Tính phi lịch sử trong quan điểm “quân đội phi giai cấp”

                                                                                                                                        HL

Quân đội ra đời gắn với sự xuất hiện của nhà nước. Bản chất giai cấp, mục tiêu chiến đấu và chức năng, nhiệm vụ của quân đội phụ thuộc bản chất giai cấp, mục đích chính trị của nhà nước; không có quân đội phi giai cấp, đứng ngoài chính trị. Ở các nước tư bản thực hiện chế độ đa đảng, quân đội thuộc cơ cấu nhà nước, trung lập với các đảng phái. Đây là một cơ sở cho người ta đề xuất quan niệm “trung lập hóa” quân đội ta. 

Đúng là quân đội ở các nước này trung lập với các đảng phái ở một mức độ nào đó, trong các cuộc xung đột giữa các đảng phái của giai cấp thống trị. Nói ở mức độ nào đó, bởi cũng không tránh khỏi việc quân đội đứng về một phía có thế lực mạnh hơn chống lại thế lực yếu thế hơn. Về cơ bản và nhất quán thì quân đội ở các nước đó vẫn là quân đội của giai cấp thống trị, dù chính quyền nhà nước được các đảng phái thay nhau nắm giữ. Do đó, dù là “chủ nghĩa tư bản đã văn minh hóa, không còn là chủ nghĩa tư bản dã man ngày xưa”, dù là với chế độ đa nguyên, đa đảng thì cơ sở xã hội của các nhà nước tư sản cũng chỉ có một giai cấp đang thống trị đất nước; quân đội chỉ mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị cầm quyền.

Ở nước ta, trong cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các lực lượng vũ trang quần chúng cách mạng ra đời, phát triển từ thấp lên cao. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nêu phương châm hoạt động cho đội “dựa vào dân, kết hợp quân sự và chính trị, nhưng chính trị trọng hơn quân sự, vận dụng lối đánh du kích nhanh chóng, bí mật, bất ngờ. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lúc đầu tuy còn nhỏ, nhưng là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Sau Cách mạng tháng Tám, các tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt được tổ chức lại thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với tên gọi lúc đầu là Giải phóng quân, rồi Vệ quốc quân và tiếp sau là Quân đội nhân dân như hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng lập và lãnh đạo quân đội từ những tổ chức tiền thân của nó cho đến ngày nay, trải qua bao thác ghềnh của cách mạng, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đang vững vàng thực hiện chức năng, nhiệm vụ xây dưng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở của tính tất yếu Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là bản chất giai cấp công nhân, thể hiện ở việc xây dựng và mọi hoạt động chiến đấu, công tác trên cơ sở giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ lý tưởng cách mạng, ý chí chiến đấu đến đường lối và khoa học, nghệ thuật quân sự đều thấm nhuần thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận của hệ tư tưởng của giai cấp công nhân.                             

Như vậy, từ những vấn đề trên, không thể phủ nhận tính giai cấp của quân đội và cũng không thể phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta. Phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là một hành vi “phi lịch sử”. Quan niệm “phi chính trị hóa”, “trung lập hóa” quân đội không có căn cứ thực tế và khoa học, thực ra chỉ phục vụ cho mưu đồ chính trị đối lập với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch.  

 

Nhận xét