CẶP BÀI TRÙNG “XÃ HỘI DÂN SỰ” VÀ “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”

Cương Trực

Thời gian qua, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng nhằm tung hô, cường điệu, lý tưởng hóa “xã hội dân sự”, cổ xúy “tam quyền phân lập”, coi đây là “phương thuốc vạn năng” cho việc kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa tham nhũng và phát huy dân chủ khi thực thi quyền lực nhà nước. Thực tiễn đó đòi hỏi người tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng phải luôn nhận diện đúng bản chất để đấu tranh một cách thuyết phục với các luận cứ, luận chứng khoa học.

Luận điệu lợi dụng “xã hội dân sự” và “tam quyền phân lập” là vô cùng nguy hại, bởi chúng thực hiện hoạt động chống phá trực tiếp vào những vấn đề căn cơ của Đảng và Nhà nước ta. Các thế lực thù địch cũng có sự hiểu biết nhất định, thậm chí vô cùng xảo quyệt với hàng loạt chiêu trò “ngụy biện”, “cài cắm”, “đổi trắng, thay đen”, xuyên tạc, bôi nhọ để đạt được mục đích. Các luận điệu của chúng thường được bao bọc dưới những “lớp vỏ mới” vô cùng tinh vi, liên tục “thay hình, đổi dạng”, do vậy, nhất thiết phải được nhận diện tường tận, thấu tỏ về bản chất.

Với mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam mà mục tiêu xuyên suốt là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội chính trị đang hòng biến tướng vấn đề “xã hội dân sự”, coi việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” là “bàn đạp bước đầu” để tập hợp lực lượng, thành lập ra các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đối tượng còn công khai yêu cầu đòi tuyệt đối hóa tính “độc lập” của các tổ chức “xã hội dân sự”, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo thành ranh giới phân biệt giữa Nhà nước và “xã hội dân sự”. Trên cơ sở đó, chúng từng bước vận động các tổ chức “xã hội dân sự” chỉ hoạt động theo điều lệ, mục đích của hội, không cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, thậm chí sẵn sàng đứng lên, trở thành đối trọng độc lập với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Song song với ca tụng “xã hội dân sự” là các hoạt động cổ xúy cho “tam quyền phân lập”. Giữa “xã hội dân sự” và “tam quyền phân lập” có mối liên hệ rất chặt chẽ, bởi đó đều là những bước đi của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiến hành nhằm tạo “bước đệm” cho việc đòi thiết lập đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam.

“Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” Do vậy, không hà cớ gì nhân dân ta phải lập ra các tổ chức có tính đối lập với chính các tổ chức cũng của họ, do họ và vì họ mà ra đời. Điều đó là sự khác biệt về chất giữa xã hội Việt Nam với xã hội tư bản. Tất cả các quan điểm cho rằng “xã hội dân sự” có tính “độc lập” với Nhà nước và không mang bản chất giai cấp đều là ngụy biện và giả dối. “Xã hội dân sự” không chỉ bị chi phối bởi chính trị, mà còn luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. 

Bên cạnh đó, thực tiễn vận hành “tam quyền phân lập” cùng sự kiểm soát các nhánh quyền lực nhà nước ở đa số các quốc gia tư bản phát triển không thể đạt tới sự rành mạch tuyệt đối bởi quan hệ lợi ích đan cài trong liên minh chính trị cầm quyền. Như vậy, thực chất “tam quyền phân lập” ở các nước tư bản cũng chỉ là hình thức bên ngoài và không ở đâu có thể vận hành “tam quyền phân lập” một cách tuyệt đối như lý thuyết của Ch.Montesquieu. Như vậy, thay vì “bê nguyên xi” một sự phân quyền “mập mờ”, một sự “phân lập” hình thức như các nước tư bản thì cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam hiện nay đã khẳng định tính ưu việt trên thực tế. Vấn đề then chốt là chúng ta phải xây dựng hoàn thiện và thực hiện cơ chế đó một cách khách quan, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Tung hô, cổ xúy cho “tam quyền phân lập” chỉ là “lời rêu rao” của những kẻ thiển cận vì mục đích đen tối, không hề có giá trị tham khảo trong tiến trình phát triển đất nước.

“Xã hội dân sự” hay “Tam quyền phân lập” đều không phải là “chìa khóa vạn năng” cho mọi cánh cửa đi đến mục tiêu phát triển. Thực chất đây chỉ là “cặp bài trùng” trong luận điệu của các thế lực thù địch nhằm hướng tới đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luận điệu ca tụng “xã hội dân sự”, cổ xúy “tam quyền phân lập”, đòi “lắp ráp” vào khuôn mẫu của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn sai trái, phản khoa học, cần tiếp tục vạch trần, đấu tranh và loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội./.


 

Nhận xét