Chuyển đến nội dung chính

Bài 3: An dân, gắn kết nghĩa tình các dân tộc (Tiếp theo và hết)

QĐND-Những năm qua, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Tây Nguyên đã có bước phát triển. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn những khó khăn, bất cập. Vì vậy, tăng cường công tác dân vận (CTDV), chăm lo an dân, gắn kết nghĩa tình các DTTS trên địa bàn Tây Nguyên là nội dung cốt lõi để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Bài 2: Để đồng bào “sáng cái đầu, ưng cái bụng”

 Bài 1: Những "cán bộ trên cây" và bài học "dân là gốc"

Để an dân, yên dân

Thực tế cho thấy, những năm qua, CTDV ở vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, có 118 chương trình, chính sách đang được triển khai thực hiện ở vùng DTTS và miền núi. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của CTDV ở vùng đồng bào DTTS được nâng cao, hoạt động dân vận hướng mạnh về cơ sở, đạt hiệu quả thiết thực.

Nhiều cách làm sáng tạo được triển khai tích cực, đồng bộ theo phân cấp và “đơm hoa, kết trái” từ thực tiễn sinh động. Trong đó, mô hình gắn kết hộ giữa cán bộ với đồng bào DTTS, giữa quân nhân với hộ đồng bào DTTS...; kết nghĩa giữa các cơ quan, ban, ngành, LLVT, tổ chức chính trị-xã hội với các buôn, làng, địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, hoặc vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh... đã khẳng định tính hiệu quả và mang đậm giá trị nhân văn cao cả. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS được đầu tư từng bước đồng bộ; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực (hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%); y tế, văn hóa, giáo dục ở vùng DTTS ngày càng phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, nâng cao...

Bài 3: An dân, gắn kết nghĩa tình các dân tộc (Tiếp theo và hết)
Cán bộ Công ty 74, Binh đoàn 15 hướng dẫn bà con địa phương trồng lúa trên đất cao su tái canh. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Quang Hồi/qdnd.vn

Đến vùng đất Tây Nguyên, chúng tôi được nghe người dân kể nhiều về những tháng ngày đói khổ và sự đổi thay đến ngỡ ngàng của làng Hek, thuộc xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai). Làng Hek trong kháng chiến là căn cứ cách mạng. Trước kia làng có hơn 100 hộ với hơn 400 khẩu, trong đó có tới 60% hộ nghèo. Vì đời sống quá khó khăn nên năm 1990, có 12 hộ dân với gần 60 khẩu tự ý di dời lên núi Cheng Leng (thuộc địa phận xã HBông, huyện Chư Sê) định cư với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám, trẻ em không được đến trường... Sau khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là công tác dân vận được triển khai bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, những chính sách thiết thực đi vào thực tiễn đã giúp cuộc sống dân làng đổi thay. Năm 2020, làng Hek được công nhận là làng đạt chuẩn nông thôn mới. Có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng bào các DTTS càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước...

Nếu như ở Gia Lai nhiều thôn, buôn có sự đổi đời nhờ CTDV thì ở Kon Tum, CTDV góp phần quan trọng vào việc giải quyết những điểm “nóng” cũng như tuyên truyền vận động đồng bào DTTS chấp hành nghiêm pháp luật. Tiêu biểu về CTDV phải kể tới ông A Nam. Ông A Nam (dân tộc Xơ Đăng) là người có uy tín ở xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông). Chính ông đã kiên trì cùng chính quyền tuyên truyền, vận động giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng”. Ông quan niệm: “Được dân làng tín nhiệm bầu chọn và ủng hộ thì mình phải gương mẫu, gắng sức làm cho tốt. Muốn vậy, phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của bà con để tham mưu với chính quyền giải quyết có lý, có tình. Buôn làng no ấm thì bà con ta mới vững tin xây dựng cuộc sống mới!”.

Tương tự, câu chuyện về già làng A Nher (dân tộc Ba Na), ở làng Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà khiến nhiều người phục tài của ông về kinh nghiệm vận động con cháu, dòng họ chấp hành nghiêm pháp luật, hương ước, không tham gia các tà đạo, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Thành công của làng Hek (Gia Lai), làng Mút (Kon Tum) và nhiều buôn làng trên vùng Tây Nguyên cho thấy nhiều bài học thực tiễn cần được nhân rộng. Để triển khai và thực hiện tốt CTDV ở vùng đồng bào DTTS phải xuất phát từ thực tiễn tình hình địa phương, qua đó từng bước giúp người dân tìm lại giá trị của cuộc sống cộng đồng, nương tựa vào nhau, giúp nhau vươn lên. Muốn vậy, chính quyền phân công cụ thể từng tổ chức, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ người dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Quan điểm: Gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào DTTS chính là bài học quý báu đang được các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên vận dụng một cách hiệu quả, thiết thực.

Đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, nhiều công ty, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế-quốc phòng... mạnh dạn mở rộng sản xuất, thu hút lao động người DTTS tại chỗ và xây dựng khu dân cư trên nhiều địa bàn trọng điểm. Tiêu biểu như Binh đoàn 15 thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động là người DTTS, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động, chăm lo hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nhằm tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn. Quân khu 5 đẩy mạnh thực hiện mô hình: “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”; chỉ đạo 100% đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu các buôn, làng, xã, huyện thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 tích cực, chủ động tổ chức tốt CTDV, giúp dân phòng chóng lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Bộ CHQS và Bội độ Biên phòng các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông đẩy mạnh giúp dân toàn diện, hướng trọng tâm đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng căn cứ cách mạng.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản

Tây Nguyên, vùng đất đa văn hóa, có nhiều dân tộc anh em sinh sống ở 7.800 thôn buôn, bản làng, tổ dân phố, trong đó có hơn 3.000 già làng. Đây là những người có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng, luôn phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng “trận địa lòng dân” vững chắc...

Lên phố núi Buôn Mê Thuột, bên ché rượu cần, tôi được đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc-người có nhiều năm gắn bó với địa phương, cơ sở kể cho nghe về những đóng góp to lớn của những già làng. Họ thực sự là “trụ cột”, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Họ luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Từ chia sẻ của đồng chí Nguyễn Cảnh, chúng tôi về xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar (tỉnh Đắc Lắc) và được nghe nhiều câu chuyện về các già làng, người có uy tín tích cực tuyên truyền vận động đồng bào nêu cao cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường trong buôn vừa được bà con đóng góp kinh phí lắp điện thắp sáng, ông Y Ven Kriêng, Trưởng buôn Aring, phấn khởi khoe: “Các già làng, người có uy tín ở địa phương phát huy tốt vai trò tự quản ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh-trật tự và thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, góp phần để năm 2017, xã Cuôr Dăng được UBND tỉnh Đắc Lắc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Trao đổi với già làng Y Bhiu Mlô ở thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang (Krông Búk, Đắc Lắc) chúng tôi được biết, từ năm 2009 đến nay, già làng đã tổ chức tuyên truyền vạch rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch cho hơn 8.242 lượt người dân; vận động 74 người từ bỏ tà đạo, yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều mà già làng Y Bhiu Mlô tâm đắc và nỗ lực phấn đấu chính là sự tin tưởng, tôn vinh của cộng đồng, để khi già làng nói-dân làng nghe, già làng hô-dân làng hưởng ứng, già làng làm-dân làng làm theo.    

Rời Đắc Lắc, xe chạy vun vút trên con đường trải nhựa uốn lượn như dải lụa lên vùng biên giới xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai). Ngắm nhìn những cánh rừng cà phê, cao su xanh mướt, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay trên cao nguyên đỏ. Đến nơi, chúng tôi được nhiều người ca ngợi tấm gương già làng Ksor H’Blâm với niềm tự hào bởi bà chính là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, giữa luật tục với luật pháp. Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, già Ksor H’Blâm trở về làng Krông, bằng những kinh nghiệm tích lũy được từ những năm tháng làm cách mạng, bà đã giúp cho cuộc sống của đồng bào DTTS từng bước thay đổi. Năm 1998, bà trở thành nữ già làng đầu tiên của Tây Nguyên và ở vùng biên giới heo hút này. Gánh trên vai trách nhiệm cao cả, bà H’Blâm hăng say lao động sản xuất để làm gương cho dân làng. Không chỉ thuyết phục người dân bằng những việc làm của mình, chỉ cho họ cách trồng lúa, trồng cây công nghiệp sao cho hiệu quả, bà còn tạo điều kiện, giúp các gia đình khó khăn bằng cách cho mượn bò về nuôi, đến khi bò sinh sản, bà lấy lại bò mẹ và tiếp tục cho người khác mượn để gây dựng con giống... Cứ như vậy, nhiều gia đình đã thoát được đói, nghèo”.

Chúng tôi được biết, già làng Rơ Châm Tích (73 tuổi) ở làng Mook Đen 1, xã Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai) là một trong số hàng nghìn già làng ở Tây Nguyên đang ngày đêm miệt mài tuyên truyền giáo dục, vận động đồng bào các DTTS, dòng tộc, gia đình thực hiện hiệu quả phong trào tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới...

Ở thôn Kep Ram, xã Hòa Bình (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), già làng A Nguyh được bà con xem như “người cha tinh thần”. Ông là “trọng tài” trong giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn gia đình; tuyên truyền, vận động 100% hộ dân không tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy, súng tự chế; không tham gia các tệ nạn xã hội; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Mọi thanh niên trong thôn đều được già làng động viên đăng ký khám nghĩa vụ quân sự và khi trúng tuyển thì vui vẻ lên đường nhập ngũ.  

Thực tiễn ở Tây Nguyên đã chứng minh, già làng được coi như trụ cột của cộng đồng và cũng là trụ cột trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Để phát huy vai trò, trách nhiệm, bên cạnh thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; khả năng tuyên truyền vận động quần chúng cho các già làng, thì các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách và hỗ trợ các già làng phát triển kinh tế gia đình để họ yên tâm cống hiến cho cộng đồng. Với vai trò là những người đi “truyền lửa”, các già làng đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của đồng bào DTTS về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, cũng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn trọng điểm, chiến lược Tây Nguyên.

Khép lại loạt bài viết, chúng tôi cảm nhận rất rõ về sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, LLVT, đoàn thể các địa phương nơi đây đã thực sự gắn bó máu thịt với đồng bào, tích cực xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Tin chắc rằng, đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, một lòng một dạ vững tin theo Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

PHAN TIẾN DŨNG


Nhận xét