DỰ ĐOÁN THIÊN TÀI CỦA PH.ĂNGGHEN TRONG TÁC PHẨM “BIỆN CHỨNG CỦA TỰ NHIÊN”

 Phạm Trung

Trong hệ thống các trước tác kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” của Ph.Ăngghen là một tác phẩm triết học lớn. Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã để lại cho nhân loại những dự đoán thiên tài, góp phần khẳng định vai trò “công cụ nhận thức vĩ đại” của triết học Mác - Lênin.

Một là, Ph.Ăngghen tiên đoán chính xác nguyên tử không phải là những hạt vật chất nhỏ bé nhất. Thời Ph.Ăngghen, người ta cho nguyên tử là phần tử nhỏ nhất cuối cùng của vật chất, không thể phân chia được nữa. Nhưng với tư duy biện chứng sâu sắc, năm 1885, Ph.Ăngghen khẳng định: “Nhưng các nguyên tử thì tuyệt nhiên không phải giản đơn hoặc nói chung không phải là những hạt vật chất nhỏ nhất mà ta biết”[1]Mười hai năm sau, luận điểm này đã được chứng minh khi Tômxơn (năm 1897) phát hiện ra điện tử.  mãi sau này, V.I.Lênin mới khẳng định: Điện tử cũng vô cùng như nguyên tử, tự nhiên là vô tận.

Hai là, Ph.Ăngghen dự đoán thiên tài về sự liên hệ, chuyển hóa của các hình thức vận động cơ bản, giữa các khoa học, sự phân ngành ngày càng dẫn đến sự thống nhất, toàn vẹn của các khoa học . Khi phân tích sự chuyển hóa của các dạng vận động và phân loại các khoa học, Ph.Ăngghen đã chỉ ra những khâu nối (khâu trung gian) giữa các vận động, giữa các khoa học, ở điểm tiếp xúc giữa các khoa học, đó chính là nơi người ta phải chờ đợi những thành quả to lớn nhất. Hiện nay, với sự xuất hiện những bộ môn mới như hóa lý, sinh hóa, v.v., đặc biệt là điều khiển học, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu to lớn đã chứng minh tính đúng đắn cho luận điểm của Ph.Ăngghen. Về sự phát triển của khoa học, ông tiên đoán rằng bản thân khoa học càng phân nghành nhỏ bao nhiêu thì nó sẽ càng trở nên một thể thống nhất toàn vẹn bấy nhiêu, và đó là đặc điểm quan trọng của khoa học tự nhiên hiện đại.

Ba là, Ph.Ăngghen tiên đoán chính xác mối liên hệ giữa toán học với nhu cầu thực tiễn của con người. Toán học là một môn khoa học được mệnh danh là “trừu tượng của trừu tượng”. Do vậy, thời của Ph.Ăngghen và hiện nay chủ nghĩa duy tâm trong toán học vẫn có điều kiện để tồn tại khi lý giải về nguồn gốc của các trừu tượng toán học. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăngghen cho rằng, ngay toán học, một môn khoa học được coi là trừu tượng nhất cũng không phải do lý tính tự do sáng tạo ra; mà nó xuất hiện do nhu cầu của con người: “Họ quên rằng toàn bộ cái mà người ta gọi là toán học thuần túy đều nghiên cứu những điều trìu tượng, rằng tất cả những đại lượng của họ, nói một cách, chặt chẽ, đều là những đại lượng tưởng tượng và tất cả những sự trìu tượng đẩy đến cực độ đều biến thành những điều vô lý, thành những cái đối lập”[2].

Những dự đoán thiên tài của Ph.Ăngghen góp phần đập tan quan điểm duy vật siêu hình về nguồn gốc của vật chất, các hình thức vận động của vật chất, mối liên hệ giữa các khoa học và chủ nghĩa duy tâm trong toán học. Những dự đoán thiên tài này góp phần củng cố bản chất triệt để khoa học, cách mạng của triết học Mác - Lênin - hạt nhân thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và sự đổi mới đất nước hiện nay.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, “Biện chứng của tự nhiên”, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2002, tr.772.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, “Biện chứng của tự nhiên”, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2002, tr.773.


Nhận xét