu quê hương sâu sắc và một thái độ có văn hóa mới thấm thía hết giá trị những thành tựu của đất nước. Trang lịch sử này còn mới tinh khôi và đang tiếp diễn. Quay lưng với lịch sử, phủ nhận sự lựa chọn con đường đi của dân tộc, mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta là một thái độ vô trách nhiệm và cách xem xét thiếu căn cứ.

Nước ta còn nghèo, đời sống của nhân dân tuy có được cải thiện, nhưng còn nhiều khó khăn. Song, điều đó tuyệt nhiên không phải là lỗi ở sự lựa chọn con đường mà chúng ta đang đi, không phải là bản chất của chế độ mà chúng ta đang xây dựng như một số người cố tình gán ghép. Chiến tranh và sự đô hộ thực dân, đế quốc đã kéo lùi sự phát triển của đất nước này. Thái độ đúng đắn ở đây, không phải là kêu ca, phàn nàn, oán trách, đòi thay đổi con đường, mà là phải ghé vai vào cùng với Đảng, với nhân dân đẩy lùi nghèo, đói, chấn hưng đất nước. Chúng ta không phủ nhận những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình phát triển đi lên, nhưng những thành tựu có được ngày hôm nay là sự cố gắng to lớn, rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Có người muốn khuyên chúng ta rằng, Việt Nam nên đi theo chủ nghĩa tư bản, vì chủ nghĩa tư bản hiện đại là tiêu biểu nhất cho sự tiến bộ, văn minh của xã hội loài người (!). Thực ra, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản không phải như vậy. Nó vẫn là chế độ bóc lột, bất công và đầy mâu thuẫn. Trong điều kiện mới, cho dù chủ nghĩa tư bản hiện đại có những biến đổi và phát triển như thế nào, nhưng bản chất bóc lột, phản động của nó vẫn không thay đổi. Không những thế, sự bóc lột và bản chất phản động của nó đang được chủ nghĩa tư bản ra sức mở rộng đến các nước đang phát triển bằng các hình thức nô dịch kinh tế và chủ nghĩa cường quyền mới về chính trị, kinh tế và cả quân sự. Sự đói khổ của hàng tỷ người trên trái đất, những cảnh chết chóc, chia lìa bởi các cuộc chiến tranh do chúng gây ra ở nhiều nơi trên thế giới như là bản cáo trạng, vạch rõ bản chất bóc lột xấu xa và phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.

 

Ở đây cần phải làm rõ hơn bản chất chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Từ nửa cuối thế kỷ XX cho đến nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, tác động rất sâu sắc đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Dự báo thiên tài của C.Mác và Ph.Ăngghen rằng, khoa học sẽ là "lực lượng sản xuất trực tiếp" đã trở thành hiện thực. Những thành tựu to lớn của cách mạng này đã làm tăng lên một cách nhảy vọt của cải vật chất trên hành tinh, loài người đã trở nên văn minh hơn, cuộc sống của con người đã trở nên đầy đủ hơn.

Trong điều kiện đó, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã tận dụng những thành tựu khoa học - công nghệ để tiếp tục phát triển. Trong sự phát triển ấy, dường như người ta thấy ở các quốc gia tư bản phát triển, những ông chủ tư bản có vẻ như "hăng hái" hơn khi ra tay "từ thiện" trên quy mô quốc gia và quốc tế, có vẻ như họ "quan tâm" hơn đến lợi ích của những người lao động. Trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới bị sụp đổ, phong trào cách mạng thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, thì những sự "quan tâm" đó đã làm cho một số người ảo tưởng, lầm lẫn bản chất của chủ nghĩa tư bản. Những lý thuyết về con đường phát triển xã hội theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa, những quan điểm tán dương, ca tụng chủ nghĩa tư bản đã từng tồn tại mấy chục năm nay ở các nước tư bản phương Tây, Bắc Mỹ... lại được dịp phát triển ở nhiều nơi. Người ta cho rằng, chủ nghĩa tư bản hiện thời đã trở thành "chủ nghĩa tư bản nhân dân", nhà nước tư bản đã là "nhà nước phúc lợi chung"; rằng, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, nó không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê nữa; rằng, công nhân ở các nước tư bản không còn bị bóc lột nữa, địa vị của họ đã có sự thay đổi căn bản?!...

Các quan điểm kể trên chẳng có gì là mới, chỉ có điều là nó được che đậy một cách tinh vi dưới cái vỏ "khách quan", làm cho chúng ta không dễ dàng nhận diện được tính chất phản động về chính trị và phản khoa học của chúng. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là các quan điểm tưởng như đã cũ đó lại tìm được thị trường tiêu thụ ở những nơi ngoài xã hội tư bản. Điều đáng tiếc là trong chúng ta còn có một số ít người mơ hồ, lầm tưởng, đi đến vô tình hay cố ý tán dương những quan điểm đó.

