Phạm Trung
Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự tổng kết sâu sắc về lịch sử và lý luận, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đường lối cách mạng nước ta từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay. Mục tiêu này được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh chính trị và văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học thành công, là nguyên nhân của thành tựu trong lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Tình hình mới đặt ra yêu cầu tiếp tục phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.”[1].Một là, lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan.
Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khi được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người chỉ ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Đây là con đường kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là một tất yếu khách quan do sự quy định của lịch sử, phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, với mục tiêu lớn của thời đại và ý nguyện của nhân dân; được gắn với đặc điểm, tình hình của mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Gần 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Hai là, tình hình mới, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch càng đòi hỏi Đảng ta phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dự báo trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.
Để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới đất nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ra sức phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chúng sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau như: Cho rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường mù mờ, không có tương lai”, “đi vào ngõ cụt”, “đã bị lịch sử phủ định”; “ngày xưa trong thời kỳ phong kiến đã có chủ nghĩa xã hội đâu mà vẫn giữ được độc lập dân tộc”, “lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Đảng”; “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”, v.v.
Hiện tại, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, v.v. Tuy vậy, về bản chất, chủ nghĩa tư bản vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công, dù có những điều chỉnh thích nghi. Chủ nghĩa xã hội với những phẩm giá tốt đẹp vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới; những giá trị cao cả của nó vẫn tồn tại trong đời sống nhân loại. Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, Đảng ta phải thật sự vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
[1] Nguyễn Phú Trọng (2020), “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Quân đội nhân dân, Số 21338, Thứ Ba, ngày 01/09/2020.
[2] Hồ Chí Minh (1959), Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.30.
Nhận xét
Đăng nhận xét