PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA

                                                                                                                                                        Gió biển

Trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, đã và đang có những luận điệu vin vào nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin là “kinh tế quyết định chính trị” để cho rằng, về mặt kinh tế đã là kinh tế thị trường, kinh tế đa thành phần và nhiều hình thức sở hữu thì nhất thiết tương ứng với nó về mặt chính trị phải là chế độ đa nguyên, đa đảng. Mặt khác, họ cho rằng, hiện nay Đảng, Nhà nước ta đang có nhiều yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, quản lý và điều hành đất nước, nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí đã trở thành “quốc nạn”; sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng,... Theo đó, không có đa nguyên sẽ không có đấu tranh và điều đó sẽ làm cho hệ thống chính trị không thể đổi mới.

Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã minh chứng, xét về mặt kinh tế, không hề có cơ sở để nảy sinh chế độ chính trị đa nguyên. Vì, trong các thành phần kinh tế ở nước ta, kinh tế tư bản chưa bao giờ giữ được vị trí thống trị. Chế độ phong kiến ở Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm đã không tạo ra được thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa trong lòng nó. Kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nước ta chỉ ra đời cùng với việc áp đặt chế độ thực dân kiểu cũ của Pháp trước đây. Do đó, những nhà tư sản đầu tiên là tư sản Pháp, sau đó dần dần mới xuất hiện các nhà tư sản người Việt. Tuy nhiên, giai cấp tư sản này ngay khi mới hình thành đã bị tư sản Pháp chèn ép, cùng với đó là hoàn cảnh của một nước thuộc địa nửa phong kiến, nên giai cấp tư sản Việt Nam bị phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Trong đó, tư sản mại bản gắn bó với đế quốc nước ngoài. Tư sản dân tộc chỉ phát triển rất hạn chế. Ngay cả những nhà tư sản yêu nước cũng không đủ sức lãnh đạo đất nước giành độc lập. Sứ mệnh này phải do giai cấp công nhân mà lực lượng tiên phong của nó là Đảng Cộng sản đảm nhận.

Hiện nay, có nhiều nhà tư bản nước ngoài vào đầu tư ở nước ta, cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân ở trong nước. Nhưng phần lớn họ làm những cái “ăn ngay”, “chộp giật”, không nắm giữ những vị trí kinh tế then chốt, cũng như không đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, cơ bản. Hơn nữa, đâu phải tất cả những nhà kinh doanh đều là tư sản. Còn kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể tuy có những yếu kém, thậm chí trong thời gian vừa qua đã có không ít tập đoàn, tổng công ty, xí nghiệp làm ăn thua lỗ. Nhưng về cơ bản, nó vẫn nắm giữ các vị trí kinh tế then chốt; kinh tế nhà nước vẫn đang và tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, “xương sống” trong nền kinh tế quốc dân.

Mặt khác, cần khẳng định rằng, chúng ta thực hiện đổi mới nhưng kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đích thực. Đổi mới để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn chứ không phải quay lại chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường (tự do mù quáng), nhà nước pháp quyền (tư sản) và đa nguyên chính trị đó là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Vì vậy, chúng ta không đi theo hướng đó; nó không phù hợp và không đáp ứng nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam. Chúng ta thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và thực hiện cơ chế dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Với những cơ sở thực tiễn sinh động, đầy thuyết phục nói trên, có thể nhất quán khẳng định lại rằng, chúng ta thực hiện kinh tế đa thành phần nhưng vẫn bảo đảm nhất nguyên về chính trị, giữ vững vai trò và sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn hợp lý, đúng đắn.

Nhận xét