Vì thế, việc nhận diện một cách chính xác chủ nghĩa tư bản hiện đại, cũng như địa vị của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản là những vấn đề bức thiết cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Điều đó không những có ý nghĩa đấu tranh chống các quan điểm sai lệch đó mà còn khẳng định tính đúng đắn, hợp quy luật của con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang đi, tính ưu việt của lý tưởng mà chúng ta đang phấn đấu.

Một điều rõ ràng rằng, vấn đề điều chỉnh, thích nghi với thời đại để tồn tại và phát triển là nhu cầu sống còn tất yếu của bất cứ cơ thể xã hội nào. Chủ nghĩa tư bản là một chế độ xã hội, là một nấc thang phát triển trong lịch sử nhân loại, có quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Điều chỉnh, thích nghi để tồn tại, bản thân điều đó không có gì là mới. Cái mới là ở nội dung cụ thể và hình thức biểu hiện sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản hiện thời. Trong lịch sử phát triển của mình, chủ nghĩa tư bản đã từng điều chỉnh và thích nghi, làm cho nó có những giai đoạn phát triển khác nhau: chủ nghĩa tư bản thời C.Mác không hoàn toàn giống như chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ XVII - XVIII, khi giai cấp tư sản đang giương cao ngọn cờ cách mạng tiêu diệt chế độ phong kiến; chủ nghĩa tư bản thời V.I.Lênin đã là chủ nghĩa tư bản độc quyền, khác với chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh ở thế kỷ XIX. Mỗi một bước điều chỉnh lớn thì diện mạo của chủ nghĩa tư bản lại có sự đổi thay, nhưng về bản chất thì nó vẫn là nó, như khi nó mới sinh, như thời C.Mác. Sự thích nghi của chủ nghĩa tư bản là do yêu cầu nội tại sống còn của chính nó, và để tồn tại, để kéo dài tuổi thọ hơn nữa, trong điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản còn tiếp tục điều chỉnh, thích nghi.

Trong khoảng gần bốn trăm năm, kể từ cuộc Cách mạng tư sản Anh (năm 1640) đến nay, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra lực lượng sản xuất hùng hậu hơn các thế kỷ trước cộng lại (điều mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng nhận định trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản") và càng được tăng lên nhanh chóng trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Chính những yếu tố đó là cơ sở vật chất giúp chủ nghĩa tư bản có thể tận dụng một cách triệt để và hữu hiệu những thành tựu khoa học - công nghệ mới để kéo dài tuổi thọ của mình.

Thế giới bước vào thế kỷ XXI đã trở nên văn minh hơn, các dân tộc, các giai cấp và các cá nhân ngày càng ý thức đầy đủ hơn về vai trò của mình trước lịch sử. Tình hình đó đã buộc giai cấp tư sản không thể sử dụng nguyên xi cách thống trị và bóc lột như cũ nữa. Những hình thức che đậy sự bóc lột ngày càng tinh vi hơn, tính chất của sự bóc lột, do đó, ngày càng xảo quyệt hơn. Sự điều chỉnh thích nghi của chủ nghĩa tư bản cũng chỉ là những cố gắng nhằm che lấp bản chất bóc lột xấu xa của nó mà thôi.

Trong những biện pháp điều chỉnh, thích nghi của chủ nghĩa tư bản thì vấn đề cổ phần hóa và người lao động trở thành cổ đông được người ta dẫn ra với tư cách như là cái gốc của sự biến đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản. Việc thực hiện cổ phần hóa ở các nước tư bản phát triển đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng khắp. Người dân hễ có tiền tích lũy là có thể mua cổ phiếu ở xí nghiệp, công ty cổ phần nào đó (ở Mỹ 10%, ở Anh 12% người lao động có cổ phần) với hy vọng thu lợi tức cổ phần và lãi vốn, đã tạo nên cái gọi là "hiệu ứng của cải", làm cho tình hình mua đi bán lại các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngày càng trở nên nhộn nhịp. Điều đó càng làm cho tư bản giả sẽ ngày càng tăng lên so với tư bản thực tế, và càng nói lên tính chất ăn bám của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Việc bán cổ phiếu cho công nhân không những không động đến quyền lợi của giới chủ, mà trái lại càng làm tăng thêm quyền lực kinh tế cho bọn tư bản. Một ông chủ tư bản không cần một số lực lượng tư bản lớn cũng có thể chi phối cả công ty, hoặc nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hết sức lớn. Bán cổ phiếu cho người lao động, dù diễn ra với quy mô thế nào đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ diễn ra trong chừng mực không tổn hại đến quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đến lợi ích của giới chủ. Khi đã có cổ phiếu, dù người công nhân có được những quyền lợi nhất định gắn với tình hình sản xuất của công ty và lợi tức do kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại (ở Nhật 2 năm 1 lần công nhân được chia lợi nhuận từ cổ phiếu), nhưng thực chất nguồn lợi nhuận ấy chẳng qua là một phần giá trị thặng dư do chính công nhân làm ra, chứ không phải bớt đi giá trị thặng dư mà giới chủ tư bản đã bỏ túi. Vậy là, người công nhân đã "thành nhà tư bản đối với chính mình".

