Thủ đoạn xảo quyệt của chủ nghĩa dân túy

HP

Chủ nghĩa dân túy mới (neo-populism), với những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân của một số giới chính trị tác động vào quan điểm, tâm lý của đám đông người dân (cử tri) để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng, giúp nhiều nhà dân túy giành được quyền lực, tạo ra những thay đổi lớn về tương quan lực lượng có lợi cho mình trên chính trường và làm thay đổi chính sách.

Với tính cách là phong trào chính trị, phong trào dân túy thường nhấn mạnh đến đặc điểm văn hóa, tình cảm tự phát và nhất là lợi ích thường nhật, trước mắt của người dân. Các thủ đoạn hoạt động của phong trào dân túy thường được diễn ra:

Thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp, tìm hiểu và “lắng nghe”, “chia sẻ” ý kiến, nguyện vọng của số đông trong một nhóm dân cư bị thiệt thòi nhất định, hoặc các cuộc họp của dân chúng, trưng cầu dân ý hay các hình thức dân chủ trực tiếp, trong khi lại ít hoặc không cần quan tâm đến nguyện vọng, lợi ích chung của toàn xã hội; tập trung chú ý vào các quyền và lợi ích nhiều hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhóm dân cư này.

Thông qua hoạt động nghị trường ở các cơ quan dân cử với các tranh luận nghị sự, các sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cuộc mít-tinh, biểu tình,...

Thông qua cá nhân các nhà dân túy - những người được “hâm mộ” với những phong cách chính trị có khả năng tạo “hình ảnh lớn” và “ấn tượng mạnh”, có các hình thức và thủ thuật “hùng biện chính trị” khi nêu chiến lược hay sách lược “đấu tranh” mang tính chất mị dân, nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng để đạt được mục đích của họ.

Cho đến nay, các phong trào được coi là chủ nghĩa dân túy, như F. Phu-ku-y-a-ma xác định, còn có thể được khu biệt thành hai nhóm lớn: Một là, chủ nghĩa dân túy Cánh hữu (phổ biến ở khu vực Bắc Âu, bảo vệ các nhà nước phúc lợi nhưng không mở rộng dịch vụ, trợ cấp xã hội, dựa vào tầng lớp trung lưu, nhấn mạnh yếu tố sắc tộc và chống người nhập cư; những người thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Mỹ Đ. Trăm;...); Hai là- Chủ nghĩa dân túy Cánh tả (phổ biến ở khu vực Mỹ La-tinh và Nam Âu, được sự ủng hộ của người nghèo và hướng theo các chương trình xã hội tái phân phối lợi ích, khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế; không nhấn mạnh vấn đề sắc tộc hoặc nhập cư)(4). Tuy nhiên, trong thực tế, thật khó phân định những người dân túy cánh tả hay cánh hữu một cách rõ ràng, bởi chủ nghĩa dân túy giống như một cách thức tìm kiếm quyền lực hơn là một lý tưởng chính trị. Những người dân túy thường có nét chung là có sức thu hút cá nhân, có tài hùng biện và thuyết phục số đông, nhất là những lúc người dân phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái về kinh tế hay bất ổn về an ninh. Ngoài ra, lại có những nhóm, phong trào dân túy không thực sự thuộc nhóm nào trong hai nhóm nêu trên. Chẳng hạn, Phong trào Năm Sao ở I-ta-li-a, trong khi chống lại các thiết chế đã định hình và phản đối tầng lớp tinh hoa I-ta-li-a, nhưng khác với những người dân túy ở cả Nam Âu và Bắc Âu, khi nó dựa chủ yếu vào giai cấp trung lưu lớp giữa và lớp trên ở đô thị hơn là đặt nền tảng trên giai cấp lao động đang suy thoái./.

 

 

Nhận xét