NGUYÊN TẮC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG

Phạm Trung

Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo, tín ngưỡng. Nguyên tắc chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng ta là luận cứ chắc chắn để chống lại sự xuyên tạc ấy. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Đảng ta yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương quan tâm, động viên, huy động đồng bào các tôn giáo thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”, vừa hăng hái tham gia sự nghiệp đổi mới, làm tròn nghĩa vụ công dân, vừa làm tốt việc đạo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Để thực hiện tốt quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới cần phải xác định rõ nguyên tắc chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng. Căn cứ vào Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 02-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-01-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; quan điểm Đại hội XIII của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo, Đảng ta đã xác định một số nguyên tắc chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng.

(1) Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Mọi người đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phân biệt người theo đạo và không theo đạo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau.

(2) Đoàn kết, gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(3) Những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm, “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”[1].

(4) Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; “chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[2]. Lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào tôn giáo[3].

(5) Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc; gìn giữ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

(6) Mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự xã hội, phương hại nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại Nhà nước, gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc, ngăn cản tín đồ, chức sắc tôn giáo thực hiện nghĩa vụ công dân, đều bị xử lý theo pháp luật. Hoạt động mê tín phải bị phê phán và loại bỏ[4].

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt và chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc nêu trên trong thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng. Nguyên tắc chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng là cơ sở để xây dựng giải pháp linh hoạt và mềm dẻo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo. Đồng thời, là luận cứ khoa học để đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch muốn xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng ta về tôn giáo, tín ngưỡng.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171.

[2] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.141.

[3] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-01-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Công tác tôn giáo trong tình hình mới.

[4] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị sổ 37-CT/TWngày 2-7-1998 của Bộ Chính trị về Công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Nhận xét