TÔN GIÁO VÀ CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG TA HIỆN NAY

 Hồng Hạc

Nước Việt Nam có truyền thống văn hoá lâu đời và là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo; mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hoá và xã hội. 

Từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phù hợp với yêu cầu đời sống tâm linh, tôn giáo của công dân, công ước và luật pháp quốc tế về quyền con người. Nhờ đó, cộng đồng tôn giáo ở nước ta không ngừng được củng cố, phát triển trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đông đảo đồng bào các tôn giáo trong cả nước luôn nêu cao tinh thần yêu nước, tăng cường đoàn kết, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp chung của cách mạng nước nhà. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào tôn giáo đã đóng góp nhiều công sức và xương máu. Rất nhiều tín đồ, chức sắc các tôn giáo đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý; họ là những tấm gương sáng cho muôn đời sau. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đồng bào tôn giáo lại tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”, thể hiện tấm lòng từ bi bác ái ủng hộ, giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ em bị nhiễm chất độc mầu da cam, những gia đình khó khăn...; các phong trào xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, xây dựng “cơ sở tôn giáo văn hoá”, “Xứ họ đạo tiên tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu” ..., của các giáo hội đã thể hiện sâu sắc tấm lòng từ bi bác ái, tinh thần đoàn kết, tương trợ “thương người như thể thương thân”, sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào tôn giáo nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là những bằng chứng sống động, hiện thực nhất về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Đảng ta nêu rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam là “Quan hệ giữa Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế về vấn đề có liên quan đến tôn giáo phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên và thông lệ quốc tế”. Nhà nước Việt Nam tôn trọng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, giúp họ yên tâm làm việc, học tập, hợp tác, đầu tư tại Việt Nam; coi đây là việc làm thiết thực, thể hiện chính sách tôn giáo đúng đắn và góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, theo tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Những kết quả quan trọng trong quan hệ quốc tế của sáu tôn giáo lớn của Việt Nam (gồm Đạo Phật, Công giáo, Đạo Hồi, Đạo Tin lành, Đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo) đã góp phần tích cực để các tôn giáo Việt Nam duy trì quan hệ, giao lưu với các tổ chức tôn giáo các nước, khu vực và thế giới; đồng thời, góp phần lãm rõ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất, tinh thần của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng.Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số quan hệ quốc tế của các tôn giáo đã bị các thế lực thiếu thiện chí luôn tìm cách chống phá công cuộc đổi mới của Việt Nam lợi dụng; một số người vẫn dựa trên những thông tin sai lệch, phản ánh không đúng sự thật về tình hình tôn giáo cũng như chính sách tôn giáo ở Việt Nam và thông qua các tổ chức quốc tế gây áp lực với Chính phủ, Quốc hội Việt Nam nhằm ngăn cản sự phát triển quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước. Một số cá nhân ở trong nước núp dưới chiêu bài “tự do tôn giáo” để thực hiện những tham vọng cá nhân, phá hoại sự ổn định xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số cá nhân và tổ chức ở bên ngoài lợi dụng họ vì những mục tiêu riêng, chống phá Nhà nước và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Nhưng sự minh bạch và cởi mở về chủ trương, chính sách tôn giáo của Nhà nước và bức tranh hiện thực về tình hình tôn giáo ở Việt Nam đã thuyết phục và ngày càng được đông đảo cá nhân, tổ chức quốc tế thừa nhận, ủng hộ. Đó là sự thật không thể chối bỏ, không thể xuyên tạc được và không một thế lực nào có thể lợi dụng tôn giáo ở Việt Nam để cản trở công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam./.


 

Nhận xét