PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRƯỚC SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA GIÁ XĂNG DẦU TRONG NƯỚC

Phạm Trung

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít giá xăng dầu bán lẻ trong nước với xăng E5 RON 92 là 22.550 đồng; RON 95 là 23.290 đồng; Dầu hoả là 16.510 đồng; Dầu diesel là 17.570 đồng...

Ở kỳ điều hành này, nhà chức trách không chi sử dụng Quỹ bình ổn với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 sẽ được trích 100 đồng vào Quỹ bình ổn; xăng RON 95 là 550 đồng. Các mặt hàng dầu cũng trích vào quỹ 200-552 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Lợi dụng giá xăng dầu tăng, các đối tượng tán phát nhiều bài viết. Điển hình: Ngày 11/02/2022, trên trang facebook cá nhân, đối tượng Phạm Minh Vũ tán phát bài “Chính phủ Việt Nam hãy thôi ăn cướp”; ngày 13/02/2022, trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Nguyễn Tiến Tường tán phát bài “Vì sao giá xăng tăng?”; ngày 15/02/2022, trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Khánh Hòa tán phát bài “Vì sao cần bãi bỏ việc thu phí bình ổn giá xăng dầu?”... nội dung vu cáo Chính phủ “cướp một cách trắng trợn thông qua thuế và phí để đẩy giá xăng dầu lên cao”; bôi nhọ, nói xấu nên kinh tế thị trường định. hướng xã hội chủ nghĩa; đưa ra yêu cầu “minh bạch thuế, phí do người dân đóng” và “bỏ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và quỹ bình ổn giá”.

Đối với các luận điệu xuyên tạc trên của các đối tượng, lực lượng phản động chống phá, ta phải tuyên truyền đến người dân về các nguyên nhân dẫn đến việc các bộ ngành điều chỉnh giá xăng dầu, vấn đề này chúng ta cần phải nhìn nhận một cách khách quan từ nhiều phương diện trong nước và quốc tế. Và quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đó là đảm bảo ổn định nhu cầu đời sống của nhân dân. Về nguyên nhân tăng giá xăng dầu ta có thể nhìn nhận qua một số nguyên nhân sau:

Trên thế giới giá dầu thô đã tăng trên 60% trong hơn một năm qua, đạt mức 94 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác đã không tăng sản lượng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021 -2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.

Không chỉ có riêng Việt Nam, tại châu Âu, từ mấy tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục hàng tuần. Giữa tháng 10 năm 2021, giá nhiên liệu tại châu Âu đã lên tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Tuy vậy kỷ lục này đã bị phá vỡ và không thể so với giá xăng dầu tại thời điểm hiện nay. Ngày 8/2/2022 giá dầu diezel đã lên mức kỷ lục. Tại Bỉ, một lít dầu diezel là 1,78 euro, xăng 95 là 1,66 euro. Tại Anh, giá xăng dầu đã tăng đến mức kỷ lục, 1 lít dầu diezel là 151 xu Anh, 1 lít xăng là 147 xu Anh.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã tăng lên mức cao, vượt xa mọi dự đoán trước đó, nguy cơ tăng cao thêm nữa nếu chiến tranh bùng phát trên biên giới Ukraine, hoặc Mỹ cấm vận ngăn cản Nga bán dầu thô. Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh giảm giá lại càng xa vời.

Vì vậy giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn.

Mặt khác, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Đặc biệt đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Vì vậy sẽ không có chuyện “Nhà nước ăn cướp” của dân như những luận điệu của các đối tượng phản động đang ngày đêm chia sẻ.

Đối với kinh tế nước ta, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế./.

Nhận xét