Như vậy, công nhân hiện nay dù có cổ phiếu với giá trị cao hơn trước cũng chẳng vì thế mà thay đổi địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hội tư bản. Chế độ cổ phiếu thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chặt người lao động và bắt họ lệ thuộc hơn nữa vào giới chủ. Hy vọng thay đổi địa vị người lao động trở thành người chủ thật sự ở các nước tư bản chủ nghĩa, do đó chỉ là ảo tưởng, hoặc đó là hành động tự lừa dối mà thôi.

Mặc dù có những thay đổi và đạt được những thành tựu to lớn trong những thập kỷ gần đây, nhưng trong lòng thế giới tư bản hiện đại mâu thuẫn vốn có của nó không những vẫn còn tồn tại, mà có mặt còn sâu sắc hơn và lan ra phạm vi rộng hơn. Đại hội IX của Đảng nhận định: "Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu thế về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường, song không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có"1. Bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi, vẫn đúng với sự phát hiện của C.Mác trước đây. Tỷ suất giá trị thặng dư đã tăng hơn 300% vào năm 1990, gần 500% vào năm 19992. Đời sống của người lao động tuy có được cải thiện, nhưng đây là sự cải thiện do tiến bộ chung của xã hội, số người lao động bị hất ra hè phố, số người nghèo khổ vẫn ngày càng tăng. Hiện nay, ở Mỹ số người sống dưới mức nghèo khổ là 32 triệu, ở Tây Âu khoảng 44 triệu. Mâu thuẫn xã hội cơ bản giữa giai cấp những người vô sản và giai cấp những người hữu sản; giữa những người nghèo và những người giàu không chỉ còn trong phạm vi một quốc gia, nó đã phát triển ở tầm quốc tế, đó là mâu thuẫn giữa các nước nghèo và các nước giàu, mâu thuẫn Nam - Bắc, Đông - Tây. Năm 1911, tỷ lệ thu nhập trung bình ở các nước giàu nhất so với các nước nghèo nhất là 11/1, thì tới năm 1940 tỷ lệ đó là 60/1, đến năm 1997 là 74/1. Tài sản của 200 người giàu nhất thế giới tương đương với tổng thu nhập 2,6 tỷ người nghèo khổ trên trái đất. Tổng tài sản của 3 tỷ phú đứng đầu vượt tổng thu nhập của 600 triệu người ở các nước chậm phát triển nhất thế giới. Nhóm G7 chiếm 12% dân số thế giới, nhưng chiếm 62,6 tổng thu nhập thế giới1. Sự phát triển của các tập đoàn tư bản, các công ty tư bản xuyên quốc gia cùng sự bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân nhiều nước thuộc thế giới thứ ba; các cuộc chiến tranh đẫm máu chống các quốc gia độc lập có chủ quyền do chủ nghĩa đế quốc phát động... là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hơn 500 triệu người bị đe dọa chết đói; 1,6 tỷ người sống trong cảnh khốn cùng; 600 triệu người thất nghiệp; hơn 800 triệu người mù chữ... Tất cả điều đó đã nói lên tính chất ăn bám, bóc lột và phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.

Từ sự phân tích trên cho phép khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại dù có biến đổi, thích nghi thì về bản chất vẫn là chủ nghĩa tư bản, là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ở trình độ cao, chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia, chứ không hề có sự thay đổi về bản chất, nó vẫn là chế độ bóc lột, bất công và đầy mâu thuẫn. Điều đó hoàn toàn bác bỏ lý thuyết về cái gọi là "Chủ nghĩa tư bản nhân dân", "Chủ nghĩa tư bản xã hội". Những tính từ "nhân dân", "xã hội" được các học giả tư sản chưng ra như là sự hỏa mù nhằm che lấp bản chất xấu xa của xã hội tư bản. Dù có thể tận dụng những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại để phát triển, nhưng chủ nghĩa tư bản không thể thích nghi mãi được, dẫu nó đang cố gò lực lượng sản xuất hiện đại trong khuôn khổ chật hẹp của quan hệ sản xuất dựa trên cơ sở chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.

