CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU “VÌ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN, VIỆT NAM PHẢI THỰC HIỆN ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP”

 Gió biển

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị thường rêu rao luận điệu: Vì phát triển kinh tế nhiều thành phần, Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng lập luận một cách máy móc, thậm chí xuyên tạc tư tưởng của các nhà kinh điển mácxít về quan hệ giữa kinh tế với chính trị để biện hộ cho ý đồ thâm độc, cho âm mưu đen tối của họ. Cơ sở lý luận và thực tiễn chỉ ra tính chất phản động của luận điệu trên như sau:

Thứ nhất, những ai nghiên cứu lý luận Mác - Lênin một cách cơ bản, hệ thống đều không xa lạ với quan điểm của các nhà kinh điển mácxít về quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, giữa kinh tế với chính trị. Quan hệ biện chứng ấy một mặt, khẳng định tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, kinh tế suy cho cùng quyết định chính trị; mặt khác, ý thức xã hội, ý thức chính trị cũng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại tồn tại xã hội, tác động đến kinh tế.

Thứ hai, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, do đó về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, đạo đức... còn mang những dấu vết của xã hội cũ. Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu (kể cả sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất), nhiều thành phần kinh tế (kể cả kinh tế có vốn đầu tư từ các nước tư bản chủ nghĩa), nhiều hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối, nhưng thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo là kinh tế nhà nước và quan hệ sản xuất giữ vị trí thống trị là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chính vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò thống trị của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là cơ sở kinh tế quyết định tính chất của kiến trúc thượng tầng, quyết định bản chất của Nhà nước, quyết định tính chất của tư tưởng chính trị, chứ không phải là các thành phần kinh tế hay các quan hệ sản xuất khác. Do đó, luận điệu cho rằng cứ phát triển kinh tế nhiều thành phần tất yếu về chính trị phải thực hiện đa nguyên, đa đảng là không có cơ sở. 

Thứ ba, nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay là sản phẩm hoạt động tự giác, là kết quả của quá trình đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn sử dụng nhiều thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau:  kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là việc làm hoàn toàn tự giác, chứ không phải tự phát; hoàn toàn nằm trong đường lối, chủ trương, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta chủ động lãnh đạo, quản lý nền kinh tế nhiều thành phần phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, chứ không phải để cho nền kinh tế ấy phát triển một cách tự phát theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Thứ tư, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ đã tách lý luận khỏi thực tiễn; không coi thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức; không dựa vào thực tiễn để đánh giá sự đúng, sai của lý luận. Họ cho rằng, đã phát triển kinh tế nhiều thành phần tất yếu phải thực hiện đa nguyên, đa đảng mà không chú ý đến thực tế ở Việt Nam, đến lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân, dân tộc Việt Nam, nhất là thời cận đại. Chúng đã cố tình lờ đi một thực tế là chưa có một lực lượng xã hội nào, một đảng chính trị nào có thể giúp nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi mọi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới là sự kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Nhận xét