TẾT NGUYÊN ĐÁN – TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI CỦA DÂN TỘC

 Cương Trực

Trong thời gian gần đây, cứ mỗi dịp cuối năm thì lại xuất hiện ý kiến đề nghị gộp Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch. Có người xem Tết cổ truyền với bộn bề nỗi lo và đồng tình nên bỏ ngày Tết. Thậm chí có người xem việc bỏ ngày Tết như là một phát kiến to lớn để thay đổi sự phát triển kinh tế đất nước, khoác lên ý tưởng đó tấm áo hoà nhập mạnh mẽ với thế giới.

Việt Nam ta là quốc gia sử dụng đồng thời hai lịch âm dương và bao năm nay, hầu như không gây ra một sự phiền toái nào. Song song với dương lịch, thì âm lịch vẫn giữ một vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Âm lịch gắn liền với tri thức và kinh nghiệm sản xuất của cha ông ta bao đời nay. Việc thay đổi ngày âm lịch hay dương lịch chỉ là hình thức nhưng nội dung bên trong còn ảnh hưởng nhiều đến việc người nông dân xem xét thời tiết. “Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ”… đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Và cái gì tốt thì nên giữ lấy.

Nhìn vào quốc gia trên thế giới, có nhiều bài viết trình bày việc người Hàn Quốc từng có “cuộc chiến” 100 năm để giành lại Tết truyền thống. Sau khi bị người Nhật thống trị, lịch âm bị xóa bỏ, Tết âm lịch Hàn Quốc bị gắn với cái tên lỗi thời và việc ăn mừng dịp Tết âm lịch thời đó là điều cấm kỵ. Trong bức thư được đăng trên nhật báo Dong-A Ilbo ngày 14/2/1924, một nhà văn Hàn Quốc đã phẫn uất vì không thể có một cái Tết Nguyên đán “theo đúng nghĩa” và mô tả 10 ngày Tết ăn theo lịch dương như thể là “ngày Tết của ai đó, chứ không phải của dân tộc mình”. Sau khi độc lập, người Hàn Quốc khôi phục lịch âm và đấu tranh giành lại ngày lễ cổ truyền, đến năm 1989, ngày Tết âm lịch được coi là ngày lễ chính thức của Hàn Quốc, với cái tên Seollal. Bên cạnh đó, người Mỹ có lễ Tạ Ơn chỉ khoảng một tháng trước Giáng Sinh nhưng họ vẫn giàu mạnh. Người phương Tây có cả kỳ nghỉ Đông mà họ vẫn phát triển kinh tế.

Ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết Nguyên đán Việt Nam đó là ngày đoàn viên. Người dân sắp xếp lại mọi công việc, quay trở về với gia đình và hưởng thụ những ngày nghỉ an yên bên người thân. Nhìn vào điều đó cũng đã đủ cho thấy Tết quan trọng đến nhường nào. Cả một năm làm việc vất vả, xa gia đình, ngày Tết là ngày quần tụ để con người chia sẻ, động viên, quan tâm lẫn nhau trước những vui buồn. Tết còn là truyền thống trong đời sống tâm linh, thể hiện đạo hiếu của con cháu với các bậc tiền nhân. Nhìn về góc độ kinh tế, Tết không làm giảm đi năng suất lao động mà còn là dịp kích cầu và tạo nguồn thu từ lĩnh vực dịch vụ. Giá trị và ý nghĩa làm cho Tết cổ truyền bao đời nay vẫn được lưu giữ chứ không phải đến từ ý chí, nguyện vọng của một hoặc một vài cá nhân, tổ chức nào đó.

Do vậy, thay vì có tư duy gộp Tết, bỏ Tết, chúng ta nên suy nghĩ nên làm gì ý nghĩa trong ngày Tết. Bỏ Tết Nguyên đán, không chỉ là bỏ đi văn hoá cổ truyền, mà còn bỏ đi những giá trị to lớn trong hiện tại từ tình thân, từ tình người. Tết không chỉ là truyền thống mà còn là văn hóa Việt Nam trong một thế giới hội nhập. Đó là những giá trị bản sắc, mang tính hồn cốt của dân tộc ta.

Nhận xét