Theo luận điểm của V.I.Lênin: chủ nghĩa đế quốc là "phòng chờ" đi vào chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện mới, cùng với sự tác động của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại thì "phòng chờ" đó càng được mở rộng hơn, tất yếu sẽ diễn ra sự vùng dậy của lực lượng sản xuất làm nổ tung cái quan hệ sản xuất đang trói buộc nó. Những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, mà chủ nghĩa tư bản đang lợi dụng để kéo dài tuổi thọ của nó, đang dần vượt ra khỏi "sự kiểm soát của chính nó". Đương nhiên, sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản nhất thiết phải thông qua hành động cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Do thực hiện chế độ cổ phiếu, nên giới chủ không phải muốn làm gì cũng được mà không tính đến lực lượng cổ đông đông đảo, tuy giá trị cổ phiếu của họ là nhỏ bé.

Trong điều kiện đó, Đảng Cộng sản, công đoàn, các tổ chức đoàn thể của giai cấp công nhân được mở rộng và hoạt động ngày càng phong phú hơn, tạo áp lực đối với giới chủ ngày càng mạnh mẽ hơn. Ở các nước tư bản phát triển (trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thường xuyên bị các thế lực phản động công kích gay gắt), phong trào cộng sản và công nhân vẫn tiếp tục phát triển, kiên trì đường lối chiến lược, sách lược của các tầng lớp chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp lao động. Các Đảng Cộng sản Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Lúcxămbua... đã điều chỉnh chính sách đối nội, tập trung chống chính sách kinh tế theo chủ nghĩa cực đoan mới, chống đại tư bản độc quyền, vạch trần thủ đoạn bóc lột tinh vi của chủ nghĩa tư bản trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa kinh tế. Về đối ngoại, tuyệt đại đa số các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản phát triển luôn ưu tiên cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trong các quan hệ quốc tế, phản đối kiểu ngoại giao "dân chủ", "nhân quyền" mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt vào công việc nội bộ các nước. Năm 1999 tại Athen (Hy Lạp), 54 Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị tham dự Hội nghị quốc tế về chủ đề "Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và câu trả lời của phong trào công nhân" đã đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính ở khu vực châu Á, phân tích quá trình toàn cầu hóa, nêu rõ những mặt tiêu cực của quá trình này. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra cho cuộc đấu tranh của phong trào cộng sản, phong trào công nhân và cho các nước đang phát triển.

Hoạt động sôi nổi của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở các nước tư bản phát triển ngày càng gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa đế quốc đã nói lên rằng, giai cấp công nhân ngày càng được rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh chống giai cấp tư sản cả về chính trị và kinh tế trên quy mô quốc gia và quốc tế.

Luận điểm nổi tiếng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: "Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, mà nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những người vô sản"1 càng trở nên có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử mới. Chủ nghĩa tư bản đang điều chỉnh là đang làm cái việc rèn giũa vũ khí sẽ giết mình thêm sắc nhọn hơn và càng làm cho những người đào huyệt chôn nó - giai cấp công nhân - nhận thức rõ hơn về con đường, biện pháp loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi vũ đài lịch sử.

Phê phán, vạch rõ bản chất bóc lột phản động của chủ nghĩa tư bản, chúng ta càng có cơ sở nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, củng cố niềm tin, tình cảm, ý chí cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và của nghĩa xã hội mà họ đang kiên định và hy sinh phấn đấu.

Trong điều kiện mới, cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong toàn quân, coi đó là những nội dung cơ bản của việc bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đây là yêu cầu cơ bản thường xuyên, là nội dung có tầm quan trọng hàng đầu để tạo nên sự thống nhất vể chính trị - tinh thần, tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho mọi quân nhân.

Phải làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, nhất là âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội, chia rẽ quân đội với nhân dân của địch. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện "thờ ơ chính trị", "nhạt lý tưởng" ở một bộ phận quân nhân do sự tác động của tình hình, nhất là từ mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch.

 

 



1. Đảng Cng sn Vit Nam, Văn kin Đại hi đại biu toàn quc ln th IX, Nxb CTQG, 2001, tr. 13.

2. Tp chí Cng sn, s 7 (4-2001), tr. 26.

1. Tp chí Thông tin lý lun, s 1-2000, tr. 10.

1. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tp, tp 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 605.

Nhận xét