ĐA NGUYÊN KHÔNG PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM

 Cương Trực

Gần đây, trên mạng xã hội lại rộ lên quan điểm cổ súy cho đa nguyên chính trị, coi đó là phương thuốc “thần tiên” cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, đa nguyên chính trị có thể đúng và phù hợp với quốc gia - dân tộc này nhưng cũng có thể không đúng và không phù hợp với quốc gia - dân tộc khác. Hơn nữa, trong một quốc gia - dân tộc hiện đang có đa nguyên chính trị thì có khi trong quá khứ và trong tương lai chưa chắc đã có hoặc phải cần đến đa nguyên chính trị. Trong  quá trình vận động, phát triển phong phú của thế giới, mỗi một quốc gia, dân tộc đều có hoàn cảnh và điều kiện riêng tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, mỗi một quốc gia, dân tộc đều có quyền lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển phù hợp. Không có mô hình nào có thể rập khuôn cho tất cả các quốc gia. Đa nguyên có thể đem lại thành công cho một số quốc gia nhưng không phải mọi quốc gia đa nguyên đều phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam cũng đã có thời kỳ đa đảng chính trị, và thậm chí là đa đảng đối lập những năm 1945-1946. Do đó, có người cho rằng, ở Việt Nam trong lịch sử chưa bao giờ có đa đảng là không đúng. Thực tế là, những năm 1945 -1946, bên cạnh Đảng Cộng sản Đông Dương, còn có Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách) vốn lưu vong ở Nam Trung Quốc, lúc này theo chân quân đội Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) vào giải giáp quân đội Nhật Bản đang đóng ở Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra theo sự phân công quốc tế. Ngay cả bản thân Đảng Xã hội cũng như Đảng Dân chủ cũng được lập ra do sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946. Đã có Chính phủ liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm nhiều lực lượng chính trị khác nhau được lập ra ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tuy nhiên, lịch sử đã lựa chọn, sau đó xã hội Việt Nam không cần đa đảng chính trị, khi các đảng chính trị đối lập (Việt Quốc, Việt Cách) vốn là tay sai của chính quyền Tưởng Giới Thạch theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch trở về Trung Quốc năm 1946. Còn hai Đảng Xã hội và Dân chủ với điều kiện hoạt động và hoàn cảnh của mình đã tự giải tán vào năm 1988. Việc lập Chính phủ liên hiệp trong một xã hội Việt Nam với nhiều đảng phái diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt lúc đó để tập hợp lực lượng rộng rãi, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng chế độ mới trong những buổi đầu của thể chế chính trị mới. Hiện nay, toàn xã hội Việt Nam là một khối thống nhất. Các thế lực thù địch muốn dựng lên các tổ chức chính trị nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng chứ không phải từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân ta.

Do vậy, cần thấy rõ ở Việt Nam hiện nay, việc thiết lập đa nguyên là không cần thiết. Đa nguyên ở một số quốc gia cho thấy sự thiếu thống nhất về tư tưởng, khó có thể làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Và Việt Nam tất yếu không bao giờ chọn đa nguyên như các thế lực thù địch luôn mong muốn.

Nhận xét