Phạm Trung
Quốc hội (nghị viện) là cơ quan đại biểu của nhân dân. Quyền lực của cơ quan này là biểu hiện quyền lực của nhân dân, biểu hiện trình độ dân chủ của mỗi quốc gia, dân tộc. Những dấu ấn lịch sử 75 năm qua đã chứng minh Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực cao nhất.
Một ngày sau khi nước Việt Nam Dân
chủ cộng hòa ra đời, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ
tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự cấp thiết phải tiến hành càng sớm, càng tốt cuộc Tổng
tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Theo đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội
đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được tiến hành vào ngày 6-1-1946.
Đây là một sự kiện trọng đại, là lần bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử dân
tộc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu
tiên bầu ra Quốc hội đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc
lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự. Trong bản Hiến
pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Quốc hội khóa I thông qua
ngày 9-11-1946 đã hiến định quyền lực của Quốc hội (lúc đó gọi là Nghị viện):
“Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng
hòa” (Điều thứ 22); “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc,
đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ
ký với nước ngoài” (Điều thứ 23).
Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm
1992 tiếp tục hiến định Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước
Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 hiến định rõ “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất
của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định
các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của
Nhà nước”.
75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã
có nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và sự
phát triển bền vững của đất nước. Các vấn đề được Quốc hội quyết định đều dựa
trên ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tốt nhất cho lợi ích của đất nước.
Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), bên cạnh những quyết định về
mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Quốc hội đã quyết định
nhiều vấn đề rất lớn của đất nước, như: Điều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm
2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia; dự án đầu tư
xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ
cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; đề án tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030, v.v..
Để chuẩn bị cho Quốc hội khóa XV sắp
tới, tại Kỳ họp thứ chín giữa năm 2020, Quốc hội đã thành lập Hội đồng Bầu cử
quốc gia để tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Tại Kỳ họp thứ mười vừa
qua, Quốc hội đã ấn định tổ chức ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội vào ngày
23-5-2021. Với những dấu ấn lịch sử trong 75 năm qua, mọi người dân Việt Nam có
quyền tin tưởng rằng, thông qua bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ lựa chọn được
những Đại biểu thực sự tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có đức, có tài, xứng
đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, để Quốc hội Việt Nam tiếp
tục là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao
nhất trong điều kiện phát triển mới của đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét