Chuyển đến nội dung chính

Bài 2: Để đồng bào “sáng cái đầu, ưng cái bụng”

Xây dựng “thế trận lòng dân” trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chính là khơi dậy, quy tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận và ý chí quyết tâm cao của các dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu mạnh. Muốn vậy cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chủ trương, giải pháp giúp đồng bào DTTS “sáng cái đầu, ưng cái bụng”...

 Bài 1: Những "cán bộ trên cây" và bài học "dân là gốc"

Để dân hiểu, dân tin

Công tác tuyên truyền miệng được coi là hình thức quan trọng trong giáo dục, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cách tuyên truyền này phù hợp với địa bàn có đông đồng bào DTTS như ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh với dân số 5,6 triệu người, có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các DTTS chiếm tỷ lệ 36,3%. Đây là vùng đang còn nhiều khó khăn, cần thúc đẩy phát triển, rút dần khoảng cách với mặt bằng cả nước; cũng là địa bàn mà các tổ chức phản động luôn thực hiện những âm mưu thù địch, phá hoại thành quả cách mạng. Do vậy, việc nâng cao chất lượng tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có kênh tuyên truyền miệng, luôn được coi là nhiệm vụ chính trị trọng yếu của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên.

Bàn về vấn đề này, chúng tôi được già làng Rơ Châm Klơt (người dân tộc Gia Rai) ở xã Ia Khai (huyện Ia Grai)-người từng chèo đò vận chuyển vũ khí, hàng hóa, đưa đón bộ đội qua sông trong những năm kháng chiến chia sẻ về kinh nghiệm: “Đối với đồng bào DTTS, tuyên truyền miệng rất quan trọng, dễ thực hiện, gần gũi và thiết thực. Người đi tuyên truyền vận động cứ rỉ rả như kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì bà con sẽ thấu hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, những điều hay, việc tốt trong cuộc sống sẽ lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Và như vậy, kẻ xấu dù có dùng chiêu bài gì cũng khó mà lay chuyển được lòng dân...”.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào DTTS, công tác tuyên truyền miệng được coi là phương pháp quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là kênh giao tiếp hữu hiệu để tạo nên các mối quan hệ đồng thuận trong xã hội. Như chúng ta đã biết, tỷ lệ không biết chữ trong đồng bào DTTS khá cao, mặt bằng dân trí thấp, nên hình thức tuyên truyền miệng là cách đáp ứng nhanh nhạy các yêu cầu thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà những hình thức khác khó có thể thực hiện ngay được. Nếu người đi tuyên truyền hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS thì sẽ rất thuận lợi, nói dân nghe, làm dân tin.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn Tây Nguyên có khoảng 223 báo cáo viên cấp tỉnh; 2.568 báo cáo viên cấp huyện và 7.245 tuyên truyền viên cấp cơ sở là các già làng, người có uy tín, đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế. Phần lớn họ là những người gắn bó địa bàn, hằng ngày làm việc, tiếp xúc với bà con đồng bào DTTS tại các buôn, làng nên khá am hiểu phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt của bà con. Thực tế trên địa bàn Tây Nguyên, những vấn đề cần phổ biến, tuyên truyền vận động từ các vấn đề như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; xây dựng nông thôn mới; chính sách dân số, xóa đói giảm nghèo, cho đến những việc hằng ngày như: Vận động người dân tránh xa các tệ nạn ma túy, từ bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan, lễ lạt lãng phí... đều có vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên. Chính nhờ phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, nên một bộ phận đồng bào DTTS bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng, sau khi được giáo dục, giải thích đã thấu hiểu, hối cải, chí thú làm ăn...

Bài 2: Để đồng bào “sáng cái đầu, ưng cái bụng”
 Đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh minh họa: baotintuc.vn.

Từ huyện Đức Cơ, xuôi Quốc lộ 19, lại bám theo Quốc lộ 25 hành quân về xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai), chúng tôi thấy hệ thống loa phát thanh được lắp đặt hai bên con đường bê tông kéo từ UBND xã về các thôn. Hôm ấy, chương trình truyền thanh của xã đang phát đi bản tin nói về tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19. Nhận biết chúng tôi có vẻ không hiểu ngôn ngữ đồng bào cho lắm, nên đồng chí Nguyễn Quang Cường, Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai giải thích: “Để thuận tiện cho đồng bào các dân tộc dễ hiểu, dễ tiếp thu, nội dung bản tin buổi trưa phát bằng tiếng Ba Na, buổi sáng sớm là tiếng phổ thông (tiếng Việt), còn buổi chiều tối là tiếng Gia Rai... Nội dung tuyên truyền trên loa phát thanh được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, giúp đồng bào DTTS có thể ghi nhớ...”.

Công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng đối với đồng bào các DTTS được các địa phương quan tâm thực hiện theo phương châm: “Làm nhiều hơn nói, hiệu quả thiết thực; nói đúng điều đồng bào cần nghe, không nói suông, hứa suông”. Thực hiện phương châm đó, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào, thực hiện “4 cùng, 3 trực tiếp” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; trực tiếp đến tận nhà dân, trực tiếp nghe dân nói và nói cho dân nghe, trực tiếp làm để dân tin). Chính cách làm thể hiện tính sâu sát như vậy đã góp phần quan trọng trong việc vận động được đông đảo đồng bào các DTTS tham gia xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động tuyên truyền miệng giúp đồng bào tại các tỉnh Tây Nguyên từng bước nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; nắm bắt kịp thời tư tưởng, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân; đưa thông tin định hướng của Đảng đến với người dân và giữ vững niềm tin của người dân với Đảng. 

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội của các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tự lực vươn lên thoát nghèo gắn với việc xây dựng, nhân rộng những mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. 

Nhận thức rõ vấn đề cốt yếu này, trong những năm qua, hệ thống chính trị các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã tích cực, chủ động triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” (sau đây gọi là cuộc vận động). Chính những cách làm sáng tạo, thiết thực và nhân văn này đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Nếu như, trước năm 2016, Pông, Hek, Trớ và Kinh Pêng là 4 làng DTTS đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai, cư dân phần lớn là người dân tộc Ba Na, trình độ canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo của 4 làng lên đến 55% và số còn lại gần như là hộ cận nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Huyện Phú Thiện tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại dân cư và triển khai cuộc vận động. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động 79 hộ đồng bào DTTS phối hợp với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn có tổng diện tích hơn 87ha nhằm chuyển từ đất trồng lúa, mì kém hiệu quả sang trồng mía, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tạo ra thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước. Đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, chuyển giao nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình, vườn mẫu để đồng bào làm theo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của 4 làng đến cuối năm 2020 đã giảm xuống còn 29,7% và đang tiếp tục giảm, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể.

Thành công của cuộc vận động chính là các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã xác định rõ nguyên nhân đói nghèo, lạc hậu, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con bằng những bước đi, cách làm phù hợp. Thực tế cho thấy, trước khi triển khai cuộc vận động, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương khá cao, trong đó hộ nghèo chủ yếu là đồng bào DTTS. Ngoài nguyên nhân khách quan là do cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, chưa đồng bộ thì còn do những tập tục, suy nghĩ và trình độ canh tác lạc hậu của đồng bào, nhất là tư tưởng tự ti, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp và lối sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp. Vì vậy, cuộc vận động đã huy động cả hệ thống chính trị, đơn vị quân đội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để làm thay đổi nhận thức, tư duy của đồng bào. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, xây dựng đời sống văn hóa để thu hút, hướng dẫn và hỗ trợ đồng bào làm theo từ dễ đến khó, từng bước tạo ra kết quả để lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.

Nhân tố góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc vận động chính là đã huy động được đông đảo già làng, người có uy tín trong cộng đồng DTTS hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Đồng chí Tống Thới Mốc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, qua điều tra dư luận xã hội, có đến 75,9% người được hỏi trả lời rất quan tâm đến cuộc vận động; số người trả lời quan tâm nhưng không nhiều là 22,5% và chỉ có 0,6% trả lời không quan tâm. Kết quả điều tra cũng cho thấy, 74,8% người được hỏi cho rằng đồng bào DTTS đã siêng năng lao động sản xuất, sắp xếp lao động trong gia đình hợp lý, phát huy lợi thế về đất đai và chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, thu nhập cao... Điều đó chứng minh, cuộc vận động đã thấm sâu và làm thay đổi sâu sắc nhận thức, cách làm của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thực tế nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đã thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nhiều mô hình hỗ trợ, giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả. Cùng với việc tận dụng, phát huy tốt các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, người DTTS được cấp ủy, chính quyền trao sinh kế lao động, hoặc bố trí công ăn, việc làm tương đối ổn định, tạo nền tảng xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhiều công ty, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế quốc phòng... mạnh dạn mở rộng sản xuất, thu hút lao động người DTTS tại chỗ và xây dựng khu dân cư trên nhiều địa bàn trọng điểm.

Cuộc sống vật chất từng bước được nâng lên tạo nền tảng để đời sống tinh thần của đồng bào càng thêm lạc quan, tin tưởng vào công cuộc đổi mới. Trở lại thôn Đak Ơ Nglăng, xã Đăk Tờ Re (Kon Rẫy, Kon Tum), chúng tôi thật sự bất ngờ bởi sự thay đổi nơi đây. Chỉ mấy năm trước, vùng đất này còn khá hoang sơ, nhiều đường đất đỏ gập ghềnh, thì nay đường chính, đường nhánh đã được thảm bê tông, hai bên đường bạt ngàn vườn cà phê, vườn hồ tiêu trĩu quả.

Trò chuyện với chúng tôi, già A Gôm mở giọng rền ấm: “Giờ đây đời sống đồng bào đã tốt hơn ngày trước rất nhiều. Đám thanh niên được định hướng nghề nghiệp, được học tập trưởng thành; người lớn có đất trồng trọt, chăn nuôi, hoặc trở thành công nhân của nhà máy, xí nghiệp... Bây giờ cái đói đã rời xa, cái bụng đã no đủ, bà con yên ổn làm ăn, không nghe theo lời tuyên truyền xúi giục của kẻ xấu nữa. Chính quyền nói đồng bào tin, chính quyền hướng dẫn, đồng bào nghe theo!”.

(còn nữa)

PHAN TIẾN DŨNG

Nhận xét