CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Văn Sơn

Thời gian gần đây, trên trang “Facebook: Đài Á Châu tự do RFA” có bài viết “Báo nhà nước được tập huấn nhân quyền để bảo vệ đường lối của đảng”. Trong đó rêu rao rằng: “ở Việt Nam thì báo chí chỉ được phép nói một chiều”, “ở Việt Nam báo chí được xem như là công cụ của nhà cầm quyền, các cơ quan báo chí phải chịu sự kiểm soát của cơ quan tuyên giáo nên họ mất đi tính sáng tạo, phản biện vốn có”. Đây là những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về hoạt động báo chí ở Việt Nam.

Luật Báo chí ở Việt Nam quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; quyền tự do báo chí của công dân; trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Cụ thể, Điều 4 Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016 quy định chức năng của báo chí là: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

Trong 6 nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, nhiệm vụ và quyền hạn thứ ba quy định: Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Tại Điều 10 quyền tự do báo chí của công dân xác định: Sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in.

Đặc biệt, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Thực tế hoạt động báo chí ở Việt Nam được tổ chức và thực hiện đúng Luật Báo chí.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, truyền thông số, nền báo chí - truyền thông nước ta đã có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Các cơ quan báo chí vừa đổi mới toàn diện để bắt kịp các xu hướng của báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu của độc giả; hầu hết các cơ quan báo chí, người làm báo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đúng Luật Báo chí. Các hoạt động báo chí được cung cấp, tiếp cận thông tin đa chiều, lấy tin từ nhiều nguồn. Trong sáng tác các tác phẩm báo chí các số liệu, nhân vật, ngôn từ, giọng điệu và các chi tiết đều được nhà báo “quản trị”, không ai ngăn cấm hoặc bắt buộc “báo chí chỉ được phép đưa tin một chiều”. Đảng và Nhà nước, Luật Báo chí của Việt Nam cũng không có quy định nào yêu cầu các cơ quan báo chí phải chịu sự kiểm soát của cơ quan tuyên giáo.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu khẳng định: “Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện các sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”. Trong báo cáo tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, đã đánh giá: “Báo chí đã chủ động, kịp thời thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; … việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm”.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, có bài viết đề cập những vấn đề quan trọng của công tác báo chí, đã nhấn mạnh: “bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;… Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn”.

Như vậy, những nội dung mà “Facebook: Đài Á Châu tự do RFA” đưa ra là hoàn toàn bịa đặt vô căn cứ, nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật, hạ thấp uy tín, tính ưu việt của hoạt động báo chí ở Việt Nam./. 

Nhận xét