TIẾP TỤC BÀN VỀ KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN Ở HOA KỲ

Cương Trực

Kiểm soát súng đạn - vấn đề tiếp tục nóng lên và nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Mỹ sau khi đất nước này vừa chứng kiến vụ xả súng ngày 24/5/2022, tại thành phố Uvalde, bang Texas làm 19 học sinh và 2 giáo viên trường tiểu học Robb thiệt mạng. Theo Hãng tin Reuters, vụ xả súng một lần nữa đánh thức cuộc tranh luận chưa bao giờ kết thúc về kiểm soát súng đạn ở Mỹ, dù bạo lực do súng đã khiến người dân ngán ngẩm. 

Theo một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ là quốc gia có nhiều người dân sở hữu vũ khí nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Báo cáo của FBI cho thấy, các vụ xả súng có chủ đích tại nước này năm vừa qua là 61 vụ, cướp đi sinh mạng của 103 người và khiến 140 người bị thương, không tính đối tượng nổ súng.

Trước khi vào Nhà Trắng, ông J.Biden cam kết thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, kiểm soát súng đạn vẫn là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có quan điểm trái ngược nhau. Trước đây, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua 2 dự luật về siết chặt kiểm soát súng đạn, trong đó bổ sung kiểm tra lý lịch và chấm dứt việc bán súng trường, thường được sử dụng trong các vụ giết người hàng loạt. Song, hai dự luật đã không được thông qua ở Thượng viện vì các văn bản này cần ít nhất 60 phiếu ủng hộ để được thông qua trong khi đảng Dân chủ chỉ có 50 phiếu. Những nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm thay đổi chính sách về kiểm soát súng đạn ở Mỹ không chỉ liên tục gặp phải rào cản từ đảng Cộng hòa mà còn từ các nhóm vận động hành lang. Trên thực tế, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nước Mỹ mỗi năm.

Đại diện cho Hiệp hội Súng trường Hoa Kỳ (NRA) phát biểu trước báo giới: những vụ thảm sát không phải là lỗi của tổ chức này mà trách nhiệm thuộc về lực lượng thực thi pháp luật địa phương và sự thiếu hành động của các nhà chính trị. Thậm chí, để bảo vệ quyền lợi của các tài phiệt vũ khí, chủ tịch Hiệp hội Súng trường Hoa Kỳ Wayne Lapierre còn lấp liếm: “Đối với những người phản đối sở hữu súng, súng đạn không phải là vấn đề an toàn mà là vấn đề chính trị. Họ chỉ quan tâm đến việc kiểm soát súng. Mục tiêu của họ là loại bỏ quyền sở hữu súng, loại bỏ quyền tự do cá nhân”.

Sự bất lực của chính quyền Hoa Kỳ trước việc kiểm soát súng đạn là điều mà không ai có thể phủ nhận được. Vấn đề được chỉ ra ở đây không phải là người dân Hoa Kỳ không muốn kiểm soát súng đạn, không phải chính phủ Hoa Kỳ không muốn chấm dứt các vụ xả súng mà bản chất là không thể thực hiện được. Chính quyền của các Tổng thống là kết quả ủng hộ của các trùm tài phiệt trong đó có tài phiệt vũ khí nên tất nhiên không thể ban bố các chính sách đi ngược lợi ích của các tổ chức này. Do đó, kể từ năm 2012, vấn đề kiểm soát súng đạn đã được đặt ra ở Hoa Kỳ, song cho đến nay vẫn chưa có bất cứ dự luật nào chính thức ra đời.

Như vậy, có thể khẳng định, sự bất lực trong kiểm soát súng đạn tại Hoa Kỳ hiện nay xuất phát từ trong lòng xã hội - nơi được ca tụng là thiên đường của tự do và nhân quyền. Chỉ khi nào chính phủ không còn chịu sự chi phối từ các tài phiệt vũ khí thì súng đạn mới được kiểm soát thực sự, và khi đó, các xụ xả súng sẽ chấm dứt trên đất nước Hoa Kỳ. Đây là sự thật không thể chối cãi!

Nhận xét