LẠI DIỄN “CHIÊU TRÒ ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG” Ở VIỆT NAM

Văn Hóa

Một nội dung không mới trong chiến lược “diễn biến hoàn bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch đó là chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, xảo quyệt, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh các hoạt động để tìm mọi cách hạ thấp và tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Chúng lại lớn tiếng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đây là vấn đề được các thế lực thù địch sử dụng liên tục lặp đi, lặp lại mà đáng lẽ ra phải tự nhận thấy nội dung đó đã quá lỗi thời, lạc hậu trước một xã hội hiện đại như hiện nay.

Trong suốt hơn 90 năm qua cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, các thế lực thù địch luôn “hằn học” về những thành quả mà cách mạng Việt Nam đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt. Trước thực tế đó, chúng tìm mọi cách tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất, là chúng muốn tạo điều kiện, tiền đề để cho ra đời và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài học sâu sắc diễn ra tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 80 và 90 của thế kỷ XX đã chứng minh và phản ánh sâu sắc sự chống phá của các thế lực thù địch đối với các nước này. Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch và sự “phản bội” của một số phần tử trong nội bộ nước này đã dẫn đến Điều 6, Hiến pháp của Liên Xô (quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản) bị xóa bỏ. Từ đây đã tạo tiền đề quan trọng dẫn đến hình thành chế độ đa nguyên, đa đảng ở Liên Xô với việc ra đời hàng loạt tổ chức, đảng phái chính trị đối lập, cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Và sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 8 năm 1991 là một tất yếu khi Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo.

Thực tiễn ở Liên Xô đã rõ ràng, vì thế Việt Nam kiên quyết không bao giờ lặp lại những sai lầm của Liên Xô. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao tự phê bình và phê bình, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, gắn bó mật thiết với nhân dân, kiên quyết chống mọi biểu hiện đòi đa nguyên, đa đảng. Hơn lúc nào hết, Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững hiện nay./. 

Nhận xét