PHÊ PHÁN SỰ BỊA ĐẶT CỦA NHỮNG KẺ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ CỐ TÌNH BÔI NHỌ, HẠ BỆ HÌNH TƯỢNG “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

 Hồng Hạc

Thật đáng lên án và bất bình trước sự bịa đặt trắng trợn của những kẻ cơ hội chính trị, hiềm khích, cố tình bôi nhọ, hạ bệ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tìm mọi cách quy chụp, bóp méo sự thật, cho rằng bộ đội thời bình đang là lực lượng “vô công rồi nghề”, với “bộ máy cồng kềnh, gây hao tốn ngân sách quốc gia, kéo chậm sự phát triển đất nước”, nhưng lại “được thụ hưởng cuộc sống sung túc, đủ đầy”. Với cách tiếp cận trực diện, tôi sẽ phản ánh bức tranh chân thực về cuộc sống và đặc thù hoạt động, cùng những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thời gian qua. Đây cũng là cơ sở bóc trần những mưu đồ xuyên tạc, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, hòng phá hoại quân đội, chống phá cách mạng Việt Nam.

Do đặc thù hoạt động quân sự, có những mất mát, hy sinh mà cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam chỉ âm thầm chịu đựng, chấp nhận thiệt thòi về mình để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể vì nhiều lý do, những hy sinh bình dị mà cao quý ấy vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trên các phương tiện truyền thông, nên chưa được nhiều người biết đến.

Khi nghe kể về những câu chuyện ấy, nhiều người đã thốt lên: Người lính quả có sức mạnh ý chí “thép”? Nói như vậy cũng đúng, nhưng đầy đủ hơn là bởi họ có bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” - giá trị phẩm chất được tôi rèn trong thực tiễn và ngấm vào máu của từng quân nhân. Có người lại hỏi: “Bộ đội Cụ Hồ” có gì khác với người thường mà sức chịu đựng của họ mạnh mẽ đến vậy? -Chẳng có gì lạ cả! Bộ đội cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng là những người có cảm xúc. Ai mất đi người thân mà không đớn đau, hụt hẫng; ai chẳng muốn được lần cuối nhìn mặt người thân, vấn lên trán chiếc khăn tang để bày tỏ niềm kính trọng, biết ơn đấng sinh thành... Thế nhưng, tại sao người lính lại có sức chịu đựng bền bỉ và tinh thần vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ? - Bởi vì họ đã được trui rèn, đã quen đón nhận những hy sinh thầm lặng.

Sự thật là vậy, nhưng người lính Cụ Hồ luôn biết cách đón nhận thực tế đó bằng đức hy sinh, bao dung và cố lấp đầy những khoảng trống tinh thần bằng sự yêu thương hết thảy đối với người thân và cho nhân dân. Có một khoảng lặng khác mà “Bộ đội Cụ Hồ” phải đối diện chính là muôn vàn khó khăn do điều kiện sống, công tác, điều kiện thời tiết và sự thiếu thốn vật chất đủ bề.

Nếu như đến với các tuyến biên giới, giữa ngút ngàn mây núi, ở mỗi điểm chốt chỉ có vài ba anh em bộ đội bám vào nhau mà sống và thực hiện nhiệm vụ. Các anh phải ngủ lán trại, nằm phản gỗ kê trực tiếp trên nền đất lạnh, ăn cơm với rau rừng và những loại thực phẩm lâu lâu mới được tiếp tế. Thế nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, vẫn duy trì đều đặn nền nếp chính quy, canh tực, SSCĐ ở mức cao nhất. Cũng vì cái khó, cái khổ mà ước mơ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây rất đỗi bình dị. Có người lính biên phòng kể rằng, mỗi lần có lực lượng tiếp tế từ dưới xuôi lên, thứ mà các anh mong đợi nhất chính là những cục pin sạc dự phòng hay những phong thư.

Vậy đấy, nếu chúng ta là những người lính kia, liệu có làm được những điều như họ đã và đang làm không. Bạn thử so sánh những chiếc phản gỗ khô ráp giữa rừng với chăn ga gối đệm trong những căn phòng sang trọng có máy lạnh, điều hòa và các phương tiện sinh hoạt tiện nghi, hiện đại. Bạn thử mường tượng bản thân mình đang đứng giữa biên cương thăm thẳm như các chiến sĩ biên phòng, hay giữa biển nước mênh mông ở nhà giàn DK, những điểm đảo giữa trùng khơi Trường Sa, hay trên những con tàu tuần tra, trực chiến bị quăng quật bởi sóng to, gió lớn... Bạn sẽ chịu đựng được bao lâu? Có thật sự can trường, can đảm để tiếp tục những công việc muôn vàn gian lao, vất vả, nhưng không thể điểm mặt, ghi tên tạo nên danh vọng?

Vì thế, trước khi nhận xét về nhiệm vụ, cuộc sống của những người lính thì cần phải đặt mình vào vị trí của những người lính kia, để xem mình có thể làm được những điều như họ đã và đang làm hay không. Còn đối với những kẻ dã tâm chống phá cách mạng, cố tình bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thì cần phải đấu tranh, vạch trần mưu đồ, thủ đoạn của chúng; lên án thói ngông cuồng, nhận thức lệch lạc, chủ quan của một số “anh hùng bàn phím”. Những con người này vốn chỉ biết ngồi trong phòng lạnh huênh hoang, khoác lác trên mạng, còn trên thực tế thì có lẽ cái chốt của bộ đội nằm ở đâu trên tuyến biên giới thì họ cũng không hề biết và không dám đặt chân tới, chứ đừng nói đến việc có thể đến đó để thực hiện nhiệm vụ./.


 

Nhận xét