MỘT NGUYÊN NHÂN TRỰC TIẾP LÀM CHO NGỤY QUYỀN SỤP ĐỔ?

 Cương Trực

Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu, chính khách nước ngoài đã chỉ đích danh bản chất tay sai, bù nhìn của cái gọi là “chế độ Việt Nam cộng hòa”. Ngay bản thân những người trong chính “bộ máy trung tâm” ngụy quyền cũng công nhận điều đó. Năm 2005, trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, ông Nguyễn Cao Kỳ - từng làm thủ tướng, phó tổng thống ngụy quyền đã nói: “Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm “kép nhất”. Vì vậy, ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê".

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Hưng - từng là “phụ tá tổng thống về tái thiết, tổng trưởng kế hoạch, điều phối kinh tế” trong mấy năm cuối cùng của “chế độ Việt Nam cộng hòa” đã công bố nhiều tư liệu, số liệu và đánh giá rất cụ thể. Vấn đề “tại sao sụp đổ” được phân tích bằng khá nhiều nguyên nhân “trên 75% ngân sách quốc phòng (trả lương cho quân đội) là do viện trợ Mỹ. Rồi toàn bộ quân trang, quân dụng, từ khẩu súng, viên đạn, lít xăng tới xe tăng, đại bác, máy bay, cái gì cũng có nhãn hiệu MDAP (Military Defense Assitance Program - chương trình viện trợ quân sự) của Mỹ. Về mặt kinh tế, khi chiến tranh leo thang, sản xuất trong nước không phát triển, lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân phải dựa vào đô-la của Mỹ để nhập cảng. Những sản phẩm cho nhu cầu từ ăn, ở, mặc tới vận chuyển, một tỷ lệ rất quan trọng được đáp ứng từ “viện trợ Mỹ”... Đó là chưa nói tới các nhu cầu khác như y tế, giáo dục, giải trí... Như vậy, về vật chất, sự lệ thuộc hầu như là toàn diện. Tình trạng này lại còn dẫn tới sự lệ thuộc về tinh thần và tâm lý. Nếu Mỹ còn giúp, thì các nhà lãnh đạo và dân, quân miền nam còn chịu đựng, chiến đấu. Nếu có dấu hiệu họ bắt đầu bỏ, thì tinh thần bắt đầu sa sút. Tới lúc bỏ thật là sụp đổ”. Và bản chất ký sinh, sống bám vào viện trợ nước ngoài của chế độ này đã được tóm lược cụ thể qua một văn bản ông từng tiếp cận: “Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ đô-la thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn vùng chiến thuật; Nếu là 1,1 tỷ đô-la thì quân khu 1 phải bỏ; Nếu là 900 triệu đô-la thì khó lòng giữ được quân khu 1 và 2, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt; Nếu là 750 triệu đô-la thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và khó điều đình được với Bắc Việt; Nếu quân viện dưới 600 triệu đô-la thì chính phủ “Việt Nam cộng hòa”  chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long”.

Trên nhiều phương tiện thông tin chúng ta đều biết một sự kiện đặc biệt, lột tả hết bản chất của “Việt Nam cộng hòa”. Ngày 25-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu gửi tới Tổng thống Mỹ G.Ford để van nài G. Ford thi hành “hai biện pháp cần thiết”: Một là, ra lệnh cho phi cơ B.52 can thiệp trong một thời gian ngắn song mãnh liệt xuống những nơi tập trung quân và căn cứ hậu cần của ta trong lãnh thổ miền nam; Hai là, cung ứng khẩn cấp cho Thiệu những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tấn công. Ngày 14-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã làm một việc nhục nhã hơn là tiếp tục gửi công điện tới G. Ford để cầu xin. Với công điện này, Nguyễn Văn Thiệu trực tiếp bộc lộ bản chất bán nước, hại dân bằng việc đem tài sản đất nước ra thế chấp nhằm được vay tiền: “Tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài kêu gọi Quốc hội cho “Việt Nam cộng hòa” vay dài hạn 3 tỷ đô-la, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hỏa và canh nông của “Việt Nam cộng hòa” sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này”.

Với bản chất như vậy, “chế độ “Việt Nam cộng hòa” khó mà tồn tại. Chính nghĩa không nằm trong tay của kẻ lệ thuộc và chỉ biết ngửa tay đi xin. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho cái gọi là “chế độ Việt Nam cộng hòa” sụp đổ.

Nhận xét