LUẬN ĐIỆU “NẮN DÒNG” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 HH

Qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là cố gắng to lớn, rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn và thách thức sau Đại dịch Covid-19 và do ảnh hưởng bởi lạm phát ở nhiều nước trên thế giới; cuộc sống của đồng bào ta ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn nhiều khó khăn; vẫn còn biểu hiện tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền với nhân dân, gây bất bình trong nhân dân... Đảng và Nhà nước ta không những không phủ nhận những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình đó mà còn nhận thức rõ vấn đề và kiên quyết sửa chữa, đấu tranh khắc phục.

Tuy nhiên, để bôi nhọ và hạ thấp thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, các thế lực thù địch đã cố tình đổi trắng, thay đen, xuyên tạc, bóp méo bản chất, tính chất và thành tựu to lớn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, nhất là những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Không dừng ở đó, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng, khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm ở một vài nơi trong thực hiện chủ trương, chính sách và thực thi pháp luật, nhất là lợi dụng việc Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch, trong xã hội đã xuất hiện thêm những luận điệu nhằm “nắn dòng” dư luận để thổi phồng khuyết điểm của những kẻ suy thoái, biến chất, đã “phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”; “nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Chúng bôi nhọ, hạ thấp và phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của công cuộc đổi mới. Chúng rêu rao và đổ lỗi cho sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi thay đổi con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; từ đó, đòi thay đổi thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; tìm mọi cách cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước...

Phòng, chống và ngăn ngừa những biểu hiện hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng…thực sự là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong. Để chủ động phòng, chống vấn đề này mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức về mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời, cảnh giác, nhận diện, đấu tranh với những quan điểm sai trái thù địch, luôn kiên định lý tưởng cộng sản, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn./.

 

Nhận xét